Bất lực tập nhiễm là một thái độ thờ ơ xuất phát từ niềm tin rằng hành động của người khác không ảnh hưởng đến tình huống.
Khái niệm này đã được Martin Seligman phát triển trong những năm 1960 và 1970 tại Đại học Pennsylvania. Ông nhận thấy rằng khi động vật nhận được các cú sốc điện khi không có khả năng ngăn chặn hoặc tránh thì sẽ không thể hành động trong các tình huống tiếp theo, mặc dù có cơ hội để tránh hoặc trốn thoát. Mở rộng nghiên cứu hiện tượng này trên con người Seligman và các đồng nghiệp đã phát hiện rằng các phản ứng khởi phát động lực của con người cũng bị hủy hoại bởi sự thiếu kiểm soát từ môi trường xung quanh. Các nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng, bất lực tập nhiễm đã phá vỡ sự phát triển bình thường và dẫn đến rối loạn cảm xúc đặc biệt là phiền muộn. Bất lực tập nhiễm có thể được bắt đầu rất sớm ở con người, nếu trẻ nhỏ không thấy được mối tương quan giữa hành động của trẻ và kết quả của nó. Trẻ em chịu sự thiếu mẹ hoặc thiếu hụt sự chăm lo của mẹ và đặc biệt thiếu đi phản ứng của người lớn đối với hành vi của trẻ thì rất dễ bị bất lực tập nhiễm. Bất lực tập nhiễm có thể xuất hiện ở người mẹ khi nhận được ít sự giúp đỡ của người khác để quan tâm tới con em của họ. Bất lực tập nhiễm ở trẻ em cũng như ở người lớn có thể dẫn tới lo âu, trầm cảm và có thể gây tổn thương trong cuộc sống, đặc biệt là sự cảm nhận làm chủ môi trường - nền tảng quan trọng để phát triển cảm xúc trong tương lai. Bất lực tập nhiễm có thể cản trở giáo dục: một đứa trẻ thất bại nhiều lần ở trường sẽ ngừng cố gắng vì nó cho rằng mình không thể thành công trong học tập. Trong quá trình nghiên cứu bất lực tập nhiễm trên con người, Seligman đã thấy rằng nó liên quan đến cách suy nghĩ về các sự kiện tạo nên phong cách giải thích sự kiện của họ. Có ba thành tố chính trong phong cách giải thích liên quan tới bất lực tập nhiễm là sự trường tồn, sự lan tỏa và cá nhân hóa. Sự trường tồn liên quan đến niềm tin tiêu cực rằng các sự kiện và nguyên nhân của chúng là vĩnh hằng, ngay cả khi có những bằng chứng lôgíc cho thấy chúng chỉ là tạm thời (“Amy ghét tôi và không bao giờ có thể trở thành bạn tôi một lần nữa” chống lại “Amy lại tức giận với tôi hôm nay”; “Tôi sẽ không bao giờ học toán tốt”). Tính toàn diện của xu hướng khái quát các tính chất tiêu cực của một tình huống được mở rộng sang cả những tình huống khác ví dụ như “Tôi là kẻ ngu đần” vì “tôi đã thất bại trong bài kiểm tra toán” hoặc “không ai thích tôi cả” hoặc “Bạn Janet không mời tôi tới bữa tiệc của cô ấy”. Cá nhân hóa là thành tố thứ ba của phong cách giải thích liên quan tới xu hướng quy gán các sự kiện tiêu cực là do sai sót của người khác hoặc do tình huống bên ngoài. Mặc dù điều quan trọng ở đây là cần tự chịu trách nhiệm cho lỗi lầm, nhưng người có chứng bất lực tập nhiễm đã thể hiện xu hướng tự trách mình đối với tất cả mọi thứ, xu hướng này liên quan tới trầm cảm và lòng tự trọng thấp. Các thành tố khác của phong cách giải thích là tính trường tồn và tính phổ biến có thể được sử dụng để đánh giá mức độ cảm nhận tự trách nhiệm của mình trước sự kiện hoặc tình huống cụ thể là thực tế và phù hợp. Seligman cho rằng, có thể thay đổi phong cách giải thích sự kiện của con người nhằm thay thế bất lực tập nhiễm để học được tinh thần “lạc quan”, để chiến đấu hoặc ngăn chặn bất lực tập nhiễm ở người lớn và trẻ em. Ông đã sử dụng thành công các kỹ thuật được sử dụng trong trị liệu nhận thức với những người bị trầm cảm như xác định các cách hóa giải khi giải thích tiêu cực sự kiện; đánh giá chính xác mức độ sự kiện, giải thích và giải mã chính xác (chống lại xu hướng tưởng tượng ra hậu quả tiêu cực tồi tệ nhất đối với sự kiện). Ông cũng đã đưa ra các bài tập giúp trẻ em khắc phục phong cách giải thích tiêu cực (xu hướng phản ứng vĩnh hằng, lan tỏa và cá nhân hóa). Các nguồn lực thúc đẩy học tập lạc quan là dạy trẻ tranh luận các suy nghĩ tiêu cực giữa các em và thúc đẩy giải quyết vấn đề cũng như hình thành các kỹ năng xã hội. Segliman tuyên bố rằng cha mẹ cũng có thể thúc đẩy sự lạc quan ở trẻ thơ (còn bé) bằng các kỹ thuật đã nêu lên ở trên bằng cách cổ vũ và khuyến khích chúng làm chủ các tình huống mới và thúc đẩy khả năng tự kiểm soát càng nhiều càng tốt các hoạt động thường ngày như mặc quần áo và ăn uống. Cha mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ lạc quan của con cái thông qua thái độ của họ đối với cuộc sống và phong cách giải thích sự kiện.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Segliman, Martin, Helplessness: On Development, Depression and Death, New York W.H. Freeman, 1975.
- Segliman, Martin, Learned Optimism, New York A.A. Knopf, 1991.
- Segliman, Martin, The optimistic child, New York: Harper Collins, 1995.
- Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
- W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.