Bất thường là khái niệm dùng để chỉ các hiện tượng như dị thường, lập dị, không bình thường, khác thường về bệnh lý của con người.
Trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng, các nhà tâm lý học quan tâm không chỉ những rối loạn tâm lý/tâm thần, mang tính chất bệnh lý rõ nét, mà còn cả những biểu hiện “cận bệnh lý”. Ngoài những rối loạn mang tính bệnh lý, bất thường còn bao gồm cả những cái ngoài bệnh lý, nhưng không còn là bình thường. Sự hiện diện của hành vi kỳ dị, khác thường: Những hành vi của một người đi lang thang, không mục đích, nhặt vài mẩu rác, cười vô cớ… Các biểu hiện như vậy hoàn toàn không bình thường. Cũng có những trường hợp cái bất thường có cả trong suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân mà người ngoài chỉ quan sát thấy một phần. Ví dụ, chúng ta chỉ thấy người có rối loạn tâm thần dường như đang nói chuyện với người khác nhưng xung quanh không có một ai. Chúng ta chỉ phán đoán, suy luận mà không rõ “tiếng nói trong đầu” đã nói gì với người bệnh.
Tuy nhiên, những biểu hiện tương tự như vậy không phải trong bất kỳ trường hợp nào cũng bị coi là bất thường. Trong một buổi hầu đồng, “cậu” nói những lời của Thánh nhập thì đó là một sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng người Việt. Ở nhiều nước phương Tây, hiện tượng một người cho rằng có người nhập vào và sử dụng thân xác mình để nói, dễ dàng được chẩn đoán là rối loạn dạng xâm nhập. Như vậy việc đánh giá hành vi như thế nào là bất thường cũng còn phụ thuộc vào từng nền văn hóa.
Không phù hợp với chuẩn mực xã hội: Trong mỗi xã hội đều có các chuẩn mực để điều chỉnh hành vi của con người trong cộng đồng, xã hội. Những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực có thể được xem là bất thường. Một người dễ có thể là người có hành vi không bình thường nếu đi ngoài đường lại không mặc quần áo. Tuy vậy ở một số nước, khi có người không mặc quần áo đứng ngoài đường hoặc những chỗ đông người thì đó có thể lại là người biểu tình phản đối hậu công nghiệp. Bất thường về mặt thống kê: Để xác định bất thường, một số tác giả cho rằng có thể sử dụng phép thống kê. Càng ở xa trung bình/chuẩn, tính bất thường càng lớn. Để tăng cơ sở thuyết phục, trắc nghiệm tâm lý được sử dụng như là một công cụ minh họa hữu ích. Ví dụ, bằng các thuật toán thống kê, điểm trung bình của chỉ số trí tuệ IQ là 100. Những người có chỉ số IQ dưới 70 (cách điểm trung bình 2 độ lệch chuẩn) được xem là có vấn đề về trí tuệ. Càng về phía dưới, tỷ lệ người mắc càng ít/tính chất bệnh lý càng cao. Ví dụ, chỉ có khoảng 0,1% dân số có chỉ số IQ dưới 55. Tuy nhiên chiếm tỷ lệ ít về mặt thống kê không đồng nghĩa hoàn toàn với bất thường. Cũng ví dụ về chỉ số IQ, không thể gọi những người trong câu lạc bộ Mensa (câu lạc bộ của những người có chỉ số IQ cao), là những người không bình thường hoặc có trí tuệ bất thường.
Đau khổ chủ quan: Đây là một nhóm các bất thường trong nội tâm với các trạng thái buồn bã, lo lắng, đau khổ thậm chí có cả những cơn hoảng sợ… mặc dù chẳng có lý do nào đủ để giải thích. Ví dụ, một phụ nữ cứ buồn rầu, chán chường, không làm được một việc gì, tự cho mình không xứng đáng với chồng con. Trong khi đó, những người xung quanh và người thân trong gia đình đều khẳng định rằng mọi việc đều rất ổn, rằng có đủ điều kiện để cảm nhận một gia đình hạnh phúc. Lẽ đương nhiên để khẳng định sự bất thường thì trước hết phải khẳng định được không có lý do nào đủ để giải thích tình trạng bất ổn của cá nhân. Gây hại cho bản thân hoặc cho người khác: Một người luôn có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử. Có thể người đó làm theo tiếng nói ra lệnh trong đầu hoặc những cảm xúc chán chường, đau khổ mặc dù không có một lý do nào về cuộc sống, công việc khiến người đó có suy nghĩ và hành động tiêu cực như vậy. Hoặc tương tự, không có cớ gì để hiểu được tại làm sao một người luôn tìm cách tấn công, thậm chí giết người. Khi được hỏi lý do, người đó nói tại vì có người luôn theo dõi, tìm cách hãm hại anh ta.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Rodriguez J., Psychology and Mental Health, Salem Press. Inc., 2001, pp. 1 - 56.
- Strickland B. (Executive Editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 1 - 2.
- Lilienfeld S.O., Abnormality (In The Consise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, 3rdEd. by Craighead W.E. and Nemeroff C.B.), 2004.
- Bennett P., Abnormal and Clinical Psychology, 2nd Ed., Open University Press, 2005, pp. 3 - 5.
- Nevid J.S., Rathus S.A., Greene B., Abnormal Psychology in a Changing World, 5th Ed., Pearson Prentice Hall, 2005.
- Kahn A.D., Fawcett J., The Encyclopedia of Mental Health, 3rd Ed., Fact On File, Inc., 2008, pp. 1.
- Bhatia M.S., Dictionary of Psychology and Allied Sciences, New Age International Publisher, 2009, pp. 2.
- VandenBos G.R., (Editor in Chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 2.
- American Psychiatric Association, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Ed., Washington, DC, 2013, pp. 5 - 17.