Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bảng kê nhân cách Myers-Briggs

Bảng kê nhân cách Myers-Briggs là loại bảng hỏi tự điền, được thiết kế để đánh giá con người và cung cấp hồ sơ mô tả kiểu loại nhân cách dựa trên cách mọi người nhận thức về thế giới và ra quyết định.

Những phiên bản ban đầu của Bảng kê nhân cách Myers-Briggs (MBTI) do Myers I.B. và mẹ của bà là Briggs K.C. xây dựng trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II, dựa trên cơ sở lý thuyết của Jung. Họ đã tìm cách ứng dụng chúng trong việc chọn việc làm trong thời kỳ chiến tranh phù hợp với kiểu loại nhân cách của mỗi người. Năm 1975, công ty Các nhà tâm lý tư vấn (Consunlting Psychologists Inc.) đã mua bản quyền của Bảng kê nhân cách Myers-Briggs và ước tính mỗi năm sử dụng cho khoảng 2 triệu người.

Bảng kê nhân cách Myers-Briggs chỉ định mọi người vào một trong mười sáu kiểu loại nhân cách khác nhau, dựa trên câu trả lời của họ cho các câu hỏi trong trắc nghiệm, chẳng hạn như: “Bạn thấy thể hiện bản thân một cách nhất quán trong một thời gian dài như một người kiên nhẫn là dễ hay khó?”. Trắc nghiệm có 4 tiểu thang nhằm mục đích đo lường các xu hướng nhân cách khác nhau. Hướng ngoại - hướng nội (E-I) phản ánh xu hướng ứng xử tự nhiên của một người với thế giới là hướng ra bên ngoài, hay hướng vào nội tâm của chính họ. Giác quan - Trực giác (S-I) phản ánh xu hướng tìm hiểu và nhận thức thế giới dựa vào thực tế hay dựa vào trí tưởng tượng của họ. Lý trí - cảm xúc (T-F) liên quan đến việc lựa chọn và ra quyết định dựa vào tư duy lôgíc hay dựa vào cảm xúc. Cuối cùng, Nguyên tắc - Linh hoạt (J-P) đề cập đến cách thức mà cá nhân lựa chọn để tác động vào thế giới bên ngoài là dựa trên nguyên tắc, kế hoạch đã định hay sự linh hoạt để phù hợp với những thay đổi của môi trường bên ngoài. Mười sáu kiểu loại khác nhau được hình thành từ sự kết hợp của bốn cặp đặc tính trên. Mỗi loại được biểu thị bằng mã bốn chữ cái. Ví dụ: ESTJ sẽ chỉ ra các thuộc tính chính của 1 người là hướng ngoại, giác quan, lý trí và nguyên tắc.

Bảng kê nhân cách Myers-Briggs có lẽ là một trong những trắc nghiệm tâm lý về sự thấu hiểu bản thân được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nó được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh, công nghiệp, cơ sở giáo dục và chính phủ vì khả năng nắm bắt sở thích, nhu cầu và giá trị của mọi người. Nhiều trường cao đẳng và đại học sử dụng nó trong tư vấn nghề nghiệp để giúp hướng dẫn sinh viên tìm các lĩnh vực phù hợp với kiểu loại nhân cách của họ. Trong thế giới kinh doanh, các công ty sử dụng nó để đưa ra quyết định tuyển dụng, xác định tiềm năng lãnh đạo của các nhân viên, thiết kế đào tạo theo các nhu cầu cụ thể của nhân viên, tạo điều kiện xây dựng nhóm và giúp giải quyết xung đột giữa các nhân viên. Bằng cách giúp mọi người hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của họ, Bảng kê nhân cách Myers-Briggs được cho là sẽ giúp họ xây dựng các mối quan hệ và đưa ra các lựa chọn trong cuộc sống. Hồ sơ Bảng kê nhân cách Myers-Briggs thường được sử dụng trong tư vấn nghề nghiệp hoặc làm cơ sở để liên kết làm ăn hoặc để lựa chọn các nhiệm vụ phù hợp nhất với kiểu loại nhân cách của mỗi người.

Tuy nhiên, độ tin cậy của Bảng kê nhân cách Myers-Briggs chỉ ở mức tương đối. Một nghiên cứu cho thấy rằng chỉ không đến một nửa số người được hỏi giữ nguyên kiểu loại ban đầu của họ trong khoảng thời gian 5 tuần. Do đó, chúng ta nên cẩn thận khi đưa ra các quyết định nghề nghiệp dựa trên một hệ thống phân loại không có độ ổn định cao. Bảng kê nhân cách Myers-Briggs có thể ghi lại trạng thái hiện thời của một người, nhưng trạng thái đó có thể không được coi là một kiểu loại cố định. Về độ giá trị dự báo, không có nghiên cứu trường diễn nào cho thấy sự nghiệp thành công hay không thành công có thể được dự đoán từ hồ sơ Bảng kê nhân cách Myers-Briggs. Cũng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy hiệu suất trong công việc có liên quan đến điểm Bảng kê nhân cách Myers-Briggs. Do đó, có độ chênh nhất định giữa mức độ phổ biến của Bảng kê nhân cách Myers-Briggs và giá trị khoa học đã được chứng minh của nó. Theo quan điểm của người trả lời, Bảng kê nhân cách Myers-Briggs cung cấp phản hồi tích cực dưới dạng các thuộc tính duy nhất vừa mơ hồ, vừa bổ sung và do đó có thể thu hút nhiều người. Có thể Bảng kê nhân cách Myers-Briggs hữu ích như một phương tiện để hướng dẫn các cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến công việc, nhưng tiện ích của nó đối với tư vấn nghề nghiệp vẫn chưa được thiết lập vững chắc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hirsh, S. K., & Kummerow, J. M., Introduction to type in organizational settings, Consulting Psychologists Press, 1987.
  2. Pittenger, D., The utility of the Myers-Briggs Type Indicator, Review of Educational Research, 63, 1993, pp. 467 - 488.
  3. Pittenger, D. J., Measuring the MBTI… and coming up short, Journal of Career Planning and Employment, 54 (1), 1993, pp. 48 - 52.
  4. Boyle, G. J., Myers‐Briggs type indicator (MBTI): some psychometric limitations, Australian Psychologist, 30 (1), 1995, pp. 71 - 74.
  5. Quenk, N. L., Essentials of Myers-Briggs type indicator assessment (Vol. 66), John Wiley & Sons, 2009.
  6. Myers, I. B., & Myers, P. B., Gifts differing: Understanding personality type, Nicholas Brealey, 2010.
  7. Thyer, B. A., & Pignotti, M., Science and pseudoscience in social work practice, Springer Publishing Company, 2015.
  8. Gardner, W.L., Martinko, M.J., Using the Myers-Briggs Type Indicator to Study Managers: A Literature Review and Research Agenda, Journal of Management, 22 (1), 2016, pp. 45 - 83.
  9. Bailey, R. P., Madigan, D. J., Cope, E., & Nicholls, A. R., The prevalence of pseudoscientific ideas and neuromyths among sports coaches, Frontiers in psychology, 9, 641, 2018.
  10. Stein, R., & Swan, A. B., Evaluating the validity of Myers‐Briggs Type Indicator theory: A teaching tool and window into intuitive psychology, Social and Personality Psychology Compass, 13 (2), e12434, 2019.