Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bảo đảm quốc phòng

Bảo đảm quốc phòng là tổng hợp các nguồn (nhân lực, tài chính, tài sản, công nghệ, phục vụ...) cho quốc phòng nhằm củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và trên thế giới.

Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực chủ yếu của quốc phòng, có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chấp hành biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của luật Quốc phòng và quy định khác của pháp luật có liên quan.Được tuyên truyền, phổ biến đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, giáo dục quốc phòng và an ninh, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách, kế hoạch xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng.

Nhà nước bảo đảm ngân sách cho quốc phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; ưu tiên đầu tư ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng và một số lực lượng Quân đội nhân dân tiến thẳng lên hiện đại. Tổ chức kinh tế bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.Nội dung và quy mô bảo đảm tài chính phụ thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội trong từng giai đoạn, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Phương thức tiến hành bảo đảm tài chính phụ thuộc vào quy mô, tính chất và điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Quân đội nói chung và từng đơn vị nói riêng. Trình tự bảo đảm tài chính: lập kế hoạch (dự toán) và phân bổ chỉ tiêu tài chính; tổ chức tiếp nhận, cấp phát, chi tiêu và thanh toán; quyết toán tài chính. Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay, cơ quan chỉ đạo chung về bảo đảm tài chính là Cục Tài chính – Bộ Quốc phòng, có sự phối hợp của các ngành tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật về từng mặt bảo đảm tài chính chuyên ngành

Tài sản phục vụ quốc phòng là tài sản công do Nhà nước thống nhất quản lý và bảo đảm bao gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ bao gồm tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý về quốc phòng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; Tài sản trưng mua, trưng dụng, huy động và tài sản khác được Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức, địa phương quản lý phục vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.Bộ Quốc phòng đề xuất việc mua sắm, cải tiến, sản xuất và tổ chức sản xuất; tổ chức tiếp nhận, cất trữ, dự trữ; duy trì số lượng, chất lượng và sự đồng bộ của các tài sản quốc phòng; đề xuất việc đưa ra khỏi biên chế và dự trữ quốc phòng, phương thức giải quyết khi có quyết định xử lý. Nhà nước có kế hoạch xây dựng dự trữ quốc gia để bảo đảm cho quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia để bảo đảm cho quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và đối ngoại là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại dưới sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội cũng như đối ngoại của đất nước. Chính phủ có kế hoạch bảo đảm phục vụ quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại; Bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch bảo đảm phục vụ quốc phòng và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; Nhà nước có quy hoạch, kế hoạch và xây dựng hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, an ninh; hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; kế hoạch xây dựng khu kinh tế - quốc phòng trong phạm vi cả nước.

Nhà nước bảo đảm nhu cầu tài chính, tài sản sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển bách khoa Việt Nam, quyển 1, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1995.
  2. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
  3. Quốc hội, Luật Quốc phòng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2018.
  4. Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.