Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bất động nhận thức

Bất động nhận thức là trạng thái tâm lý của con người xảy ra khi ở cá nhân đồng thời tồn tại hai sự nhận thức đối lập nhau (tư tưởng, thái độ, niềm tin hoặc quan điểm).

Bất đồng nhận thức thường xảy ra khi ở con người hai nhận thức tồn tại đơn độc và đối lập nhau. Ví dụ, một người thanh niên đang hút thuốc lá nhưng anh ta biết rằng hút thuốc lá có thể gây ra ung thư phổi và ảnh hưởng sức khỏe tới mọi người xung quanh. Trong tình huống này anh ta cảm thấy rất không thoải mái vì bất đồng giữa hành vi hút thuốc của mình và tác hại do thuốc lá gây ra.

Bất đồng nhận thức làm cho con người có cảm giác không thoải mái vì thế họ thường cố gắng làm giảm bất đồng đó bằng nhiều cách. Thông thường để giảm bớt bất đồng nhận thức con người thay đổi một hoặc cả hai nhận thức đó làm cho chúng phù hợp hơn với nhau, hoặc bổ sung thêm một nhận thức khác làm cầu nối giữa hai nhận thức đó. Ví dụ, trong việc hút thuốc lá trên người thanh niên này có thể làm giảm bất đồng nếu dừng hút thuốc, nhưng khi dừng hút thuốc anh ta lại có cảm giác không thoải mái. Vậy làm thế nào để giảm được sự bất đồng này? Anh ta có thể cố gắng thuyết phục với mình rằng hút thuốc không có hại như các số liệu khoa học công bố hoặc thông tin tuyên truyền, anh tin rằng bộ lọc của thuốc có thể lọc được phần lớn các chất độc hại và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Anh ta tập trung vào ông nội của mình hút hai bao thuốc một ngày mà vẫn sống lâu, hiện đã 93 tuổi và vẫn còn khỏe. Tất cả các nhận thức đó giúp giảm bớt đi sự bất đồng liên quan tới hút thuốc bởi sự gợi mở rằng hút thuốc có thể không độc hại như người ta thường nói. Tương tự nghiên cứu của Gibbons và đồng nghiệp (1997) đã phát hiện ra rằng những người dừng tham gia trị liệu hút thuốc họ có thể bỏ thuốc khi đó, nhưng nếu sau đó lại hút lại, thì họ hút rất nhiều bởi họ nhận thức rất thấp về sự nguy hại của hút thuốc.

Một số lý thuyết về bất đồng nhận thức[sửa]

Hiện nay trong tâm lý học có nhiều lý thuyết khác nhau về bất đồng nhận thức. Lý thuyết của Osgood C.E. và Tannenbaum P.T. về bất đồng giữa nguồn thông tin và đối tượng của tâm thế. Theo họ ở con người luôn có sự phù hợp giữa nguồn thông tin và đối tượng của tâm thế. Sự bất đồng xuất hiện khi mà tâm thế về nguồn thông tin và đối tượng có dấu hiệu trái ngược nhau (+ và -). Ví dụ, người dân Mỹ luôn ủng hộ đường lối đối ngoại của tổng thống, nhưng khi tổng thống tuyên bố rút khỏi một số hiệp ước quốc tế gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của họ thì họ cảm thấy bất đồng (ví dụ Tổng thống Mỹ rút hỏi hiệp ước quốc tế về cắt giảm khí thải CO2 chống biến đổi khí hậu, trong khi đó biến đổi khí hậu đã gây hậu quả hết sức nặng nề như khí hậu nóng lên, bão lụt thường xuyên đe dọa… đã gây bất đồng cho người dân Mỹ.

Lý thuyết thứ 2 là lý thuyết bất đồng giữa mặt hành vi và mặt nhận thức của tâm thế. Một người có thể có hành vi tích cực về Phật giáo ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng anh ta luôn đi chùa để cầu phúc, nhưng lại nhận thức không tốt, ít hiểu biết về triết lý Phật giáo và lợi ích của các nghi lễ Phật giáo đối với sức khỏe tâm lý con người.

Lý thuyết thứ 3 về bất đồng nhận thức của Festinger Lion đưa ra năm 1957. Lý thuyết này cho thấy con người thường bất đồng nhận thức về một vấn đề nào đó với kinh nghiệm và tri thức sẵn có về nó. Nguyên nhân của sự bất đồng này là do tri thức, kinh nghiệm chủ quan của con người không phù hợp với thực tế khách quan. Ví dụ, một người được đánh giá cao nhưng thực tế lại có những hành vi mâu thuẫn với niềm tin của quần chúng trước đây đối với anh ta.

Một số nghiên cứu cơ bản về bất đồng nhận thức[sửa]

Lý thuyết bất đồng nhận thức đã kéo theo rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm và các phát hiện rất lý thú và gây tranh luận cho tới hiện nay. Sau đây là một số thực nghiệm kinh điển:

  1. Bất đồng sau quyết định. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, bất cứ khi nào khi đưa ra các quyết định khó khăn thì chúng ta sẽ trải qua bất đồng nhận thức. Nguyên nhân là do mặt âm tính của quyết định đưa ra sẽ bất đồng với quyết định trên thực tế. Tương tự, tất cả các mặt tích cực của các quyết định bị loại bỏ sẽ bất đồng với quyết định cuối cùng được đưa ra. Brehm (1956) đã chứng minh rằng sau khi đưa ra quyết định khó khăn trong vài phút, con người thường thu hẹp bất đồng nhận thức bằng cách mở rộng sự đánh giá của mình đối với quyết định được lựa chọn. Họ tin rằng quyết định được lựa chọn quyến rũ hơn ý nghĩ ban đầu của họ và quyết định bị loại bỏ ít quyến rũ hơn so với ý nghĩ ban đầu của họ.
  2. Sự cố gắng và bất đồng. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy tất cả các sự vật, hiện tượng đều cân bằng. Ví dụ; nếu chúng ta tích cực làm việc vì cái gì đó thì chúng ta sẽ thích nó hơn. Nhận thức “tôi làm việc tích cực cho cái gì đó” sẽ bất đồng với tất cả những mặt âm tính xung quanh nó. Để giảm bớt bất đồng chúng ta sẽ bóp méo nhận thức trực tiếp về nó ví dụ: Aronson và Mill (1959) đã phát hiện ra rằng các cá nhân dám nghĩ, dám làm thường cho rằng thảo luận nhóm là buồn tẻ và họ thường bị quở trách rằng nhóm lôi cuốn hơn những người ít được thừa nhận hoặc không cố gắng làm việc với nhóm.
  3. Tạo ra các liên minh. Nếu cá nhân đưa ra những giải thích, bình luận đối lập với niềm tin của nhóm thì nhóm sẽ ít quan tâm hơn tới lời giải thích, bình luận đó, nhưng nó sẽ làm thay đổi rất lớn niềm tin của nhóm đối với lời nói đưa ra (Festinger & Carlsmith, 1959; Nel, Helmreich & Aronson, 1969). Điều này xảy ra là do sự lôi kéo mạnh hơn (thưởng hay phạt) đã làm giảm đi sự bất đồng. Tương tự nếu con người chỉ trả 1 USD cho câu chuyện bịa đặt thì họ sẽ cảm thấy bất đồng nhiều hơn khi phải trả cho nó 20 USD. Để giảm bớt bất đồng con người thường tự nhủ với mình rằng lời nói luôn gắn liền với niềm tin đích thực.

Sự phát triển của lý thuyết[sửa]

Lý thuyết bất đồng nhận thức đã gây ra sự tác động rất lớn trong tâm lý học bởi nó chỉ ra sự giới hạn của nhận thức xã hội dựa trên lý thuyết củng cố đơn giản. Trên thực tế sự hiểu biết mới sẽ đến nếu chúng ta muốn ai đó làm việc tốt hơn (khi mà họ không hài lòng với công việc) thì phần thưởng lúc này rất có ích; nhưng nếu chúng ta muốn người đó yêu thích công việc đang làm thì cần tin vào những gì họ nói, trong tình huống này phần thưởng sẽ ít có khả năng tạo ra sự thay đổi ở họ.

Cũng như phần lớn các lý thuyết khác, lý thuyết bất đồng nhận thức đã phát triển trong thời gian khá dài kể từ khi nó ra đời. Có thể nói sự thay đổi căn bản đối với học thuyết là quan niệm tự ý niệm (Aronson, 1960, 1992, 1998). Aronson cho rằng trong bất cứ tình huống nào thì sự bất đồng sẽ không được tạo ra nếu không có được nhất quán của các nhận thức (như Festinger đã tin vào). Điều này cho thấy bất đồng nhận thức là hành vi đặc thù bất đồng với tự ý niệm của con người. Ví dụ, trong thực nghiệm của Festinger và Carlsmith, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng “Tôi tin tưởng X.” sẽ bất đồng với nhận thức “Tôi nói không với X.”. Theo quan điểm của tự ý niệm thì bất đồng tồn tại giữa nhận thức: “Tôi là người không nhất quán” với nhận thức “Tôi đã nói dối”.

Sự thay đổi tầm quan trọng của lý thuyết bất đồng đã kéo theo nhiều hậu quả. Ở góc độ nhận thức nó làm rõ khi nào có thể áp dụng lý thuyết và khi nào thì không. Ở góc độ tổng thể nó đã mở ra cánh cửa rộng lớn để nghiên cứu và luận giải các hành vi khác biệt cũng như hiện tượng trải nghiệm trong tâm trí. Ví dụ, các công trình nghiên cứu của Swann (1991) về tự xác định, của Steeles (1988) về tự khẳng định và của Aronson (1992) về đạo đức giả.

Áp dụng lý thuyết bất đồng[sửa]

Từ khi lý thuyết bất đồng nhận thức ra đời các nhà tâm lý học đã áp dụng trong nghiên cứu và giải quyết rất nhiều các vấn đề của thế giới, các nghiên cứu này còn được tiếp tục cho tới ngày nay. Lý thuyết bất đồng nhận thức được sử dụng rất thành công trong việc giải quyết các vấn đề như: sợ rắn, thuyết phục hành vi sử dụng bao cao su và làm giảm định kiến ở sinh viên đối với vấn đề nào đó.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Nguyễn Hữu Thụ, Tâm lý học tuyên truyền quảng cáo, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
  3. Raymond J. Corsini, Alan J. Auerbach, Concise Encyclopedia of Psychology, Second edition 1988.
  4. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  5. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  6. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  7. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157