Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo tàng lịch sử quốc gia

Bảo tàng lịch sử quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập, bảo tàng quốc gia, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đứng đầu hệ thống các bảo tàng lịch sử- xã hội Việt Nam, thành lập theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ngày 26.9.2011 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

BTLSQG có chức năng nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ học, sưu tầm, lưu giữ, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật về tiến trình lịch sử Việt Nam; tổ chức đào tạo, tư vấn, giám định, thẩm định, quản lý, khai thác dịch vụ thuộc phạm vi hoạt động của bảo tàng. BTLSQG gồm hai cơ sở, tọa lạc tại số 1 phố Tràng Tiền và số 216 phố Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Tòa nhà trưng bày tại số 1 phố Tràng Tiền, trước đây là Bảo tàng Louis Finot (tên vị Giám đốc đầu tiên của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO - E’cole Francais d’Extrême Orient), xây dựng năm 1926, khánh thành năm 1932, là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật khảo cổ, lịch sử và nghệ thuật các nước vùng Viễn Đông, chủ yếu là các nước Đông Dương. Sau chiến tranh Đông Dương năm 1954, trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất và khoảng 20.000 tài liệu, hiện vật, Bảo tàng được nghiên cứu, chỉnh lý, chuyển đổi nội dung từ bảo tàng nghệ thuật thành bảo tàng lịch sử xã hội. Ngày 3/9/1958, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan với nội dung giới thiệu về tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, từ thời Tiền sử đến năm 1945, bao gồm các phòng trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề, với diện tích khoảng 2.600m2.

Tòa nhà trưng bày tại địa chỉ số 216 Trần Quang Khải được xây dựng năm 1906, vốn là trụ sở của Sở Thương chính và Độc quyền Đông Dương. Năm 1954, miền Bắc giải phóng, Hội đồng Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cải tạo và chuyển đổi nơi đây thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, trưng bày về lịch sử Việt Nam giai đoạn cận - hiện đại, phản ánh các thành tựu, các mốc son lịch sử dân tộc với sự nghiệp cách mạng dưới lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Sau 5 năm cải tạo, xây dựng nội dung, Bảo tàng chính thức khánh thành, mở cửa đón khách tham quan vào ngày 6/01/1959. Nội dung trưng bày được thể hiện trong 29 phòng, phân theo các thời kỳ, sự kiện lịch sử cùng phòng trưng bày chuyên đề, với diện tích khoảng 2.200m2.

BTLSQG hiện nay đang lưu giữ hơn 210.000 tài liệu, hiện vật, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, có niên đại kéo dài từ thời kỳ tiền sử đến ngày nay. Trong đó, có nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, gần 4.000 tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị, độc bản và quý hiếm được lựa chọn trưng bày trên tổng diện tích 4.400m2 tại hai địa điểm: số 1 Tràng Tiền, giới thiệu về lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến triều Nguyễn (năm 1945) và số 216 Trần Quang Khải, giới thiệu về lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nay.

Với bề dày hoạt động gần 60 năm của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam,BTLSQG ngày nay đã không ngừng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; có những đóng gópquan trọng vào việc sưu tầm, lưu giữ và phát huy vốn di sản văn hóa của dân tộc; giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đều đạt được kết quả tốt, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, bảo quản, trưng bày, giáo dục, hợp tác quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Lĩnh vực nghiên cứu, khai quật khảo cổ học: BTLSQGđã chủ trì thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu cấp Bộ, cấp Viện; là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam có chức năng khai quật khảo cổ học và là một trong ba trung tâm nghiên cứu khai quật khảo cổ học hàng đầu của cả nước, cho đến nay, là cơ quan duy nhất trong nước triển khai hoạt động khảo cổ học dưới nước. Các chương trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ học của Bảo tàng không chỉ góp phần quan trọng vào nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn sưu tầm cho BTLSQGcũng như các bảo tàng, di tích địa phương khối lượng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, trong đó có nhiều sưu tập tài liệu, hiện vật quý hiếm, có giá trị nội dung lịch sử để bổ sung kho cơ sở, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, trưng bày, giáo dục, truyền thông, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Lĩnh vực bảo quản: BTLSQG là một trong số ít bảo tàng có đội ngũ cán bộ bảo quản có năng lực, chuyên môn cao và thực hiện bảo quản tài liệu, hiện vật hiệu quả trên nhiều chất liệu khác nhau. Bảo tàng cònthực hiện tư vấn, giảng dạy, giúp đỡ các địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ bảo quản; tham gia tập huấn bảo quản cho cán bộ làm công tác bảo quản ở các bảo tàng Việt Nam đồng thời là đầu mối, điều phối các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về bảo quản đảm bảo hiệu quả.

Lĩnh vực trưng bày: cùng với trưng bày cố định, các trưng bày lưu động, trưng bày chuyên đề của BTLSQGđược mở rộng và triển khai dưới nhiều hình thức phối hợp, trưng bày tại bảo tàng địa phương trong cả nước. Hằng năm, Bảo tàng tổ chức từ 5 đến 8 trưng bày chuyên đề trong nước và từng bước được đổi mới về cả phương pháp tiếp cận, nội dung và hình thức trưng bày; từng bước áp dụng những kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong các trưng bày chuyên đề, góp phần quan trọng không chỉ cung cấp cho công chúng lượng thông tin phong phú mà còn làm tăng tính hấp dẫn, nâng cao hiệu quả của công tác trưng bày. Hằng năm, Bảo tàng đón khoảng 300.000-450.000 lượt khách tham quan, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên và khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, Bảo tàng còn phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề, giới thiệu lịch sử văn hóa Việt Nam tại nước ngoài như: Trung Quốc (2006-2012), Malaixia (2014), Nhật Bản (2014-2015), Pháp (2014), Đức (2015-2017), Nga (2019-2020), Hàn Quốc (từ 2010 đến nay) thu hút hàng triệu lượt khách tham quan.

Hoạt động giáo dục của BTLSQG không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng với các chương trình giáo dục như: câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” đã trở thành hoạt động thường xuyên, làm nên “thương hiệu” của Bảo tàng; xây dựng chương trình trải nghiệm, khám phá sáng tạo, các chương trình dành cho công chúng. Hoạt động truyền thông, quảng bá, xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông được đẩy mạnh.Trang thông tin điện tử (website) của BTLSQGthu hút lượng lớn độc giả truy cập với trung bình khoảng hơn 1 triệu lượt/tháng; truyền thông thông qua các kênh, các hình thức khác (website, fanpage, instagram, công nghệ ảo 3D…) đã thu hút ngày càng đông đảo khách tham quan.

Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ: BTLSQG là bảo tàng đầu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động giới thiệu trưng bày như: bảo tàng tương tác điện tử ảo 3D, hệ thống thuyết minh tự động (Audio guide, quét mã QR code)... mang lại nhiều tiện ích cho công chúng tiếp cận trưng bày bảo tàng đồng thời tăng cường phương thức giới thiệu bảo tàng tới rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phù hợp với đối tượng công chúng lao động, làm việc, học tập gắn liền với công nghệ, mạng internet và hạn hẹp thời gian. Với nội dung phong phú, đa dạng chi tiết và đầy đủ thông tin hơn, đây cũng là hoạt động góp phần thu hút khách tham quan bảo tàng. Cùng với đó là số hóa tài liệu, hiện vật nhằm lưu giữ, bảo tồn tư liệu quý nhằm phục vụ các hoạt động trưng bày, khai thác, phát huy hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại công nghệ 4.0. Đến nay, BTLSQG vẫn là bảo tàng duy nhất duy trì hoạt động trưng bày ảo 3D giới thiệu trưng bày thường trực trên website của Bảo tàng.

Lĩnh vực hợp tác quốc tế: Là lĩnh vực hoạt động nổi bật của BTLSQG với nhiều thành tựu mà không phải bảo tàng nào cũng đạt được. Kế thừa và phát huy những kết quả trong hoạt động hợp tác quốc tế của hai bảo tàng trước đây, hoạt động hợp tác quốc tế của BTLSQG đã được chuyên môn hóa, đổi mới, đa dạng. Các hoạt động hợp tác quốc tế đã diễn ra mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu thông qua việc tổ chức, thực hiện các hoạt động hợp tác, trao đổi và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo tàng và di sản văn hoá, các sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế, các chương trình hoạt động trao đổi song phương và đa phương liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của bảo tàng; tham gia các tổ chức, hiệp hội khu vực, quốc tế với vai trò là đại diện cho quốc gia Việt Nam như các tổ chức ICOM, ANMA, SEAMEO, SPAFA…; luôn tham gia đầy đủ, có trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng tổ chức và luôn đảm bảo tôn chỉ, mục tiêu hoạt động của các tổ chức. Vì vậy, BTLSQGđã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm và giao nhiệm vụ làm vai trò chính trong hợp tác quốc tế giới thiệu di sản văn hóa ra nước ngoài.

Với vai trò là bảo tàng đầu hệ trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, BTLSQG cũng đã tích cực tư vấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng, di tích địa phương, bảo tàng chuyên ngành trong nước, đặc biệt trên các lĩnh vực khai quật khảo cổ học, bảo quản, trưng bày, giáo dục... đồng thời là đầu mối, cầu nối phối hợp với nhiều bảo tàng trong khu vực và trên thế giới trưng bày, giới thiệu và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam và được đồng nghiệp, công chúng, bạn bè quốc tế đánh giá cao.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước), Sắc lệnh số 65 ngày 23 tháng 11 năm 1945, Hà Nội, 1945.
  2. Nguyễn Mạnh Lợi, Sự thành lập và hoạt động của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 90 năm nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
  3. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, 40 năm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1959-1999), Hà Nội, 1999.
  4. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thông báo Khoa học, Số đặc biệt kỷ niệm 50 năm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.
  5. EFEO, Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875-1945), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2014.
  6. EFEO, Lịch sử một thế kỷ nghiên cứu Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2014.
  7. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Khởi đầu một hành trình mới,Số đặc biệt kỷ niệm 5 năm Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2016.
  8. Ngô Thế Long, Trần Thái Bình, Học viện Viễn Đông Bác cổ (Giai đoạn 1898 - 1957), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2021.