Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bệnh căn

Bệnh căn - Trong y học, việc xác định được nguyên nhân của bệnh đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị. Bệnh căn (Etiology) chính là những nghiên cứu, tìm tòi về nguyên nhân của bệnh. Tuy nhiên cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XX, bệnh căn các bệnh tâm thần vẫn không mấy sáng sủa khi các nhà y - sinh tập trung tìm kiếm nguyên nhân trong các yếu tố sinh học.

Là một bác sĩ thần kinh nhưng Freud lại nổi tiếng với vai trò người sáng lập ra một trường phái tâm lý, trường phái Phân tâm học. Trong lý thuyết Phân tâm học, luận điểm về cấu trúc và các giai đoạn phát triển nhân cách đóng vai trò then chốt. Ở mỗi giai đoạn phát triển tâm lý - nhân cách, những bất ổn của trục tâm - tính dục đều để lại dấu ấn bằng những bệnh căn về tâm lý. Đặc biệt, theo Freud, những bệnh căn về tâm lý/rối loạn tâm thần ở tuổi trưởng thành đều bắt nguồn từ những vấn đề tâm lý trong giai đoạn 3 - 5 tuổi. Đây là giai đoạn ở trẻ trai có phức hợp Ơ đip, còn ở trẻ gái có phức hợp Electra. Ở trẻ có rất nhiều xung năng mang tính chất tính dục. Cũng trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu tiếp nhận những chuẩn mực đạo đức xã hội. Theo đó, những xung năng tính dục là không thể chấp nhận được và bị dồn nén/chèn ép dưới tầng vô thức. Bị dồn nén, rất nhiều xung năng vô thức này là nguồn gốc gây ra các bệnh tâm thần ở tuổi trưởng thành, ví dụ như trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt.

Cùng chia sẻ với những luận điểm cơ bản của Freud, Bowlby - một nhà phân tâm học lừng danh khác lại không đặt nặng vào yếu tố tính dục. Theo ông chính sự gắn bó mẹ - con là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhân cách của trẻ cũng như các rối loạn tâm lý cả ở giai đoạn tuổi nhỏ cũng như tuổi trưởng thành.

Khởi nguồn từ những luận điểm của Freud, xu hướng giải thích các rối loạn tâm thần do nguyên nhân tâm lý ngày càng phát triển. Một loạt các nhà phân tâm khác như: Anna Freud, Jung, Sullivan, Horney, Fromm… lại đưa ra các luận điểm riêng của mình về căn nguyên tâm lý của các rối loạn tâm thần.

Không chỉ dừng lại ở việc lý giải nguyên nhân tâm lý của các rối loạn tâm thần, vào những năm 1950, các nhà phân tâm, nổi bật là Engel G.L. (1913 - 1999) đã khẳng định nguyên nhân tâm lý của một nhóm các bệnh cơ thể như: tăng huyết áp, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn…

Ở một hướng khác, các nhà tâm lý học hành vi, khởi đầu từ Pavlov và Watson xem các rối loạn tâm thần chính là những hành vi không bình thường và là do những kích thích “không bình thường” gây ra. Tạo ra sự sợ hãi của bé Albert trong thực nghiệm, Watson cũng muốn chứng tỏ căn nguyên sợ hãi từ yếu tố tâm lý bên ngoài. Mặc dù cũng là nhà tâm lý học hành vi, Skinner lại cho rằng những hành vi như uống rượu, hút thuốc lá… trở thành nghiện bởi do sự củng cố của các kết quả “tốt” mà cá nhân nhận được sau đó.

Một hướng khác trong Tâm lý học Hành vi, đó là Hành vi - Nhận thức. Các nhà tâm lý học hành vi - nhận thức, nổi bật là Beck, Ellis thì lại nhấn mạnh đến vai trò của nhận thức trong nguyên nhân của các rối loạn tâm thần.

Những thập kỷ gần đây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã cho phép các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu vai trò của các tổ chức não, hệ dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là các gen trong bệnh tâm thần. Cùng với đó là các yếu tố xã hội. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất quan điểm rằng nguyên nhân của các bệnh/rối loạn tâm thần là sự kết hợp của cả ba nhóm yếu tố: sinh học, tâm lý và xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bloch S., Singh B.S. (ND: Trần Viết Nghị và cộng sự), Cơ sở của lâm sàng Tâm thần học, Nxb. Y học, Hà Nội, 2001, tr. 40 - 57.
  2. Nguyễn Sinh Phúc, Các trường phái trong Tâm lý học Lâm sàng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.
  3. Nguyễn Thị Minh Hằng (Chủ biên), Trần Thành Nam, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Ngọc Diệp, Giáo trình Tâm lý học Lâm sàng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 157 - 301.
  4. Phạm Toàn, Tâm lý trị liệu (Lý thuyết và thực hành), Tái bản lần thứ nhất, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 200 - 375.
  5. Strickland B.R. (2001) (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, 2nd Ed., Gale group, 2001, pp. 230 - 231.
  6. Ghaemi S.N, The Concep of Psychiatry: A Pluralistic Approach to the Mind and Mental Illness, The Johns Hopkins University Press, 2003, pp. 3 - 24.
  7. Bhatia M.S., Dictionary of Psychology and Allied Sciences, New Age International Publisher, 2009, pp. 144.