Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bệnh lý ngôn ngữ nói

Bệnh lý ngôn ngữ nói là các rối loạn giao tiếp về sa sút khả năng nói và ngôn ngữ.

Các kỹ thuật, phương pháp và can thiệp được thiết kế để cải thiện hoặc điều chỉnh các rối loạn giao tiếp thuộc về lĩnh vực của bệnh lý ngôn ngữ. “Aphasia” là thuật ngữ chung cho hội chứng mất ngôn ngữ qua mất/giảm khả năng liên quan đến lời nói, văn viết, đọc hiểu do chấn thương ở các vùng não chuyên biệt cho chức năng ngôn ngữ. Các vùng giải phẫu của não bộ phục vụ cho chức năng này có thể được chia thành vùng Broca (hồi trán dưới) để tạo ra lời nói và vùng Wernicke (hồi thái dương trên) để hiểu được ngôn ngữ. Rối loạn ngôn ngữ, liên quan đến khó khăn trong việc tạo ra âm thanh, lời nói của ngôn ngữ và việc hiểu ngôn ngữ hoặc sử dụng từ ngữ trong giao tiếp nói, có thể được điều trị bởi các nhà âm ngữ trị liệu (speech-language pathologists). Năm 1993, có gần 70.000 chuyên gia về lĩnh vực này tại Hoa Kỳ được chứng nhận bởi Hiệp hội Nói - Ngôn ngữ - Nghe Hoa Kỳ (ASHA).

Các rối loạn về giao tiếp bằng lời được điều trị bởi các nhà âm ngữ trị liệu bao gồm các rối loạn về giọng nói (cao độ, độ to, chất giọng, độ vang hay độ dài của tiếng nói), các rối loạn về cách phát âm (khó khăn trong việc âm thanh nói), các rối loạn về sự lưu loát (nhịp độ của lời nói, ví dụ: nói lắp). Các nhà âm ngữ trị liệu tham gia vào các quá trình sàng lọc, đánh giá và điều trị bệnh nhân. Người có hội chứng mất ngôn ngữ do tổn thương ở vùng Broca thường được hỗ trợ bởi các liệu pháp về phát âm, tập luyện mô phỏng lại các âm thanh, từ ngữ, câu và mệnh đề cụ thể. Đối với nói lắp và các rối loạn khác về tính trôi chảy khi tạo ngôn ngữ nói, sẽ được điều trị phổ biến qua các bài tập lưu loát, có khả năng phát triển sự phối hợp giữa nói và thở, giảm tốc độ nói và phát triển khả năng kéo dài các vần. Một người có thể tập luyện nói một từ một cách lưu loát rồi tăng thêm về số lượng các từ, cũng như độ khó của câu nói để không bị nói lắp nữa. Phản hồi thính giác muộn (Delayed auditory feedback - Khi mà bệnh nhân nghe được tiếng vang lời họ nói) cũng là một phương pháp hiệu quả trong điều trị nói lắp.

Người có hội chứng mất ngôn ngữ do tổn thương ở vùng Wernicke có thể được áp dụng phương pháp điều trị dựa trên ngữ cảnh để cải thiện khả năng nghe hiểu và trao đổi thông tin trong bối cảnh giao tiếp thực. Cách tiếp cận này có thể qua thông tin với người bệnh bằng văn bản, đưa ra các hình ảnh có liên quan đến bối cảnh giao tiếp và biểu đạt qua nét mặt, cử chỉ và âm độ giọng nói.

Khi vấn đề về âm ngữ được gây ra bởi các loại khuyết tật hoặc khuyết tật nghiêm trọng, cách tiếp cận theo con đường thần kinh, bao gồm ức chế một số phản xạ để thúc đẩy các vận động bình thường thường được ưa chuộng. Một số kỹ thuật được sử dụng trong âm ngữ trị liệu bao gồm, cách tiếp cảm giác vận động và phản hồi sinh học, giúp người bệnh biết được âm thanh họ tạo ra là đúng hay sai. Đối với bệnh nhân có rối loạn giao tiếp nặng, nhà âm ngữ trị liệu có thể hỗ trợ với các phương thức giao tiếp khác như ra hiệu bằng tay hoặc nói thông qua máy tính.

Phần lớn các nhà âm ngữ trị liệu làm việc ở các cơ sở giáo dục, nhiều người trong số họ làm ở các cơ sở giáo dục tiểu học công lập. Họ cũng hoạt động ở trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hơn 300 phòng khám ngoại trú chuyên về rối loạn giao tiếp và thường liên quan tới bệnh viện và các trường đại học. Chương trình đào tạo về âm ngữ trị liệu có ở các bậc đào tạo đại học và sau đại học. Đào tạo đại học có thể bao gồm các lớp như sinh học, giải phẫu, tâm lý, ngôn ngữ, giáo dục và giáo dục đặc biệt. Đa phần các nhà lâm sàng đều có một bằng thạc sỹ về khoa học thông tin và các rối loạn về giao tiếp từ một chương trình cấp chứng chỉ bởi ASHA.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Flower, R.M., Delivery of Speech-Language Pathology and Audiology Services, Baltimore, MD: Williams and Wilkins, 1986.
  2. Hicks, Patricia Larkins, Opportunities in Speech-Language Pathology Careers, Lincolnwood, IL: VGM Career Horizons, 1996.
  3. Lass, N.J., L.V. McReynolds, and J.L. Northern, Handbook on Speech-Language Pathology and Audiology, Philadelphia: B.C. Decker, 1998.
  4. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  5. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.