Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bảo đảm Quân y

Bảo đảm Quân y là tổng thể các hoạt động và biện pháp bảo vệ, củng cố sức khỏe cho bộ đội, cứu chữa, phục hồi khả năng chiến đấu, lao động cho thương binh, bệnh binh.

Bảo đảm quân y có nhiệm vụ bảo đảm kịp thời, đủ số lượng và chất lượng các mặt công tác quân y phục vụ bộ đội trong mọi tình huống.

Nguyên tắc[sửa]

Nguyên tắc Bảo đảm quân y: theo tuyến, theo khu vực và kết hợp quân dân y. Bảo đảm quân y theo tuyến là triển khai lực lượng và phương tiện quân y của các cấp (trong biên chế và tăng cường) tạo thành hệ thống liên hoàn, vững chắc từ dưới lên trên, từ tuyến trước về tuyến sau để thực hiện các mặt công tác quân y. Tuyến trên chỉ đạo tuyến dưới, tuyến trước tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến sau, tuyến sau có trách nhiệm hỗ trợ đắc lực cho tuyến trước để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, củng cố sức khỏe cho bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh. Bảo đảm quân y theo khu vực là tổ chức huy động các nguồn lực về y tế của cả quân y và dân y trong khu vực để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho lực lượng vũ trang và nhân dân, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa thương binh, bệnh binh và người bị thương, bị bệnh. Khu vực Bảo đảm quân y có thể hoàn chỉnh, bao gồm các cơ sở thu dung, điều trị thương binh, bệnh binh, các phân đội quân y cơ động, các cơ sở, trung tâm y tế dự phòng, hệ thống kho và cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở đào tạo…; cũng có thể chưa hoàn chỉnh, ban đầu có thể được bảo đảm một lượng thuốc, trang bị vật tư quân y nhất định để thu dung, điều trị cho thương binh, bệnh binh. Kết hợp quân dân y nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp toàn ngành y tế của đất nước tham gia chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và lực lượng vũ trang trong thời bình, chuẩn bị sẵn sàng đối phó khi có chiến tranh xảy ra hoặc các tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh...

Nội dung[sửa]

Nội dung Bảo đảm quân y được chia thành Bảo đảm quân y thời bình và Bảo đảm quân y thời chiến.

Thời bình[sửa]

Bảo đảm quân y thời bình gồm: điều trị dự phòng, vệ sinh phòng dịch quân sự, tiếp tế quân y, huấn luyện quân y, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân y. Điều trị dự phòng là công tác nghiệp vụ cơ bản của công tác quân y, nhằm sớm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời phục hồi chức năng, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội chiến đấu, lao động và công tác. Nội dung điều trị dự phòng gồm: công tác khám tuyển quân, tuyển sinh về mặt sức khỏe; quản lý sức khỏe quân nhân, phòng ngừa tai nạn; công tác cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh tại đơn vị (đại đội, tiểu đoàn), tại bệnh xá (trung đoàn, sư đoàn) và bệnh viện; công tác điều dưỡng, phục hồi chức năng giúp phục hồi sức khoẻ, tạo điều kiện cho thương binh, bệnh binh trở lại vị trí công tác, chiến đấu; có an dưỡng tại đơn vị, tại trạm điều dưỡng, phục hồi chức năng. Công tác giám định quân y: giám định thương tật, bệnh tật, bệnh nghề nghiệp; phúc tra sức khỏe trong tuyển quân, tuyển sinh quân sự. Công tác vệ sinh phòng dịch nhằm chủ động phòng chống các yếu tố độc hại của môi trường sống, các dịch bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm (bệnh nghề nghiệp).Nội dung công tác vệ sinh phòng dịch quân sự gồm: vệ sinh luyện tập quân sự và thể dục thể thao, vệ sinh lao động quân sự, vệ sinh doanh trại, vệ sinh hành quân, trú quân, vệ sinh nước, vệ sinh dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền giáo dục vệ sinh phòng bệnh; trinh sát vệ sinh dịch tễ, tiêm chủng dự phòng; khử trùng, xua, diệt côn trùng, động vật trung gian truyền bệnh; quản lí bệnh truyền nhiễm. Tiếp tế quân y, nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, liên tục các loại vật tư quân y cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh trong mọi tình huống, đồng thời quản lý tốt, hướng dẫn sử dụng có hiệu quả các loại vật tư quân y. Nội dung gồm: tạo nguồn, tổ chức tiếp nhận, bổ sung, quản lý vật tư quân y. Huấn luyện quân y là hệ thống các biện pháp dạy và luyện cho cán bộ, nhân viên quân y về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức Bảo đảm quân y cho các hình thức tác chiến. Nội dung huấn luyện quân y được xác định trong chương trình huấn luyện hàng năm và gồm: huấn luyện tại đơn vị, huấn luyện tại trường, hội thao, hội thi, diễn tập. Nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân y là việc tìm tòi, sáng tạo những vấn đề mới, vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới, phương pháp công nghệ mới nâng cao chất lượng công tác Bảo đảm quân y ngày càng tốt hơn, theo kịp những yêu cầu mới của tình hình và nhiệm vụ.

Thời chiến[sửa]

Bảo đảm quân y thời chiến gồm: cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh; vệ sinh phòng dịch; tiếp tế quân y. Cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh, gồm những biện pháp tổng hợp về cấp cứu, điều trị và vận chuyển thương binh, bệnh binh từ khi bị thương, bị bệnh cho đến khi điều trị khỏi. Nội dung tổ chức cứu chữa, vận chuyển được thể hiện trong kế hoạch bảo đảm của chủ nhiệm quân y các cấp, gồm dự kiến tỷ lệ thương binh, bệnh binh; giao nhiệm vụ, phạm vi cứu chữa cho các tuyến quân y; tổ chức bố trí lực lượng quân y; hiệp đồng vận chuyển thương binh, bệnh binh. Vệ sinh phòng dịch, tập trung chủ yếu vệ sinh ăn, uống; vệ sinh hầm hào, công sự; trinh sát vệ sinh dịch tễ, vệ sinh tẩy uế chiến trường. Tiếp tế quân y thời chiến được thực hiện theo phương thức: tiếp tế bằng hiện vật theo nhu cầu từ tuyến trên xuống tuyến dưới kết hợp với bảo đảm theo khu vực; theo định kỳ kết hợp với bổ sung đột xuất; vật tư chiến bổ sung liên tục trong thời gian chiến đấu; tiếp tế bằng cơ số, kết hợp với việc cấp phát bằng vật tư rời đóng gộp; tuyến sau chủ động đưa vật tư lên tuyến trước, kết hợp với tuyến trước về tuyến sau nhận.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục Hậu cần, Mấy vấn đề cơ bản của công tác quân y trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1982
  2. Tổng cục Hậu cần, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1989
  3. Học viện Quân y, Y học quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1991
  4. Tổng cục Hậu cần, Tổ chức chỉ huy quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994
  5. Bộ Quốc phòng, Điều lệ công tác quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001
  6. Học viện Quân y, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2002
  7. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  8. Cục Quân y, Tổ chức và chiến thuật quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006
  9. Cục Quân y, Tổ chức và chỉ huy quân y, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009
  10. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  11. Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009