Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu

Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu; được công nhận là Bảo tàng hạng II theo Quyết định số 3439/QĐ-UBND ngày 06.12.2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu; có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân theo quy định của pháp luật. Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu (BTTBL) có Ban giám đốc và hai phòng chức năng là Phòng Hành chính - Tổng hợp và Phòng Nghiệp vụ.

BTTBL được tách ra từ Bảo tàng tỉnh Minh Hải, sau khi tỉnh Minh Hải chia thành hai tỉnh Bạc LiêuCà Mau; thành lập theo Quyết định số 74/QĐ-UB ngày 14.12.1997 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Bạc Liêu.

Sau khi thành lập, BTTBL đặt trụ sở tại số 13 đường Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu (di tích nhà Huyện Sổn). Từ năm 2002 đến nay, Bảo tàng chuyển về số 25 đường Hai Bà Trưng, phường 3, thành phố Bạc Liêu (di tích nhà ông Trần Khắc Nhượng). Tháng 9.2017, Bảo tàng được giao thêm hai tòa nhà 3 tầng trong khối nhà của Trung tâm triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, tổng diện tích sử dụng hơn 2.500m2, để chuẩn bị tổ chức trưng bày mới về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất và con người Bạc Liêu, về Bạc Liêu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, về đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Bạc Liêu cũng như những thành tựu kinh tế - xã hội của Bạc Liêu trong giai đoạn phát triển hiện nay. Chủ trương đầu tư cho Dự án trưng bày mới của Bảo tàng có tổng kinh phí hơn 75 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trưng bày và chuyển trụ sở trước năm 2025.

Khu trưng bày cố định hiện có của BTTBL hoàn thành vào năm 2010, nằm trong ngôi biệt thự 2 tầng ở 25 đường Hai Bà Trưng có diện tích gần 300 mét vuông, chia thành 5 phòng tương ứng với các chủ đề về Văn hóa khảo cổ, Đặc trưng văn hóa dân tộc Kinh, Đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer, Đặc trưng văn hóa dân tộc Hoa và Bạc Liêu trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển, trưng bày hơn 460 hiện vật và tài liệu, hình ảnh.

Ngoài trưng bày cố định, trong những năm gần đây, BTTBL thường xuyên tổ chức từ 2 đến 5 trưng bày, triển lãm chuyên đề ngắn ngày tại Bảo tàng hoặc đưa đi triển lãm lưu động tại một số địa phương khác nhau trong tỉnh để phục vụ nhân dân, nhân các dịp lễ tết hay khi diễn ra các sự kiện trọng đại của tỉnh và của cả nước.

Bên cạnh đó, BTTBL còn tổ chức trưng bày tại 01 điểm di tích quốc gia đặc biệt (Khu Căn cứ Cái Chanh hay Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu) và 04 điểm di tích cấp quốc gia là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích Đồng Nọc Nạng, Di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu và Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Sau khi tách Ban quản lý Di tích tỉnh Cà Mau ra khỏi Bảo tàng vào năm 2017, nhiều hiện vật gốc của BTTBL vẫn được tiếp tục trưng bày, phát huy giá trị tại các di tích này.

BTTBL hiện đang lưu giữ gần 5.400 tài liệu, hiện vật và ảnh tư liệu; xây dựng được nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị, gồm: sưu tập hiện vật Văn hóa Óc Eo khai quật tại tháp Vĩnh Hưng (trong đó có 4 bảo vật quốc gia là Tượng nữ thần Laksmi, Tượng Sadashiva, Đầu tượng thần Siva, Tượng nam thần); sưu tập nhạc cụ dân tộc Khmer; sưu tập đồ gia dụng dân tộc Hoa; sưu tập dụng cụ nông nghiệp của người Việt; sưu tập hiện vật kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ...

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Quyết định về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, Bạc Liêu, 2017.
  2. Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, Báo cáo thực trạng và định hướng phát triển của đơn vị, Bạc Liêu, 2019.
  3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Đề cương chính trị Bảo tàng Bạc Liêu, Bạc Liêu, 2019.
  4. Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, Đánh giá kết quả 15 năm (2005 - 2020) triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bạc Liêu, 2020.