Mục từ này cần được bình duyệt
Bắt chước

Sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại các hành động, tâm trạng, cách thức suy nghĩ, ứng xử của một người hay nhóm người nào đó (Trần Thị Minh Đức, 2008), là nhân tố tâm lý, mong muốn tự nhiên, bên trong hành xử như những người khác trong tình huống mà chủ thể đối mặt (Durlauf, 2001). Bắt chước không đơn thuần là sự sao chép đơn giản một hành vi khác mà là sự tái tạo độc đáo (Tarde, 1903).

Bắt chước làm phát triển các khuôn mẫu ứng xử cho phép cá nhân hành động một cách có hiệu quả và hài lòng. Bắt chước không phải là một hiện tượng đơn nhất, chúng có thể gồm các hành vi bắt chước khác nhau. Các mô hình của bắt chước (models of imitation) đều dựa trên học tập thực tế (instrumental learning-một phương pháp đào tạo trong đó việc củng cố được thực hiện tùy thuộc vào sự xuất hiện của phản ứng), học tập kết hợp (associative learning là một quá trình học tập theo đó việc củng cố được thực hiện khi một kích thích nhất định đi kèm với một kích thích hoặc hành vi khác.

Sự phát triển của bắt chước qua các giai đoạn

Bắt chước có vai trò to lớn trong việc tiếp thu các kinh nghiệm xã hội, được thể hiện rất rõ trong mọi giai đoạn phát triển khác nhau của cá nhân, ở mọi lứa tuổi khác nhau. Ở trẻ em, bắt chước giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng bắt chước nét mặt và cử chỉ tay có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh trong vài ngày hoặc vài giờ tuổi. Bắt chước vận động là một hiện tượng phát triển phức tạp nhằm phục vụ các chức năng nhận thức, xã hội và một số chức năng khác. Ở chức năng xã hội, bắt chước là một hình thức tương tác qua lại sớm nhất giữa trẻ sơ sinh và người chăm sóc. Các trò chơi bắt chước lẫn nhau sẽ tạo nền tảng giúp trẻ phân biệt bản thân với người khác (Meltzoff & Gopnik, 1993). Quá trình bắt chước cũng hỗ trợ xây dựng các hoạt động phối hợp, gắn kết và chia sẻ hiểu biết với người khác (Eckerman, Davis, & Didow, 1989; Meltzoff & Moore, 1983a). Ở chức năng nhận thức, Piaget (1962) mô tả bắt chước là tiền đề cho việc hình thành các biểu tượng. Một số nghiên cứu đã khẳng định mối liên hệ giữa bắt chước và sự sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ sơ sinh phát triển bình thường (Bates và cs, 1979; Snow, 1989). Ngoài ra, bắt chước cũng được xem là một chiến lược học tập mà thông qua đó, trẻ sơ sinh lĩnh hội được và thành thạo các hành vi mới (Meltzoff & Moore, 1983b).

Việc thực hiện hành vi bắt chước ở trẻ bình thường có liên quan đến đặc điểm phát triển và bản chất của các hành vi được bắt chước.Trẻ sơ sinh đến 20 tháng tuổi có nhiều khả năng bắt chước các hành động liên quan đến đồ vật hơn là các hành động liên quan đến chuyển động cơ thể. Bắt chước ở lứa tuổi thiếu niên hướng vào việc thiếu niên đồng nhất bề ngoài đôi khi cả bên trong bản thân với một nhân cách cụ thể có giá trị với các em hoặc với một khuôn mẫu hay các phẩm chất nhân cách khách quan nào đó. Đối với người lớn bắt chước là một bộ phận của quá trình học các dạng nghề nghiệp khác nhau (Vũ Dũng, 2008)

Các yếu tố ảnh hưởng đến bắt chước

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc bắt chước bao gồm giá trị của một hành vi cụ thể - các hành động có ý nghĩa được bắt chước thường xuyên hơn các hành động không có ý nghĩa (Killen & Uzgiris, 1981; Masur & Ritz, 1984). Ngoài ra, quá trình truyền tải thông tin (thông tin về hành vi của người khác có thể làm thay đổi hành vi của chủ thể), tính phổ biến của hành vi (nếu những người khác có hành vi hoặc cách hành xử giống nhau hay theo cùng một cách, chủ thể có thể tìm thấy hành vi mong muốn bằng cách đánh giá các lựa chọn hành vi thay thế (Durlauf, 2001). Đặc điểm nhân khẩu, tâm lý của cá nhân cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự bắt chước. Mọi người thích bắt chước những người lớn tuổi, người có cương vị xã hội hay người tài giỏi .

Tài liệu tham khảo

Vũ Dũng. Từ điển tâm lý học. NXB.Đại học Quốc gia. Hà Nội 2008

Trần Thị Minh Đức. Các thực nghiệm trong Tâm lý học xã hội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2008.

Bates, E., Benigni, L, Bretherton, I., Camaioni, L., & Volterra, V. The emergence of symbols: Cognition and communication in infancy. New York: Academic Press 1979.

Durlauf, S. The memberships theory of poverty: The role of group affiliations in determining socioeconomic outcomes. In S. Danziger & R. Haveman (Eds.), Understanding poverty in America. Cambridge: Harvard University Press 2001.

Eckerman, C, Davis, C., & Didow, S. Toddlers' emerging ways of achieving social coordinations with a peer. Child Development, 60, 440-453. 1989.

Killen, M., & Uzgiris, I. C. Imitation of actions with objects: The role of social meaning. The Journal of Genetic Psychology, 138, 219-229. 1981.

Masur, E. E, & Ritz, E. Patterns of gestural, vocal, and verbal imitation performance in infancy. Merrill-Palmer Quarterly, 30, 369-392. 1984.

McCabe, M., & Uzgiris, I. C. Effects of model and action on imitation in infancy. Merrill-Palmer Quarterly, 29, 69-82. 1983.

McCall, R., Parke, R., & Kavanaugh, R. Imitation of live and televised models by children one to three years of age. Monographs of the Society for Research in Child Development 42 (5, Serial No. 173). 1977.

Meltzoff, A., & Gopnik, A. The role of imitation in understanding persons and developing a theory of mind. In S. Baron-Cohen, H. Tager-FIusberg, & D. J. Cohen (Eds.), Understanding other minds: Perspectives from autism (pp. 335- 366). Oxford, England: Oxford University Press. 1993.