Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bảo tồn địa chất

Bảo tồn địa chất bảo tồn đa dạng địa chất đối với các giá trị di sản nội tại, sinh thái và các giá trị di sản địa chất. Thuật ngữ này được Eberhard đưa ra năm 1997. Bảo tồn địa chất là một trong những nội dung của bảo tồn thiên nhiên. Nội hàm của bảo tồn địa chất rộng hơn bảo tồn di sản địa chất. Nội dung của bảo tồn địa chất bao gồm nhận dạng, đánh giá, xếp hạng, công nhận, bảo vệ và quản lý các di sản địa chất, cũng như các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, nghiên cứu khoa học và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững.

Các tài nguyên địa chất đang được khai thác, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của nhân loại. Bảo tồn địa chất đã từng được hiểu theo nghĩa khá rộng, hướng đến bảo tồn tất cả tính đa dạng địa chất. Hiện nay, phạm vi của bảo tồn địa chất đã thu hẹp lại, chủ yếu hướng đến bảo tồn các địa điểm địa chất có giá trị di sản. Cũng như các dạng tài nguyên địa chất khác, bảo tồn địa chất là tài nguyên không tái tạo, nên việc bảo tồn chúng lại càng quan trọng, cần được tiến hành kịp thời, thường xuyên, có hệ thống, có cơ sở khoa học và được chính quyền các cấp và đông đảo cộng đồng địa phương tích cực tham gia.

Để bảo tồn một cách hiệu quả các di sản địa chất cần phải xây dựng và thực thi một chiến lược tổng thể, toàn diện. Một trong những việc đầu tiên cần làm là phải tiến hành điều tra, phát hiện, phân loại, đánh giá, đề xuất xếp hạng, khoanh vùng bảo tồn, từ đó triển khai công tác quan trắc, giám sát và áp dụng những biện pháp bảo vệ thích hợp đối với từng di sản cụ thể. Ngoài ra, công tác quản lý, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các bộ sưu tập mẫu vật địa chất, ví dụ như ở các bảo tàng, cũng được coi là một dạng bảo tồn địa chất. Mặc dù bảo tồn một vài di sản địa chất cụ thể đã được con người thực hiện từ thời cổ xưa, nhưng bảo tồn địa chất, như là một xu hướng, một nhu cầu thiết yếu của nhân loại, cùng với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học,... mới chỉ xuất hiện khoảng một vài thập kỷ trở lại đây và dần dần đã trở thành một bộ môn của địa chất học, tương tự như các môn khoáng vật học, cổ sinh học hoặc địa mạo học,... với tư cách là một môn khoa học, bảo tồn địa chất thể hiện rõ năm sợi dây liên hệ chặt chẽ với xã hội:

  1. Lựa chọn và đánh giá các giá trị di sản địa chất phải dựa trên các số liệu và trình tự khoa học và bảo tồn địa chất cần bảo tồn được các đặc tính đa dạng địa chất chủ đạo
  2. Liên quan đến các chính sách bảo tồn thiên nhiên, di sản địa chất là bộ phận phi sinh học của các di sản thiên nhiên
  3. Cần có một cơ sở pháp lý đầy đủ để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn địa chất
  4. Bảo tồn các di sản địa chất có giá trị giáo dục cao và một xã hội hiểu biết hơn về Địa chất học và Di sản địa chất sẽ dễ chấp nhận các hoạt động bảo tồn địa chất hơn
  5. du lịch địa chất đang được coi là một bộ phận quan trọng của du lịch bền vững, thân thiện với thiên nhiên.

Chúng không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa vào du lịch và các dịch vụ đi kèm, mà còn giúp du khách lý giải các hiện tượng, sự vật tự nhiên và hiểu rõ hơn về hành tinh Trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta.

Bảo tồn địa chất ở Việt Nam đã và đang được thực hiện ở một số hình thức sau:

  1. như là một bộ phận cấu thành của các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích quốc gia
  2. các khu bảo tồn được UNESCO hoặc các tổ chức quốc tế khác công nhận theo các tiêu chí, giá trị địa chất - địa mạo hoặc trong đó chứa đựng các giá trị địa chất - địa mạo
  3. các khu công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Brilha J., Geoconservation, Concept of, In: Tiess G., Majumder T., Cameron P. (eds) Encyclopedia of Mineral and Energy Policy, Springer, Berlin, Heidelberg, https://doi.org/10.1007/978-3-642-40871-7_2-1, 2014.
  2. Henriques M.H., Pena dos Reis R., Brilha J., Mota T.S., Geoconservation as an emerging geosciences, Geoheritage, 3: 117-128, 2011.
  3. John E. Gordon, Geoconservation principles and protected area management, International Journal of Geoheritage and Parks, 7(4): 199-210. https://doi.org/10.1016/j.ijgeop, 2019.12.005, 2019.
  4. Sharples C., Concepts and principles of geoconservation. Published electronically on the Tasmanian Parks & Wildlife Service website, Version 3, 2002.