Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bảng kê nhân cách

Bảng kê nhân cách Một phương pháp đánh giá nhân cách dựa trên bản câu hỏi yêu cầu cá nhân báo cáo về cảm xúc hoặc phản ứng trong một số tình huống nhất định.

Bảng kê nhân cách, còn được gọi là trắc nghiệm khách quan, đã được chuẩn hóa và có thể thực hiện cho nhiều người cùng một lúc. Nhà tâm lý học không cần có mặt khi trắc nghiệm được thực hiện và câu trả lời thường có thể được chấm điểm bằng máy tính. Điểm số thu được bằng cách so sánh với các chuẩn cho từng kiểu loại của trắc nghiệm. Bảng kê nhân cách có thể đo lường một yếu tố, chẳng hạn như mức độ lo lắng hoặc có thể đo lường một vài đặc điểm nhân cách khác nhau cùng lúc, chẳng hạn như Bản câu hỏi 16 yếu tố nhân cách (16 PF).

Bảng kê nhân cách được sử dụng để chẩn đoán các rối loạn tâm lý nhiều nhất là Bảng kê nhân cách đa diện Minnesota (MMPI) do Hathway và McKinley xây dựng, ra mắt đầu tiên vào những năm 40 thế kỷ XX. Trong cấu trúc của bộ test có 10 thang lâm sàng, như: thang Hd (Hypochondrie) biểu hiện trạng thái nghi bệnh, thang D (Depression) đánh giá mức độ trầm cảm, thang Hy (Hysterie) nghiên cứu khí chất loại rối loạn phân ly, thang Py (Personality Deviation) nghiên cứu về trạng thái lệch lạc nhân cách, thang Mf (Maseculine feminine) nghiên cứu giới tính (khuynh hướng thiên về nữ tính hay nam tính), thang Pa (Paranoia) nghiên cứu sự nghi kỵ, tưởng bị hại, thang Pt (Psychasthenie) nghiên cứu trạng thái lo âu suy nhược, ám sợ, ám ảnh cưỡng bức, thang Sc (Schizophrenie) nghiên cứu các thể lâm sàng của tâm thần phân liệt, thang Ma (Hypomanie) đánh giá tình trạng hưng cảm nhẹ, thang Si (Social introvertion) đánh giá xu hướng nội tâm xã hội, tránh né xã hội, tránh tiếp xúc với người khác. MMPI gồm 550 câu với định dạng câu trả lời “đúng”, “sai” hoặc “khó trả lời”. Các câu trả lời được tính toán theo cách so sánh với những câu trả lời của những người mắc các chứng rối loạn tâm lý khác nhau, bao gồm trầm cảm, hysteria, hoang tưởng, rối loạn tâm thần và tâm thần phân liệt. Nhiều người không bị rối loạn trầm trọng được sử dụng MMPI như một công cụ đánh giá khi họ bắt đầu liệu pháp tâm lý, với việc cho điểm hướng đến các thuộc tính nhân cách hơn là các rối loạn lâm sàng.

Bảng kiểm tâm lý California (CPI) được xây dựng bởi Gough H. công bố lần đầu năm 1956. Công cụ gồm các câu hỏi dạng Đúng/Sai, được tính toán trong 18 thang và nhóm gộp thành 4 chiều cạnh đánh giá các đặc điểm như tính thống trị, trách nhiệm, sự chấp nhận bản thân và xã hội hóa. Ngoài ra, một số phần của trắc nghiệm đo lường các đặc điểm cụ thể liên quan đến thành tích học tập. CPI dựa trên các thang đo Nhân cách ít cực đoan hơn MMPI.

Một bảng kiểm khác được thiết kế để đo lường một loạt các biến số nhân cách trong quần thể bình thường là Biểu mẫu nghiên cứu nhân cách (PRF). Biểu mẫu nghiên cứu nhân cách được thiết kế để đánh giá các đặc điểm tính cách liên quan đến hoạt động của cá nhân trong nhiều tình huống khác nhau. Dựa trên phần lớn quan điểm lý thuyết của Murray về mô tả tính cách, Biểu mẫu nghiên cứu nhân cách tập trung vào các lĩnh vực hoạt động bình thường hơn là tâm lý. Biểu mẫu nghiên cứu nhân cách có định dạng câu trả lời đúng - sai và bao gồm 22 thang đo lường các đặc điểm, ví dụ như: sự liên kết, tự chủ, thay đổi, sức chịu đựng, cảm xúc, bốc đồng, công nhận xã hội...

Bản kê nhân cách sửa đổi NEO PI-R, là một bản câu hỏi đã chuẩn hóa và được sửa đổi từ NEO-PI phản ánh mô hình năm nhân tố lớn của nhân cách. Nó cung cấp đánh giá có hệ thống về các phong cách cảm xúc, giao tiếp liên nhân cách, kinh nghiệm, sở trường và động lực - một mô tả chi tiết về nhân cách như vậy có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị cho nhiều lĩnh vực khác nhau. NEO PI-R là một thước đo ngắn gọn về năm chiều cạnh chính của nhân cách, mỗi chiều cạnh gồm sáu đặc điểm khác nhau. Tổng hợp lại, 5 miền đo với 30 thang đo nét nhân cách của NEO PI-R tạo điều kiện đánh giá toàn diện và chi tiết về nhân cách phổ bình thường của người trưởng thành. NEOPI-R khác với các trắc nghiệm khác ở chỗ bao gồm cả phiên bản “riêng tư” (mẫu S) và “công khai” (mẫu R). Các câu hỏi trong phiên bản riêng tư là tự khai giống như các câu hỏi trong bảng kê nhân cách khác, nhưng phiên bản công khai là đánh giá của người quan sát về một người quen biết khác. Sự khác biệt đáng kể giữa hai phiên bản có thể là nguồn thông tin quan trọng khi diễn giải kết quả trắc nghiệm.

Các bảng kê nhân cách được sử dụng trong đánh giá con người và rất hữu ích trong nhiều lĩnh vực khác nhau: nghiên cứu, tự hiểu về bản thân, lựa chọn nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, đánh giá rối loạn tâm lý, tổ chức nhân sự, lãnh đạo quản lý… Một số bảng kê có thể được diễn giải dễ dàng, một số khác cần được diễn giải với sự hỗ trợ của nhân viên đã được đào tạo.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Jackson, D.N., Personality Research Form manual (3rd ed.), Port Huron: Sigma Assessment Systems, 1984.
  2. Costa, P.T., & McCrae, R.R., The NEO personality inventory manual. Odessa, FL: Psychological Assessment Resources, 1985.
  3. Costa, P.T., & McCrae, R. R., Revised NEO personality inventory (NEO-PI-R) and NEO five-factor inventory (NEO-FFI): Professional manual, Odessa, FL: Psychological Assessment Resources, Inc, 1992.