Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học (khoản 7, điều 4, Luật Di sản văn hóa năm 2001).
Xét về tiêu chuẩn, bảo vật quốc gia (BVQG) phải là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Để được công nhận là BVQG, mỗi di vật, hiện vật đều phải trải qua một quá trình xét duyệt nghiêm ngặt, theo trình tự và thủ tục do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định và phải được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Bắt đầu từ năm 2012, việc xét duyệt và đề nghị công nhận BVQG được tiến hành hàng năm, mỗi năm một đợt. Tính đến hết năm 2020, toàn quốc đã có tổng cộng 215 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là BVQG. BVQG chủ yếu đang được lưu giữ tại các bảo tàng công lập và di tích, như: Trống đồng Ngọc Lũ (Bảo tàng Lịch sử quốc gia);'' Đường kách mệnh'', ''Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến'', ''Ngục trung nhật ký'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Tượng phật nghìn mắt nghìn tay (Chùa Bút Tháp), Bia Vĩnh Lăng Lam Kinh (Khu di tích lịch sử Lam Kinh), Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Bảo tàng Điêu khắc Chăm), Tượng Phật giáo thời Tây Sơn (Chùa Tây Phương), Áo Tế Giao (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế)… Hiện chỉ có 03 BVQG thuộc các cơ quan, đơn vị ngoài ngành di sản văn hóa là Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng (Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946), Kho bạc nhà nước tỉnh Hưng Yên (Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ ) và 01 BVQG thuộc sưu tập tư nhân (Trống đồng Kính Hoa).
BVQG thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không được mua bán, tặng cho dưới mọi hình thức. BVQG thuộc các hình thức sở hữu khác chỉ được trao đổi, mua bán, tặng cho và để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật.
Việc cấp giấy phép làm bản sao BVQG thuộc di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Việc cấp giấy phép làm bản sao BVQG thuộc di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, bảo tàng cấp tỉnh và sở hữu tư nhân thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc đưa BVQG ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép theo đề nghị bằng văn bản của cấp có thẩm quyền và ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó BVQG thuộc bảo tàng quốc gia do Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp đề nghị.
BVQG được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt, để bảo đảm an toàn cho hiện vật ở điều kiện cao nhất.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Di sản văn hóa, Hà Nội, 2001.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Hà Nội, 2009.
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21.9.2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Hà Nội, 2010.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL: Quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, Hà Nội, 2010.
- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg ngày 07.6.2016 quy định việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản, Hà Nội, 2016.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công văn 801/BVHTTDL-DSVH: Tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia và lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 10, năm 2021, Hà Nội, 2021.