Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo quản hiện vật

Bảo quản hiện vật là hoạt động bảo vệ, giữ gìn các hiện vật tránh khỏi sự mất mát, hư hại, xuống cấp hoặc bị xâm phạm, giữ ổn định, khôi phục lại trạng thái ban đầu vốn có đối với những hiện vật bị hư hỏng.

BQHV là chuyên ngành trẻ nhất trong các chuyên ngành bảo tàng. Trên thế giới, khái niệm này mới chỉ áp dụng cho việc bảo quản các tác phẩm nghệ thuật từ năm 1930. Một năm sau đó (1931), hội nghị đầu tiên về việc áp dụng các phương pháp khoa học vào kiểm tra và bảo quản các tác phẩm nghệ thuật đã diễn ra tại Rome, do Văn phòng của Liên hiệp các bảo tàng quốc tế, tiền thân của Hội đồng Bảo tàng quốc tế, tổ chức.

Trong những năm 1930 và 1940, một số viện nghiên cứu ở Châu Âu, Hoa Kỳ, bắt đầu nghiên cứu nguyên nhân gây ra sự xuống cấp, hư hỏng hiện vật và thấy rằng cần thực hiện bảo quản phòng ngừa trước khi thực hiện bảo quản trị liệu.

Vào năm 1948, Hội nghị của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM), tổ chức tại Paris, đã thành lập Ủy ban ICOM đầu tiên về chăm sóc các bức tranh và quy tụ giám đốc của các bảo tàng lớn ở Châu Âu, các nhà phục chế và các nhà khoa học về bảo quản. Tiếp theo đó là việc thành lập một Ủy ban ICOM dành riêng cho các phòng thí nghiệm bảo quản hiện vật.

Năm 1950, Viện Bảo quản các tác phẩm nghệ thuật và lịch sử (IIC) được thành lập ở London. Tám năm sau đó (1958) H.J.Plenderlaith xuất bản cuốn sách Bảo quản các cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật. Lần đầu tiên cơ chế của sự xuống cấp, suy yếu của hiện vật đã được giải thích một cách khoa học, hệ thống; lần đầu tiên những vấn đề cốt lõi, cơ bản của vấn đề bảo quản hiện vật đã được đưa ra.

Cụm từ BQHV được sử dụng nhiều vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, nhưng chưa có định nghĩa thống nhất về cụm từ này. Trên thực tế, cụm từ này được ghép thành từ cụm từ bảo quản và cụm từ hiện vật nên thường được xuất hiện và sử dụng nhiều trong các bài nghiên cứu về bảo quản ở những thập niên cuối của thế kỷ XX cho tới nay.

Như vậy, BQHV là một thuật ngữ dùng để chỉ việc bảo quản các tác phẩm nghệ thuật, các đồ vật mà con người muốn gìn giữ lâu dài cho nhiều mục đích khác nhau; bảo quản là những hành động được thực hiện nhằm bảo tồn các di sản văn hóa; bảo quản bao gồm các hoạt động kiểm tra, lập hồ sơ, thực hiện trị liệu, chăm sóc phòng ngừa cho các bộ sưu tập hiện vật; tu sửa và phục chế lại hình dáng ban đầu vốn có của những hiện vật bị hư hỏng, mất mảnh.

Ngày nay, BQHV được xem là một khoa học liên ngành, bao gồm khoa học nghiên cứu cơ bản về chất liệu hiện vật, chất liệu sử dụng trong bảo quản trị liệu; khoa học nghiên cứu biện pháp phòng ngừa các tác động xấu tới hiện vật và khoa học ứng dụng trong công tác bảo quản hiện vật, gồm ứng dụng trong bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu, tu sửa và phục chế hiện vật.

Bảo quản hiện vật là công việc đòi hỏi tính sáng tạo kết hợp với sự kiên trì, cẩn trọng, thực hiện đúng các nguyên tắc đã được đề ra. Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều viện nghiên cứu về bảo quản trên thế giới đã ban hành Quy tắc đạo đức và hướng dẫn thực hành về bảo quản như một điều kiện cho các nhà bảo quản hành nghề. Cũng trong xu hướng đó, năm 2008, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch Việt Nam đã ban hành Quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ và người thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng áp dụng cho các bảo tàng và công tác BQHV ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, Quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ và người thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng, theo Quyết định số 47/2008/QĐ-BVHTTDL, ngày 03.7.2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch.
  2. Nguyễn Thị Minh Lý (chủ biên), Bảo quản hiện vật bảo tàng, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012.
  3. Philip Ward, The Nature of Conservation: A Race Against Time,The Getty Conservation Institute, California, 1989.
  4. Harold J. Plenderleith, A History of Conservation, Studies in Conservation, 43(1998), tr. 129-143.