Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bậc thang điều trị thời chiến

Bậc thang điều trị thời chiến là hệ thống các tuyến quân y triển khai trên đường vận chuyển thương binh, bệnh binh từ tuyến trước về hậu phương, mỗi tuyến được giao thực hiện một nhiệm vụ cứu chữa phù hợp, tuyến trước cứu chữa đơn giản, tuyến sau cứu chữa phức tạp và cứu chữa chuyên khoa sâu ở tuyến hậu phương.

Bản chất của bậc thang điều trị là phân chia quá trình cứu chữa thành các giai đoạn kế tiếp nhau, mỗi tuyến quân y chỉ đảm nhiệm một phần của quá trình cứu chữa. Căn cứ vào tổ chức quân đội, đặc điểm và tính chất tổn thương, trình độ và khả năng của nền y học quân sự, khả năng vận chuyển thương binh, bệnh binh; BTĐTTC thường được phân theo các tuyến quân y: đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, quân khu, chiến trường, hậu phương. Tuyến quân y đại đội làm nhiệm vụ cấp cứu đầu tiên: thực hiện các biện pháp cứu chữa đơn giản ban đầu ngay sau khi bị thương tại trận địa, nhằm ngăn chặn tức thời những triệu chứng đe dọa đến tính mạng, không để thương binh, bệnh binh bị thương lần thứ hai và tạo điều kiện cho tuyến sau có thể cứu chữa hiệu quả, kịp thời. Tuyến quân y tiểu đoàn làm nhiệm vụ bổ sung cấp cứu: kiểm tra nếu cần thì làm lại hoặc làm thêm những biện pháp cấp cứu ở tuyến trước đã làm nhằm bảo đảm an toàn cho thương binh, bệnh binh trong quá trình vận chuyển về tuyến sau. Chủ yếu là chống những hậu quả của vết thương trực tiếp đe dọa đến tính mạng như chảy máu, ngạt thở…; bảo vệ vết thương khỏi bị nhiễm trùng thêm và dự phòng chống sốc. Tuyến quân y trung đoàn làm nhiệm vụ cứu chữa bước đầu (trong kháng chiến chống Mỹ gọi là cứu chữa tối khẩn cấp và khẩn cấp): để khắc phục những triệu chứng trực tiếp đe dọa đến tính mạng của thương binh, bệnh binh, dự phòng những biến chứng nguy hiểm và chuẩn bị để vận chuyển thương binh, bệnh binh về tuyến sau, cần được thực hiện trước 6 giờ kể từ lúc bị thương, giữ điều trị thương binh, bệnh binh nhẹ có thể điều trị khỏi trong khoảng 5 đến 7 ngày. Tuyến quân y sư đoàn làm nhiệm vụ cứu chữa cơ bản (trước đây gọi là cứu chữa có chất lượng hoặc cứu chữa cơ bản), cần được thực hiện trước 12 giờ tính từ lúc bị thương (riêng vết thương thấu bụng cần được xử trí trước 8 giờ tính từ lúc bị thương) và phải được tiến hành ở nơi có điều kiện để triển khai được phẫu thuật lớn, giữ được thương binh, bệnh binh một thời gian sau cứu chữa ít nhất 4-24 giờ, giữ điều trị thương binh, bệnh binh nhẹ có thể điều trị khỏi trong khoảng 7 đến 10 ngày. Tuyến quân y quân đoàn làm nhiệm vụ cứu chữa cơ bản như tuyến quân y sư đoàn và cứu chữa chuyên khoa khi được tăng cường, giữ điều trị phần lớn thương binh, bệnh binh nhẹ đến khỏi. Tuyến quân y quân khu làm nhiệm vụ cứu chữa cơ bản và cứu chữa chuyên khoa, giữ điều trị thương binh, bệnh binh nhẹ và phần lớn thương binh vừa đến khỏi. Tuyến quân y hậu phương làm nhiệm vụ cứu chữa cơ bản và cứu chữa chuyên khoa; nhận điều trị toàn bộ số thương binh, bệnh binh nặng và vừa của các quân đoàn, thương binh, bệnh binh nặng và một phần thương binh, bệnh binh vừa của các quân khu và mặt trận.

Phạm vi cứu chữa của mỗi tuyến: mức độ thực hiện nhiệm vụ cứu chữa đã quy định trong các tình huống cụ thể của chiến đấu và tình huống quân y phù hợp với chỉ định y học. Mỗi tuyến có thể được giao làm đủ, thu hẹp hoặc mở rộng phạm vi cứu chữa. Làm đủ phạm vi cứu chữa là thực hiện đầy đủ các nội dung cứu chữa quy định. Thu hẹp phạm vi cứu chữa là chỉ tiến hành thực hiện một phần nhiệm vụ cứu chữa đã quy định (thu hẹp một phần) hoặc chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu chữa của tuyến dưới (thu hẹp toàn bộ); trong trường hợp đó phải tìm mọi cách để vận chuyển nhanh thương binh, bệnh binh về tuyến sau. Thu hẹp phạm vi cứu chữa thường được áp dụng khi thương binh, bệnh binh về đông, dồn dập; khi thiếu lực lượng, phương tiện quân y; khi bị địch uy hiếp hoặc do phải nhanh chóng cơ động bám sát đội hình chiến đấu hoặc khi điều kiện vận chuyển thương binh, bệnh binh về tuyến sau thuận lợi. Thu hẹp phạm vi cứu chữa cần được cân nhắc thận trọng trước khi quyết định và phải được phép của chủ nhiệm quân y cấp trên. Mở rộng phạm vi cứu chữa là tiến hành cả những biện pháp cứu chữa quy định cho tuyến sau; thường áp dụng khi việc vận chuyển thương binh về tuyến sau khó khăn hoặc bị địch bao vây khống chế, chỉ mở rộng phạm vi cứu chữa khi được cấp trên cho phép và được tăng cường lực lượng và phương tiện quân y. Trong kế hoạch bảo đảm quân y chiến dịch hay trận đánh, chủ nhiệm quân y cấp trên quy định phạm vi cứu chữa cho cấp dưới. Tuy nhiên, trong các tình huống cụ thể, phạm vi cứu chữa của mỗi tuyến có thể do chủ nhiệm quân y tuyến đó quyết định nhưng phải được cấp trên đồng ý.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục Hậu cần, Mấy vấn đề cơ bản của công tác quân y trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1982
  2. Tổng cục Hậu cần, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1989
  3. Học viện Quân y, Y học quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1991
  4. Tổng cục Hậu cần, Tổ chức chỉ huy quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994
  5. Bộ Quốc phòng, Điều lệ công tác quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001
  6. Học viện Quân y, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2002
  7. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  8. Cục Quân y, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006
  9. Cục Quân y, Tổ chức và chỉ huy quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009
  10. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  11. Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009