Bệnh bạch cầu cấp là một loại ung thư trong đó một số lượng lớn tế bào bạch cầu bất thường được sản xuất trong các mô tạo máu như tủy xương và được giải phóng vào máu. Nó phát sinh từ sự biến đổi ác tính của các tế bào bạch cầu xảy ra ở cấp độ tế bào gốc.
Mô tả[sửa]
Bệnh bạch cầu cấp tiến triển nhanh chóng, trong khi bệnh bạch cầu mãn tính tiến triển chậm hơn, thường diễn biến trong khoảng thời gian một năm. Bệnh bạch cầu cấp được phân loại theo dạng tế bào bạch cầu chuyển dạng ác tính. Phổ biến nhất của bệnh bạch cầu cấp là các thể sau:
- Bệnh bạch cầu lympho cấp (Acute lymphoblastic leukemia:ALL): một số lượng lớn các tế bào lympho non, hoặc tế bào lympho chưa trưởng thành được sản sinh ra.
- Bệnh bạch cầu tủy cấp (Acute myeloblastic leukemia: AM L): còn gọi là bệnh bạch cầu cấp non-lympho, trong đó một số lượng lớn các tế bào dòng tủy non được tạo ra.
Yếu tố nguy cơ[sửa]
- Phơi nhiễm với bức xạ ion hóa trong các vụ nổ hạt nhân
- Phơi nhiễm với bức xạ y học khi điều trị bệnh nhân ung thư
- Trước đây có điều trị bằng các thuốc chống ung thư (như Procarbazine, Cyclophosphamide, Mephalan...)
- Trước đây có bị nhiễm các dòng virus ái lympho T của người và Epstein-Barr.
- Có tiền sử rối loạn miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS), rối loạn sinh tủy mãn tính, bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, bệnh thiếu máu Fanconi.
- Hút thuốc lá.
- Phơi nhiễm một số loại hóa chất độc hại như benzen
- Sử dụng kháng sinh chloramphenicol.
Có tiền sử mắc các bệnh gây tổn thương tủy xương hoặc ung thư hệ bạch huyết cũng làm tăng nguy cơ bệnh bạch cầu cấp.
Dịch tễ học[sửa]
Bệnh bạch cầu cấp chiếm 2% trong tất cả các loại ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu cấp tính ở nam cao hơn so với nữ. Mặc dù bệnh bạch cầu cấp chiếm tỷ lệ nhiều nhất các dạng ung thư trẻ em và chiếm tới 1/3 số ca ung thư trẻ em, số người lớn được chẩn đoán bạch cầu cấp vẫn cao hơn trẻ em. Một nửa trường hợp bệnh bạch cầu ở người trưởng thành xảy ra ở những người ≥60 tuổi.
Triệu chứng[sửa]
Những người mắc bệnh bạch cầu thường có thiếu máu, nhiễm trùng, dễ bị xuất huyết và bầm tím da (ví dụ: những đốm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng và kinh nguyệt thất thường), các triệu chứng này có thể xuất hiện chỉ vài ngày hoặc vài tuần trước khi được chẩn đoán.
Bệnh nhân bị bạch cầu cấp cũng có thể có một số triệu chứng sau đây: yếu và mệt mỏi kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân, gai rét hoặc triệu chứng giống cúm, sút cân, thường xuyên nhiễm khuẩn, nhiễm virus, đau đầu, ban xuất huyết dưới da, đau xương, có máu trong nước tiểu và phân, sưng và đau hạch, trướng bụng, ra mồ hôi ban đêm.
Sự nhân lên của các tế bào ung thư làm cho gan to, lạch to. Đôi khi bệnh tác động lên thần kinh trung ương làm cho bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, nôn, co giật.
Chẩn đoán[sửa]
Khám lâm sàng[sửa]
Không có xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm bệnh bạch cầu cấp. Nếu bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh bạch cầu cấp, cần kiểm tra thể chất kỹ lưỡng để phát hiện hạch bạch huyết ở cổ, vùng nách, và vùng bẹn, nướu răng bị sưng, gan hoặc lách to, vết bầm tím, hoặc ban đỏ rải rác cơ thể. Hỏi tỷ mỷ về tiền sử cá nhân và gia đình về bệnh và phương pháp điều trị trước đây.
Xét nghiệm[sửa]
Công thức máu có sự hiện diện của một tỷ lệ lớn các tế bào blast là một gợi ý bệnh bạch cầu.
Sinh thiết tủy xương nếu tìm thấy khoảng 25- 95% tế bào non trong tủy xương là xác định bệnh bạch cầu.
Điều trị[sửa]
Để có kết quả tốt, điều trị bệnh bạch cầu cấp phải bắt đầu càng sớm càng tốt. Mục đích của điều trị là ngăn chặn tiến triển của bệnh bạch cầu và đạt tới sự thuyên giảm của bệnh.
Hóa trị[sửa]
Hóa trị là việc sử dụng thuốc chống ung thư đặc hiệu để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây thường là lựa chọn trong bệnh bạch cầu và được sử dụng để làm giảm các triệu chứng và đạt được sự thuyên giảm lâu dài. Nói chung, hóa trị liệu thường kết hợp nhiều loại thuốc.
Xạ trị[sửa]
Xạ trị, liên quan đến việc sử dụng tia X hoặc các tia năng lượng cao khác để tiêu diệt các tế bào ung thư và làm khối u co lại, có thể được sử dụng trong một số trường hợp. Đối với bạch cầu cấp, xạ trị ngoài (bên ngoài cơ thể) thường được áp dụng. Nếu các tế bào bạch cầu đã di căn đến não hoặc các cơ quan khác, xạ trị có thể hướng đến hệ thống cơ quan đó.
Tiên lượng[sửa]
Giống như các bệnh ung thư khác, tiên lượng bệnh bạch cầu cấp phụ thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe chung và đáp ứng với điều trị của bệnh nhân. Tỷ lệ sống sót său 5 năm là 75% ở trẻ em và 60% - 88% vẫn ổn định. Đối với người trưởng thành, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 30 - 40%.
Dự phòng[sửa]
Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và hóa chất độc hại có thể giúp giảm rủi ro ở một số cá nhân. Những người đang có nguy cơ cao phát triển bệnh bạch cầu do tiếp xúc nhiều loại hóa chất và điều kiện môi trường kém nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Ball, Edward D., and Alex Kagan. 100 Questions & Answers about Leukemia, 3ed ed. Burlington, MA: Jones & Bartlett Learning, 2013.
- Morrison, Candis, and Charles L. Hesdorffer. Johns Hopkins Patients’ Guide to Leukemia. Sudbury, MA: Jones & Bartlett Learning, 2011.