Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế

Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế (BTLSTTH) đơn vị sự nghiệp hạng II, trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, có chức năng tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu và tuyên truyền, giáo dục khoa học thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tàng và bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể về lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trụ sở của Bảo tàng đóng tại số 1 đường 23 tháng 8, phường Thuận Thành, thành phố Huế (trường Quốc Tử giám thời Nguyễn), đồng thời được cấp thêm cơ sở mới tại số 268 Điện Biên Phủ, phường Trường An, thành phố Huế. Tiền thân của BTLSTTH là Bảo tàng Bình Trị Thiên, được thành lập vào tháng 8 năm 1976 từ việc chuyển giao cơ sở vật chất, tư liệu hiện vật và cán bộ của Bảo tàng Quân khu Trị Thiên Huế, cán bộ nhà truyền thống tỉnh Quảng Bình (cũ) cho tỉnh Bình Trị Thiên. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Bảo tàng đã có nhiều tên gọi khác nhau: Bảo tàng tỉnh Bình Trị Thiên (1976), Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế (1989), Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (2005) và BTLSTTH (từ 2016).

Bảo tàng gồm ban giám đốc và 04 phòng chuyên môn: Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng, Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn Di tích, Phòng Kiểm kê Bảo quản và Phòng Hành chính Tổng hợp.

Hệ thống trưng bày tại Di tích Quốc Tử Giám gồm 03 phần: 1. Phần trưng bày “ Phong trào đấu tranh cách mạng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1930-1954”; 2. Phần trưng bày “ Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 1954-1975”; và 3. Không gian trưng bày chuyên đề tại tòa nhà Di Luân Đường.

Tại cơ sở 2 (số 268 đường Điện Biên Phủ) chủ yếu là phần trưng bày ngoài trời gồm các hiện vật thể khối lớn là xe tăng, pháo, máy bay.

Ngoài các phần trưng bày tại hai cơ sở trên, Bảo tàng còn được giao quản lý trực tiếp 14 di tích, gồm: Tháp Mỹ Khánh (xã Phú Diên, Phú Vang), Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu (xã Phú Mậu, Phú Vang), Châu Hương Viên (xã Phú Thượng, Phú Vang), Xứ ủy Trung kỳ, Trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân (phường Phú Hòa, thành phố Huế), Khu Di tích lịch sử Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn (phường An Tây, thành phố Huế), lao Thừa Phủ (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế), Nhờ thờ Đặng Huy Trứ (phường Hương Xuân, Hương Trà), Di tích và nghĩa trang Phan Bội Châu (phường Trường An, thành phố Huế) ...Tại các di tích này đều được nghiên cứu tổ chức trưng bày để khai thác phát huy giá trị.

Bảo tàng hiện đang quản lý, bảo quản hơn 30.000 tư liệu, hiện vật và bộ sưu tập có giá trị, trong đó có 2 Bảo vật Quốc gia là Bệ thờ Vân Trạch Hòa (được công nhận theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015) và Bộ Chóp tháp Champa (theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ủy ban nhân dân Bình Trị Thiên, Quyết định số 1367/QĐ-UB ngày 30 tháng 10 năm 1982 về việc thành lập Bảo tàng tỉnh trực thuộc Ty Văn hóa thông tin, Huế, 1982.
  2. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quyết định số 1564/QĐ-UBND ngày 8 tháng 7 năm 2016 về việc đổi tên Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng thành Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Huế, 2016.
  3. Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Di tích Lịch sử Văn hóa ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2017.