Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế(BTHCMCNTTH) đơn vị sự nghiệp hạng II, trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, có chức năng tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu và tuyên truyền, giáo dục khoa học thông qua các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về bảo tàng và bảo tồn di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu tổ chức của BTHCMCNTTH gồm Ban giám đốc và 3 phòng: Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Nghiệp vụ và Phòng Tuyên truyền hướng dẫn.

BTHCMCNTTH được thành lập ngày 16.9.1980 theo Quyết định số 386/QĐ-TV của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên. Tiền thân của Bảo tàng là Phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế, được thành lập ngày 19.5.1979, trụ sở đóng tại số 7 đường Lê Lợi, thành phố Huế, chính thức mở cửa đón khách từ ngày 2.9.1979. Từ ngày 30.6.1982, BTHCMCNTTHchính thức trở thành thành viên của hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh

Bình Trị Thiên, do Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương chỉ đạo và hướng dẫn về khoa học, nghiệp vụ. Từ năm 1989, sau khi tỉnh Bình Trị Thiên tách ra làm ba tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Trị Thiên đổi thành BTHCMCNTTH. Từ khi thành lập đến cuối năm 1991, BTHCMCNTTH trực thuộc Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh; từ cuối năm 1991 đến nay là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao).

Vị trí BTHCMCNTTH hiện nay nguyên sử dụng lại trụ sở của tòa báo Tiếng Dân; từ năm 1998, được tái quy hoạch và xây dựng thành nhà trưng bày chính, khánh thành vào 19.5.2000. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày, bảo quản và phát huy tác dụng các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị của các cơ quan, ban, ngành và các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế.

BTHCMCNTTH hiện đang lưu giữ hơn 18 nghìn tư liệu, hiện vật, chủ yếu là các tư liệu, hiện vật liên quan đến thời niên thiếu và thành niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế; tư liệu, hiện vật liên quan đến thân thế - sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư liệu, hiện vật là quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng bào, chiến sỹ, nhân dân Thừa Thiên Huế; là điện, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Thừa Thiên Huế và của nhân dân Thừa Thiên Huế gửi cho Người; những tác phẩm nghệ thuật do nhân dân Thừa Thiên Huế sáng tác để tưởng nhớ Người, những hiện vật kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư liệu, hiện vật của các đơn vị, cá nhân tham gia vào hai cuộc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo; tư liệu hiện vật về bối cảnh lịch sử Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, về Thừa Thiên Huế qua hai cuộc kháng chiến và các thành tựu đổi mới của nhân dân Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, Bảo tàng còn được giao quản lý 14 điểm di tích liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người cùng gia đình sống tại Huế (từ 1895-1901 và từ 1906-1909), trong đó 4 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (gồm: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan, Đình làng Dương Nỗ, Địa điểm Trường Quốc Học) và một số di tích đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh (gồm: Di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan tại núi Tam Tầng, Am Bà, bến Đá, địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ, địa điểm trưởng Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba...).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Viết Xuân, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Trần Đình Luyện, Di tích - địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2016.
  2. Lê Thùy Chi (chủ biên), Câu chuyện đằng sau những kỷ vật, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2019.
  3. Nguyễn Hồng Hạnh, “Thừa Thiên Huế với di sản Hồ Chí Minh”, in trong sách Thừa Thiên Huế 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tr. 98-108, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2020.