Mục từ này cần được bình duyệt
Bẫy thu nhập trung bình

Tình trạng trong phát triển kinh tế khi mà một quốc gia đã thoát nghèo và đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có), nhưng giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn. Đối tượng của“BTNTB” là các quốc gia có mức GNI bình quân đầu người vào khoảng từ trên 1.045 USD đến 12.736 USD. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2012 cho thấy, trong số 101 quốc gia đạt mức thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 quốc gia thoát được BTNTB và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2008, còn lại vẫn là các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tại châu Á, chỉ có năm nước và vùng lãnh thổ thoát được BTNTB, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh được coi là điển hình của tình trạng mắc BTNTB.

Về nguyên nhân, BTNTB xảy đến khi một quốc gia phát triển chững lại hay thậm chí là trì trệ sau khi đạt được một mức thu nhập trung bình. Vấn đề này thường nảy sinh với các nền kinh tế đang phát triển khi mức lương tăng lên trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hóa giảm xuống, khó có thể cạnh tranh với các nền kinh tế đã phát triển về công nghệ tối tân, hay với các nền kinh tế có mức lương thấp hơn trong việc sản xuất hàng hóa giá rẻ. Nói một cách khác, các nhà sản xuất tại các nước có thu nhập trung bình thấy rằng họ không thể cạnh tranh với những nhà sản xuất có giá thành sản phẩm thấp hơn trong thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, họ cũng nhận thấy rằng bản thân mình không có công nghệ tốt nhất như ở các nước đã phát triển.

Các quốc gia không thể vượt ngưỡng thu nhập trung bình nếu không thay đổi cơ cấu công nghiệp từ các ngành có hàm lượng công nghệ thấp sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao bằng chính nguồn lao động nội địa. Đó là điều dễ hiểu bởi sau khi vượt ngưỡng thu nhập thấp, một quốc gia sẽ mất dần các lợi thế sẵn có và vốn FDI bắt đầu chuyển sang các nước kém phát triển hơn nhưng có nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn hoặc lao động giá rẻ hơn. Để tiếp tục tăng trưởng, buộc quốc gia đó phải hướng vào phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, là những ngành có tính cạnh tranh lớn. Việc sử dụng lao động trong nước sẽ giúp nâng cao giá trị nội tại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ khó có thể thực hiện được trong một thời gian ngắn do những nguyên nhân trực tiếp sau: 1) Nhân lực trong thời kỳ thu nhập thấp chủyếu được khai thác ở phần thô (lao động cơbắp, thủ công) mà chưa được chú trọng về mặt kỹ năng, trình độ, dẫn đến mặt bằng chất lượngkém. Lao động sẽ không đủ khả năng để sángtạo và sử dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 2) Nền tảng khoa học - công nghệ lạc hậu so với thế giới. 3) Hiệu quả sử dụng vốn kém gây lãng phí vốn, đồng thời làm giảm đi sức hấp dẫn của nền kinh tế đối với cácnhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. 4) Các nhà quản lý kinh tế vĩ mô có tư tưởng chủ quan, thỏa mãn. Họ ngộ nhận những thành quả đã đạt được là kết quả của sức mạnh nội lực nên không kịp thời có các biện pháp, chính sách phù hợp với điều kiện và yêu cầu mới của nền kinh tế.

Bốn nguyên nhân trên đây đã cản trở quá trình công nghiệp hóa, cũng như mở rộng đường dẫn nền kinh tế tựsa vào “BTNTB”.Để tránh rơi vào BTNTB đòi hỏi phải có những chiến lược để đưa vào những phương thức sản xuất mới và tìm kiếm các thị trường mới để duy trì xuất khẩu nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Bên cạnh đó việc khuyến khích tiêu dùng trong nước cũng rất quan trọng. Tầng lớp trung lưu đang mở rộng có thể dùng sức mua của mình để mua sản phẩm chất lượng cao và giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Khó khăn lớn nhất là việc chuyển từ tăng trưởng dựa trên tài nguyên (phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ và vốn tư bản) sang sự tăng trưởng dựa vào sự đổi mới kỹ thuật sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm mới mang tính cạnh tranh. Để làm điều này cần phải đầu tư vào nền giáo dục và phát triển khoa học công nghệ đồng thời khuyến khích việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nền kinh tế. Hàn Quốc là một điển hình thành công trong việc thoát khỏi BTNTB. Quốc gia này đã phát triển một hệ thống giáo dục chất lượng cao đồng thời nhà nước khuyến khích sự sáng tạo và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển trong khoa học và kỹ thuật.

Tài liệu tham khảo

1. Kenichi Ohno và Lê Hà Thanh, Bẫy thu nhập trung bình tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7(92), 2015

2. Tạp chí The Economist, The middle-income trap, Nghiên cứu xuất bản ngày 27.3.2012

3. IndermitGill và Homi Kharas, An East Asian renaissance: Ideas for economic growth, Ấn phẩm của Ngân hàng thế giới, xuất bản tháng 1.2007

4. Giang Thanh Long và Lê Hà Thanh, Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Hà Nội, 2010

5. Lê Tú Anh và Đậu Quang Vinh, Việt Nam và bẫy thu nhập trung bình, Tạp chí Khoa học Công nghệ Nghệ An, số 9/2016