Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, thành lập ngày 24tháng 4 năm 1997 tại Quyết định số 112/UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở chia tách từ Bảo tàng Hà Bắc; được công nhận là Bảo tàng hạng II tại Quyết định số 1489/QĐ-UBND, ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh; có chức năng nghiên cứu và giáo dục khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày nhằm phát huy tác dụng của các di sản lịch sử - văn hóa và thiên nhiên phù hợp với loại hình, tính chất và nội dung của bảo tàng tỉnh; làm bản sao di vật; cổ vật, bảo vật; tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định của pháp luật. Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh (BTTBN) có Ban Giám đốc và 4 phòng chức năng là Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Trưng bày - Thuyết minh, Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm và Phòng Kiểm kê - Bảo quản.
BTTBN nằm trên một khu đất rộng hơn 2.2ha tại số 02 đường Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh. Tòa nhà Bảo tàng xây dựng hoàn thiện vào năm 2006, 3 tầng, mang hình ảnh của một chiếc nón quai thao, tổng diện tích 4.500 m2, chia thành khu trưng bày, kho và khu làm việc.
BTTBN chưa có trưng bày thường xuyên. Diện tích dành cho trưng bày thường xuyên (1.470m2) đang được dùng làm địa điểm tổ chức triển lãm chuyên đề ngắn ngày (tầng 1) và là nơi cất đặt tạm thời các hiện vật khổ lớn dưới hình thức kho mở (tầng 2 và tầng 3). Trưng bày ngoài trời của Bảo tàng rộng 700m2, chia làm hai phân khu, trưng bày một số di vật, cổ vật thể khối lớn từ thời Lý đến thời Nguyễn (tượng đá, bia kí, chân tảng đá, cầu đá...) và một số vũ khí, khí tài sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (máy bay, tên lửa, xe kéo pháo, xe khí tài phòng không…).
Giai đoạn 2005-2020, BTTBN đã tổ chức được 36 trưng bày chuyên đề ngắn ngày, trưng bày lưu động tại các địa phương trong địa bàn tỉnh, với nhiều chủ đề phong phú, hấp dẫn, đón tiếp gần 400.000 lượt khách tham quan, nghiên cứu. Các hoạt động giáo dục của BTTBN cũng diễn ra thường xuyên và liên tục trong những năm gần đây, dưới nhiều hình thức khác nhau, như: trình diễn, tương tác, trải nghiệm..., tạo ra sân chơi hấp dẫn và thú vị cho du khách. Bảo tàng cũng tăng cường gắn kết chặt chẽ hoạt động giáo dục với hoạt động ngoại khóa của các trường học trên địa bàn tỉnh, đưa ra nhiều chương trình và chủ đề giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi, thu hút ngày càng đông học sinh, sinh viên đến với Bảo tàng.
Hệ thống kho hiện vật chia thành 3 kho chất liệu (gốm, kim loại, gỗ) và 1 kho tạm thời. Năm 1997, sau khi tách ra từ Bảo tàng tỉnh Hà Bắc, BTTBN được bàn giao gần 3.000 hiện vật. Năm 2020, sau nhiều năm tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng có trên 21.000 tài liệu, hiện vật, với nhiều sưu tập có giá trị từ thời tiền sơ sử đến các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc, sưu tập hiện vật kháng chiến giai đoạn 1945-1975, phản ánh về các sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa xã hội của Bắc Ninh qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Bảo tàng có 01 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia - Bia “Xá Lợi Tháp Minh”.
BTTBN đã xuất bản một số đầu sách khoa học, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, như: Đình làng Bắc Ninh - giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò của đình làng trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh hiện nay, Di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh...
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Quy định về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Bắc Ninh, 2016.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và Viện nghiên cứu Kinh thành, Đề án trưng bày Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, 2018.
- Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo kết quả hoạt động Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2021-2025, Bắc Ninh, 2020.
- Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Đánh giá kết quả 15 năm (2005 - 2020) triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh, 2020.