Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang

Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, có chức năng thực hiện các nhiệm vụ về di tích, di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng trên địa bàn toàn tỉnh và quản lý trực tiếp Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Khu di tích quốc gia Cách mạng Lào; được xếp hạng bảo tàng hạng II năm 2015. Cơ cấu tổ chức của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang (BTTTQ) gồm Ban giám đốc và 4 phòng: Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Di tích, Phòng Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Phòng Trưng bày, tuyên truyền.

BTTTQ thành lập năm 1991. Tiền thân của nó là Bảo tàng tỉnh Hà Tuyên, thành lập từ năm 1985. Năm 1991, khi tách tỉnh Hà Tuyên, Bảo tàng tỉnh cũng tách thành BTTTQ và Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Năm 1999, Bảo tàng Tân Trào - ATK tách từ BTTTQ thành đơn vị độc lập. Năm 2020, Bảo tàng tiếp nhận nhiệm vụ và số người làm việc đang thực hiện nhiệm vụ của Ban quản lý Khu di lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào.

BTTTQ có trụ sở tại tổ 33, phường Phan Thiết, thị xã Tuyên Quang, được xây mới vào năm 2010, trên tổng diện tích hơn 18.000m2, tổng diện tích xây dựng 3.600m2. Không gian trưng bày khánh thành tháng 9.2012, rộng 1.800m2, gồm 3 chủ đề trưng bày về Vùng đất và con người Tuyên Quang; Tuyên Quang thời kỳ tiền sử - sơ sử - lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; Tuyên Quang “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, giới thiệu gần 1.500 tài liệu, hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng còn thường xuyên tổ chức trưng bày, triển lãm nhiều chuyên đề nhằm giới thiệu lịch sử, văn hóa cùng những thành tựu đã đạt được trong chặng đường xây dựng, hội nhập và phát triển của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Hàng năm, BTTTQ đón tiếp hơn 700.000 lượt khách tham quan trưng bày tại Bảo tàng và các Khu di tích trong phạm vi quản lý của đơn vị.

Đầu năm 2015, BTTTQ khai trương Phòng Khám phá với nhiều nội dung trải nghiệm và tương tác hấp dẫn về đời sống của cư dân cổ Tuyên Quang thời tiền sử, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như lịch sử đấu tranh của nhân dân Tuyên Quang qua các thời kỳ lịch sử, trong đó đặc biệt nhắm tới nhóm công chúng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh.

BTTTQ hiện đang lưu giữ hơn 24.000 tài liệu, hiện vật đã được kiểm kê, phân loại và tổ chức bảo quản trong kho, xây dựng được 11 sưu tập hiện vật khảo cổ, dân tộc và cách mạng - kháng chiến; khai quật gần 20 di chỉ khảo cổ tiền sơ sử; kiểm kê và lập danh mục 635 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Tân Trào,Di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng) và 1 danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt (Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình), 140 di tích quốc gia, 257 di tích cấp tỉnh; kiểm kê và lập danh mục 426 di sản văn hóa phi vật thể của 16 dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó lập hồ sơ và đề nghị đưa 10 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, Quyết định 148/QĐ-SVHTTDL ngày 30 tháng 5 năm 2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo tàng tỉnh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang, 2017.
  2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang, Từ điển Tuyên Quang, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
  3. Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021, Tuyên Quang, 2020.
  4. Nguyễn Thị Thanh Hải, 35 năm hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, Báo cáo nhân dịp 35 năm thành lập Bảo tàng, Tuyên Quang, 2020.
  5. Nguyễn Thị Thanh Hải, Bảo tàng tỉnh - địa chỉ hấp dẫn du khách tham quan, tìm hiểu vùng đất và con người Tuyên Quang, Báo Tuyên Quang, Tuyên Quang, 2020.