Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo tàng chuyên ngành

Bảo tàng chuyên ngành là loại hình bảo tàng có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giáo dục theo chuyên ngành nhất định của tri thức như: khoa học, kỹ thuật, sản xuất, văn hoá, nghệ thuật.

Ở Việt Nam, BTCN nằm trong hệ thống bảo tàng được quy định tại Điều 47 luật Di sản văn hoá năm 2013, theo đó: Hệ thống bảo tàng ở Việt Nam bao gồm: Bảo tàng Quốc gia, BTCN, Bảo tàng cấp tỉnh, thành phố và các bảo tàng khác thuộc quản lý của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và tư nhân.

Việt Nam, BTCN gồm các bảo tàng thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; BTCN thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Theo Điều 50 Luật Di sản văn hoá năm 2013, thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng được quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập bảo tàng quốc gia, BTCN thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương theo đề nghị của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương. Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương quyết định thành lập BTCN thuộc đơn vị trực thuộc theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị trực thuộc.

BTCN theo cách phân loại của bảo tàng học thế giới nhằm chuyên môn hoá các bảo tàng, để xác định thành phần các sưu tập, nguyên tắc bổ sung kho, chủ đề trưng bày, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động khoa học giáo dục. Vì vậy, các BTCN luôn gắn hoạt động chuyên môn với hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực trực thuộc. Các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm của BTCN cũng chính là kết quả nghiên cứu khoa học của lĩnh vực đó. Sứ mệnh đặc thù của BTCN là phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học. BTCN theo cách phân loại của thế giới có cơ cấu phức tạp như các bảo tàng thuộc chuyên ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên trùng hợp với việc phân chia tri thức thành 2 ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Theo đó, các BTCN thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên có mối liên hệ với những bộ môn thuộc khoa học tự nhiên. Còn BTCN thuộc lĩnh vực khoa học xã hội có đặc trưng là mối liên hệ với các bộ môn khoa học xã hội.

Từ cách phân loại này, trên thế giới các BTCN đã được xây dựng và phát triển hàng trăm năm nay. Trong đó phải kể đến các BTCN khoa học và nghệ thuật ở Châu Âu, Châu Mỹ như: Bảo tàng Hermitage ở Sankt - Petersburg, Nga, thành lập vào năm 1764. Bảo tàng con người ở Paris, Pháp thành lập năm 1937,. Bảo tàng Nhân chủng học Quốc gia ở Thành phố Mexico, khánh thành năm 1964 … Ở Việt Nam, các BTCN được hình thành từ thời thuộc địa, do người Pháp lập ra. Trong đó phải kể đến Bảo tàng Loui Finô (Louis Finot) - một bảo tàng thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, xây dựng năm 1926, khánh thành năm 1932, Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm được Trường Viễn Đông Bác cổ cho khởi xây năm 1915 đến năm 1919 khánh thành với 160 cổ vật thuộc nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa cổ…

Hiện nay, các BTCN ở Việt Nam ngày càng phát triển chuyên sâu và chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực tri thức khoa học. Trực thuộc 2 Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam có các BTCN như: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Hải Dương học; Trực thuộc các Bộ ngành như: Bảo tàng Địa chất Việt Nam…; Trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội như: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Văn học, Bảo tàng Báo chí Việt Nam…; Trực thuộc các trường đại học như: Bảo tàng Nhân học, Bảo tàng sinh vật…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Khanh, Nhận thức, sáng tạo, đổi mới hơn nữa sự nghiệp bảo tàng nước ta trong Hoạt động bảo tàng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Hà Nội, 2004
  2. Lê Thị Minh Lý, Một số nhận thức về đổi mới trưng bày bảo tàng, trong Hoạt động bảo tàng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Hà Nội, 2004
  3. Vương Hoằng Quân (chủ biên), Cơ sở bảo tàng học Trung Quốc (bản dịch tiếng Việt), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008.
  4. Timothy Ambrose và Crispin Paine, Cơ sở Bảo tàng (bản dịch tiếng Việt), Hà nội, 2000.
  5. L. KauLen M.E. (chủ biên), Sự nghiệp bảo tàng nước Nga, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.