Bảo về biên giới Quốc gia là tổng thể các biện pháp giữ gìn biên giới quốc gia, nhằm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất liền, trên không, biển, đảo, đại dương, trên không gian mạng; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tài nguyên, môi trường, sinh thái lợi ích quốc gia trên khu vực biên giới.
Sau chiến tranh thế giới thứ II và nhưng năm gần đây các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến bảo vệ biên giới quốc gia, bằng nhiều giải pháp chiến lược khác nhau như: Chuyển hướng chiến lược để tập trung lực lượng ở những hướng biên giới có nhiều nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội. Vận dụng các biện pháp tạo ra vùng đệm theo mô thức vành đai biên giới. Tăng cường sức mạnh quân sự trên các hướng biên giới chủ yếu là quân đội, cảnh sát, hải quan. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thông qua ngoại giao, qua đối thoại, thương lượng, thông qua trung gian để tìm ra giải pháp mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Việt Nam có chung đường biên giới với các quốc gia láng giềng chủ yếu mang tính chất tập quán, dựa theo ranh giới hành chính của các điểm dân cư, sử dụng các yếu tố tự nhiên như dãy núi, sông suối... Đường biên giới được hoạch định, phân giới và cắm mốc, thể hiện trên bản đồ có từ khi thực dân Pháp chiếm đóng Đông Dương. Sau giải phóng Đảng, Nhà nước ta đã chủ động đàm phán, xây dựng hành lang pháp lý các nước có chung biên giới với Việt Nam và kí hiệp ước biên giới Việt Nam-Lào 18.7.1977, Việt Nam - Campuchia vào 20.7.1983, Việt Nam-Trung Quốc (biên giới đất liền 30.12.1999, lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ 25.12.2000) và Vịnh Thái Lan 09.8.1997, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý cho quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Bảo vệ biên giới Quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia.
Bảo vệ biên giới Quốc gia nằm trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc và phải tuân thủ các điều ước quốc tế về quy chế biên giới, pháp luật của nhà nước về quy chế khu vực biên giới và đường lối chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ trên từng tuyến biên giới, biển, đảo. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở khu vực biên giới; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp, thông lệ quốc tế; “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” và sẵn sàng kết hợp các biện pháp, hình thức khác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động xâm phạm, xâm chiếm biên giới quốc gia.
Các hình thức, biện pháp bảo vệ biên giới quốc gia: Bảo vệ biên giới Quốc gia thường xuyên là hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cơ bản của Bộ đội Biên phòng trong thời bình, được tiến hành khi tình hình bên ngoài biên giới đất liền, vùng biển ở mức độ bình thường và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới ổn định, không có diễn biến đột xuất, phức tạp. Các đơn vị Biên phòng tổ chức bảo vệ biên giới liên tục theo quyết tâm và kế hoạch đã đề ra. Duy trì các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, thực hành huấn luyện, lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu.
Bảo vệ biên giới Quốc gia tăng cường là hình thức bảo vệ biên giới quốc gia trong thời bình để đối phó tình huống đột xuất, căng thẳng, được tiến hành trong khoảng thời gian và không gian nhất định. Căn cứ tình hình cụ thể, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ra lệnh quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường trên tất cả các tuyến hay trên từng tuyến, từng khu vực, được thực hiện khi có lệnh của cấp trên, có hoạt động vũ trang của đối phương, hai bên biên giới đang xảy ra bạo loạn, có thiên tai, dịch bệnh, diễn tập quân sự,...; trong khu vực quản lý đang tiến hành bao vây, truy lùng, phá án. Kết thúc hình thức bảo vệ biên giới quốc gia tăng cường phải nhanh chóng đưa các hoạt động trở về hình thức bảo vệ biên giới thường xuyên.
Bảo vệ biên giới Quốc gia khẩn cấp về quốc phòng là hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia khi biên giới có xung đột vũ trang, tranh chấp, lấn chiếm biên giới,... xảy ra ở một hoặc nhiều địa bàn trọng điểm. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, phối hợp với các lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương, huy động quần chúng nhân dân đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao lên án, phản kháng, ngăn chặn các hành động lấn chiếm biên giới chống lấn chiếm biên giới, bảo vệ an toàn các mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự, bảo vệ nhân dân. Bảo vệ biên giới quốc gia khi có chiến tranh, Bộ đội Biên phòng chuyển toàn bộ hoạt động sang thời chiến, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang khác, dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, Ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã biên giới. Kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia khi có chiến tranh phải được xây dựng trong thời bình.
Để bảo vệ biên giới quốc gia hiệu quả cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia. Bảo vệ biên giới quốc gia đặt trong tổng thể hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, quản lý với bảo vệ biên giới quốc gia, lấy xây dựng là trung tâm, quản lý, bảo vệ là trọng yếu, thường xuyên. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp để quản lý, bảo vệ và phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, dựa vào nội lực là chính, kết hợp với tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển, văn minh, hiện đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bách khoa toàn thư quân sự Liên Xô (tuyển dịch), tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1982, tr15.
- Quốc Hội, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004
- Học Viện biên phòng, Giáo trình Lý luận chung về biên giới quốc gia và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
- Quốc Hội, Luật biển Việt Nam năm 2012, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012
- Bộ Tư lệnh Biên phòng, Từ điển Bách khoa Biên phòng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018
- Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia-sự phát triển mới về tư duy bảo vệ tổ quốc của Đảng, Thiếu tướng, TS Đặng Quang Minh Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.
- Quốc Hội, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2020.
- Tạp chí cộng sản, số 962/2021, Giải quyết ác vấn đè biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, kết quả và bài học kinh nghiệm.
- Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982