Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bắt tà

Bắt tà là hình thức chữa bệnh của các pháp sư cho những người được cho là bị tà ma ám hại gây ốm đau bệnh tật.

Một tu sĩ Công giáo làm nghi lễ trừ tà

Bắt tà xuất phát từ quan niệm về sự tồn tại các linh hồn dữ, có thể gây hại cho cuộc sống và sức khỏe của con người. Theo dân gian, những người chết bất đắc kỳ tử (như chết do tai nạn, chết đuối, chết trong chiến tranh,…) linh hồn vất vưởng không được siêu thoát muốn chiếm hữu thể xác của người sống để trú ngụ. Thường là trẻ con (nhất là trẻ mới sinh) hoặc những người nhẹ vía, cơ thể ốm yếu, mệt mỏi thì rất dễ bị tà mà hãm hại mà dẫn đến ốm đau bệnh tật. Từ nỗi lo bị tà ma ám ảnh mà người ta hay đeo bùa hộ mệnh, kiêng đi một mình đến chỗ vắng vẻ, nhiều âm khí vào ban đêm hoặc khi chính ngọ, vào tháng 7 cô hồn,…Với trẻ em mới sinh khi đi đường phải bôi nhọ nồi lên mặt để đánh dấu, trẻ em ốm yếu thì bán khóan lên đền, chùa để nhờ Phật, Thánh độ mệnh. Ngoài ra ở miền xuôi xưa kia đàn bà sinh sản đau yếu hoặc con gái hiếm muộn thường cho là bị bệnh Phạm Nhan (tương truyền là tướng giặc Nguyên bị Hưng Đạo Vương giết), hoặc là tiền kiếp phu thê ghen tuông, hoặc là vì thạch tinh cốt khí yêu ma quỷ quái ám ảnh mà thành bệnh. Với những bệnh này dùng thuốc chữa trị không khỏi mà phải nhờ đến quyền uy của các thầy pháp để đuổi con ma ra khỏi cơ thể, dân gian gọi nôm na là bắt tà.

Vì liên quan đến thế giới siêu linh, ma quỷ nên việc trị tà ma phải do các thầy pháp là những người được cho là có khả năng thông quan với thần linh, dựa vào uy lực của thần linh để trừ tà trị bệnh, trục vong ra khỏi cơ thể người ốm theo phương thức của thầy Shaman1 . Chẳng hạn các thầy phù thủy thường kêu cầu Thái thượng Lão quân và thần Độc Cước; các Thanh đồng nhờ uy lực của Đức Thánh Trần; các thầy cúng Tày, Nùng, Thái thường kêu cầu sự trợ giúp của các vị tổ nghề Mo, Then, Một,…trong dòng cúng của gia đình và dòng họ mình.

Ở người Kinh xưa nay phổ biến hình thức pháp sư ra oai dùng roi dâu đánh đập người bệnh (với ý đánh đập con ma) rồi quát tháo dọa nạt đuổi con ma ra khỏi thân xác người bệnh. Ngoài ra, thầy Phù thủy còn niệm chú yểm phép vào cây gậy (gọi là thượng phụ trượng) rồi cho người cầm đi khua khắp nhà để đuổi tà ma. Tương tự, ở người Tày, ông thầy Then đuổi tà ma bằng cách bắt quyết, làm phép, quát tháo, dọa nạt...

Điển hình là các Thanh đồng lên đồng ở đền Kiếp Bạc trị tà Phạm Nhan bằng cách niệm chú để con ma ốp đồng người bệnh rồi tra khảo bắt nhận tội, làm tờ cam kết không quấy nhiễu người bệnh nữa rồi cho nó điểm chỉ. bắt tà cũng có thể được thực hiện bằng cách Thanh đồng nhập Thánh ra oai dọa nạt con tà như nung đỏ lưỡi cày để xỏ chân vào, uống dầu sôi, nhai hương đang cháy,… Ấn tượng nhất là phép bắt tà bằng hình thức rạch lưỡi và xiên lình. Sau khi nhập đồng, Thanh đồng niệm chú, biến đổi thần sắc, đập vỡ chiếc đĩa sứ đựng trầu rồi nhặt mảnh vỡ lè lưỡi rạch mạnh để máu phun vào một tờ giấy bản để làm bùa gọi là dấu mặn. Người bệnh có thể đốt bùa uống với tàn hương nước thải để trị tà hoặc dùng để dán ở buồng ngủ để trấn áp ma quỷ. Còn với hình thức xiên lình, khi Đức Ông nhập về, trong tiếng trống dồn dập, hai hầu dâng lấy dải lụa xoắn lại, lên đai siết mạnh quanh bụng và cổ thanh đồng, thắt chặt đến nỗi mặt thanh đồng phù lên, đỏ bầm, mắt trắng dã, đứng tròng. Thanh đồng nhận cây lình to bằng ngón tay trỏ (nếu là lình đại dài 1,5 m, lình trung 1,2 m, lình tiểu khoảng 0,8 m) từ hầu dâng, múa vài đường, sau đó ngậm mũi nhọn vào trong miệng, rùng mình, giậm chân, lấy tay đẩy xuyên mũi lình trổ ra gò má phía ngoài, hầu dâng lấy quả cau tươi trên bàn thờ gắn vào mũi lình xiên gò má. Tiếp theo thanh đồng nhận hai cây vớt (que sắt dài chừng 0,4 m, một đầu tán như lưỡi đao bén ngót, đầu còn lại nhọn hoắt) dâng lên ban thánh rồi đâm xuyên qua hai má, bẻ quặt lên thái dương, lấy dải lụa buộc cố định. Hai gò má bị cây vớt bạnh ra khiến gương mặt thanh đồng trở nên gớm ghiếc, dữ tợn, con bệnh và các đệ tử ngồi dưới mặt mày thất thần, lộ rõ sự sợ hãi tột độ. Xung quanh cách chữa bệnh này, có người cho rằng các thầy dùng xảo thuật, tuy nhiên người trong cuộc lại khẳng định họ được thánh nhập mới làm được. Trước năm 1945 hình thức chữa bệnh này khá phổ biến, hiện nay còn rất ít Thanh đồng còn thực hiện được.

Người Thái quan niệm người ốm đau bệnh tật uống thuốc không khỏi thường là do bị các ma rừng ám, tùy theo mức độ và các loại ốm đau bệnh tật mà họ sẽ làm các lễ cúng lớn nhỏ khác nhau để đuổi ma. Cụ thể : Xên pứa chuông phi pá - cúng ma rừng cho những người bệnh nặng, phải chém dê; Xên pứa chuông phi luông - cúng ma yêu tinh cho người ốm nặng, phải chém chó; Xên fắn cáy cúng cho trai gái sắp lấy chồng, lấy vợ gặp hạn ma rừng nhập chỉ ăn gà trắng, gà đỏ gây nên ốm đau, tai nạn nên phải chém gà; Xên fắn nu sắp cướt cho phụ nữ mang thai nhưng không tụ thì làm lễ chém chuột … Để đuổi các loại tà ma này, sau khi hát cúng làm lễ trong nhà xong ông thầy Một (thường là nam giới) sẽ đưa người bệnh ra khỏi nhà cầm con dao dứ vào người bệnh, lúc lên giọng quát tháo, đe dọa lúc lại hạ giọng dỗ dành, khuyên giải, cuối cùng khi con ma đồng ý rời đi thầy sẽ dùng dao chém chết con vật hiến tế với ý nghĩa để nó mang đi mà không quay lại nữa. Sau đó thầy vào nhà thực hiện các biện pháp chữa bệnh như dùng vật thiêng (đá, răng lợn lòi,…) giống như cạo gió, khai thông khí huyết cho người bệnh.

Xung quanh việc bắt tà trị bệnh vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Phổ biến là ý kiến cho rằng đây là hình thức trị bệnh vô lý, các ông thầy pháp lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi. Đây cũng là quan điểm thể hiện trong chính sách bài trừ mê tín dị đoan trong quản lý lễ hội của Nhà nước Việt Nam từ năm 1957 cho đến nay với giải thích: Việc đi chùa, đi nhà thờ thuộc tự do tín ngưỡng còn các việc xem bói, xem số, xem tướng, gọi hồn, lên đồng, xóc thẻ, yểm bùa, cúng ma, bắt tà trừ ma, đội bát nhang, đốt vàng mã, dùng phù phép chữa bệnh v.v.... là mê tín dị đoan2. Gần đây báo chí cũng phản ánh các trường hợp thầy pháp bắt tà bằng roi dâu, có người bị đánh đến mức phải đi bệnh viện cấp cứu.

Bên cạnh đó, việc bắt tà chữa bệnh âm còn được nhiều người giải thích và đề xuất các cách chữa khác nhau. Có người cho rằng bệnh âm là hậu quả của nghiệp báo, hướng dẫn chữa bằng cách tập luyện và tu tập. Có người khẳng định không có tà ma, con người ta sau khi chết 49 ngày là siêu thoát, bệnh âm thực chất là dạng bệnh đa nhân cách, đề xuất cách chữa bằng liệu pháp tâm lý. Một số nhà sư theo quan niệm Phật giáo cho rằng sự tồn tại thế giới ngạ quỷ của các vong linh chết không siêu thoát (chết bất đắc kỳ tử, oan ức,...) là có thật. Nguyên nhân là do họ còn chấp chước, muốn bấu víu cuộc sống hiện tại mà nhập vào thân xác người sống để báo ân báo oán, hướng dẫn “bắt” bằng hình thức “đối thoại”, ôn tồn khuyên giải để thuyết phục vong rời người bệnh mà siêu thoát đi đầu thai kiếp khác.

Như vậy, bắt tà là thuộc hình thức chữa bệnh âm của các thầy Shaman phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, tùy từng tộc người, tùy từng góc nhìn và giao lưu văn hóa mà người ta có những cách giải thích và các hình thức chữa trị khác nhau.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Phong trào văn hóa xb, Sài Gòn, 1972.
  2. Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
  3. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
  4. Nguyễn Thị Yên, Vàng Thị Ngoạn. Then giải hạn của người Thái Trắng ở thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2016.

Chú thích[sửa]

1Shaman: Thầy pháp hành lễ theo phương thức xuất nhập hồn giao tiếp với thần linh, ma quỷ thường có sự trợ giúp của âm nhạc.

2Quyết định số 56-CP ngày 18 tháng 3 năm 1975 của Chính phủ về việc ban hành bản Thể lệ về tổ chức việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội với mục đích xây dựng nếp sống mới, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục.