Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo tàng thiên nhiên việt nam

bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng đầu hệ trong hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam, thành lập theo Nghị định số 27/2004/NĐ-CP ngày 16. 01. 2004 của Chính phủ và Quyết định số 305/QĐ-KHCNVN ngày 10.3.2006 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đặt trụ sở chính tại Nhà A20, số 18 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.

BTTNVN là tổ chức sự nghiệp văn hoá - khoa học có chức năng bảo tồn, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, giám định, nghiên cứu bảo tàng, tổ chức trưng bày giới thiệu và nghiên cứu các sưu tập vật mẫu về địa chất, sinh vật, nhân chủng, tư liệu về thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên trong nước và ngoài nước, phục vụ phổ biến kiến thức, giáo dục, nghiên cứu khoa học, tham quan, du lịch.

Tháng 5.2014, Bảo tàng chính thức mở cửa Phòng trưng bày đầu tiên, cũng là trưng bày Tiến hóa sinh giới đầu tiên ở Việt Nam, với diện tích hơn 300 m2 và hơn 1000 mẫu vật trưng bày phong phú về chủng loại, giới thiệu quá trình hình thành và tiến hóa của sự sống trên Trái Đất, chia thành 3 chủ đề: Nguồn gốc sự sống; Lịch sử sự sống qua các thời kỳ địa chất trên trái đất; Sự sống thời hiện tại.

Đặc biệt, Bảo tàng đã đưa ra trưng bày tiêu bản Rùa Hồ Gươm, là bản sao chính xác tỉ lệ 1:1 tiêu bản gốc của Rùa Hồ Gươm. Đây là công trình có ý nghĩa khoa học và lịch sử, được chế tác bằng công nghệ nhựa hóa trên cơ sở phương pháp thay thế mô tế bào bằng hỗn hợp hoạt chất chuyên dùng, do các chuyên gia của Bảo tàng phối hợp thực hiện cùng với các chuyên gia Cộng hòa liên bang Đức.

Ngoài ra, trong Phòng trưng bày còn có mô hình sa bàn trình chiếu các lớp dữ liệu về địa hình, dân số, độ che phủ rừng, mô hình mực nước biển dâng, tài nguyên thiên nhiên Việt Nam; phòng chiếu phim 3D với 35 chỗ ngồi, giới thiệu các bộ phim về thiên nhiên và sự sống trên trái đất, góp phần giúp người xem hiểu biết hơn về thế giới tự nhiên cũng như nguồn gốc và lịch sử sự sống.

Việc mở cửa Phòng trưng bày Tiến hoá sinh giới đánh dấu một bước tiến quan trọng, sự phát triển về chất của Bảo tàng. Dù không gian còn hạn chế, phòng trưng bày này đã đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức khoa học, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, khơi dạy tình yêu thiên nhiên cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ và thực sự trở thành một điểm đến quan trọng đối với công chúng, nhất là nhóm công chúng học sinh, sinh viên. Mỗi năm, Phòng trưng bày đón tiếp khoảng 70-80.000 lượt khách tham quan.

Bảo tàng hiện có hơn 200.000 tiêu bản, mẫu vật. Trong tương lai gần, sau khi hoàn thành Dự án xây dựng bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về thiên nhiên Việt Nam, dự kiến sẽ có hàng triệu tiêu bản, mẫu vật được bảo quản tại Bảo tàng, gồm các mẫu địa chất, cổ sinh và sinh vật, trong đó, có nhiều mẫu chuẩn của các loài sinh vật mới được công bố. Ngoài ra, Bảo tàng còn triển khai các dự án đầu tư tăng cường tiềm lực cho công tác thu thập, xử lý, chế tác và bảo quản tiêu bản, mẫu vật bằng các nguồn vốn đầu tư phát triển.

Trên phương diện nghiên cứu khoa học, Bảo tàng đã chủ trì thực hiện hàng trăm đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành, địa phương và cơ sở, hàng chục dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam và nhiều đề tài hợp tác quốc tế, Nghị định thư.

Hàng năm, Bảo tàng duy trì tổ chức các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, kí kết các văn bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác với các cơ quan tổ chức khoa học có uy tín của các quốc gia trên thế giới. Tháng 12.2016, Bảo tàng đã chính thức là thành viên thứ 54 của mạng lưới đa dạng sinh học Gen toàn cầu.

Các nhà khoa học Bảo tàng đã công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí, sách báo chuyên ngành, trong đó, hơn một nửa số bài được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín trong danh sách SCI/SCI-E.

Từ khi thành lập cho tới nay, Bảo tàng không ngừng phát triển mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước, trong khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo, sưu tầm, xây dựng và quản lý, khai thác bộ sưu tập mẫu vật và tiêu bản.

Hiện nay, Bảo tàng đang tiến hành các thủ tục xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với diện tích hơn 30 ha ở Khu đô thị Sinh thái Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Quần thể bảo tàng bao gồm: khu trưng bày trong nhà; khu trưng bày ngoài trời: rừng kín thường xanh; hang động, núi đá và công viên đá; khu vườn địa chất; khu trưng bày khám phá; khu dịch vụ, hồ nước, đảo nổi và thủy cung; trung tâm nghiên cứu và văn phòng; khu bảo quản các bộ sưu tập mẫu vật quốc gia; khu kỹ thuật và chế tác vật mẫu.

Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động, thực vật tại Miền Trung Việt Nam (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là đơn vị trực thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, với diện tích khoảng 17 ha, đi vào hoạt động từ cuối năm 2020. Trong tương lai, Trung tâm sẽ trở thành đầu mối cho các khu bảo tồn và cứu hộ các loài động, thực vật nguy cấp ở khu vực Miền Trung nói riêng, Việt Nam nói chung, với tổng diện tích lên đến hơn 200 ha.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo tổng kết hàng năm của Viện Hàn lâm KHCN, Báo cáo hoạt động Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam từ năm 2007 đến 2019.

2. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Báo cáo hợp tác quốc tế 2014 – 2019

3. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Báo cáo hoạt động Bảo tàng 2014-2019