Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bảng chữ cái Hy lạp
Greek_alphabet_in_LaTeX

Bảng chữ cái Hy lạp là hệ thống 24 ký tự được dùng để viết tiếng Hy Lạp, ra đời và phát triển trong khoảng 1000 năm TCN.

Dựa trên bảng chữ cái Semitic của người Phoenicia, người Hy Lạp đã bổ sung một số chữ cái mới và sửa đổi hoặc loại bỏ một số chữ cái khác để tạo thành bảng chữ cái mới với 24 chữ. bảng chữ cái Hy Lạp được coi là bảng chữ cái đầu tiên ghi mỗi nguyên âm và phụ âm bằng một ký hiệu riêng.

Bảng chữ cái Phoenicia bao gồm 22 ký tự với các nguyên âm được tích hợp trong các ký hiệu. Người Hy Lạp đã sửa đổi bảng chữ cái Phoenicia bằng cách thay đổi một số ký hiệu cũng như tạo ra các nguyên âm riêng biệt. Nó cũng khác với các chữ viết trước đó ở chỗ mỗi ký hiệu đại diện cho một phụ âm duy nhất chứ không phải một âm tiết. Người Hy Lạp cũng làm cho bảng chữ cái của họ trở nên chính xác hơn về mặt ngữ âm. Một số ký hiệu của bảng chữ cái Semitic chỉ đại diện cho các phụ âm, được tạo ra để thể hiện các nguyên âm như: alef, he, yod, ayin và vav, đã trở thành các chữ cái Hy Lạp alpha, epsilon, iota, omicron và upsilon, tương ứng với các nguyên âm a, e, i, o và u. Việc bổ sung các ký hiệu cho các nguyên âm đã làm tăng độ chính xác và tính dễ đọc của hệ thống chữ viết Hy Lạp.

Trước thế kỷ V TCN, bảng chữ cái Hy Lạp được chia thành hai nhánh chính: Ionic (phía đông) và Chalcidian (phía tây). Sự khác biệt giữa hai nhánh này là không lớn. Nhiều học giả cho rằng bảng chữ cái Chalcidian là cơ sở để tạo ra bảng chữ cái Etruscan của Italy vào thế kỷ VIII TCN và do đó gián tiếp dẫn đến sự ra đời của các bảng chữ cái Italy khác, bao gồm cả bảng chữ cái Latinh, hiện được sử dụng trong hầu hết các ngôn ngữ châu Âu. Tuy nhiên, vào năm 403 TCN, chính quyền Athens chính thức áp dụng bảng chữ cái Ionic. Vì vậy, hầu hết các bảng chữ cái địa phương Hy Lạp, bao gồm cả chữ Chalcidian, đã được thay thế bằng hệ thống chữ Ionic.

Có nhiều lý giải khác nhau về thời điểm người Hy Lạp phát minh ra bảng chữ cái này. Sử gia Herodotus cho rằng bảng chữ cái Phoenicia được Kadmos mang đến Boiotia, nơi ông thành lập thành phố Thebes. Nhà sử học Hy Lạp Barry Powell tin rằng bảng chữ cái Hy Lạp được tạo ra với mục đích để viết các câu thơ trong Iliad và Odyssey của Homer. Hiện nay, một số học giả chỉ ra có thể một người ở đảo Euboea đã điều chỉnh bảng chữ cái và từ đó nó được phổ biến khắp Hy Lạp. Nhiều người Hy Lạp lại tin bảng chữ cái được truyền từ Phoenicia vào khoảng năm 800 TCN. Hệ thống chữ cái Hy Lạp ban đầu được viết từ phải qua trái như chữ Semitic. Sau thế kỷ V TCN, chữ được viết từ trái qua phải. bảng chữ cái Hy Lạp thời kỳ đầu được viết dưới dạng các chữ lớn in hoa. Sau nhiều cải tiến để phù hợp hơn với viết tay, từ thế kỷ IX kiểu chữ lớn dạng in hoa đã không còn được sử dụng, chữ cái nhỏ thay thế và phát triển thành chữ viết tay Hy Lạp hiện đại.

Với việc phát minh ra bảng chữ cái Hy Lạp, chữ viết bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn. Ban đầu, bảng chữ cái Hy Lạp được sử dụng cho các mục đích văn học. Trong khoảng 100 năm sau, nó được sử dụng phổ biến cho các mục đích hành chính hoặc pháp lệnh của chính phủ. Ví dụ, một viên đá ghi luật đã được tìm thấy trên đảo Crete có niên đại khoảng 650 TCN, trên đó quy định các điều khoản của thẩm phán thị trấn. Sau đó, chính quyền Hy Lạp thường sử dụng bảng chữ cái như một phương tiện phổ biến kiến thức về luật và pháp lệnh. Nó cũng được sử dụng trên các vật phẩm như tiền xu và cột đá phân định ranh giới, như ở Agora ở Athens.

Có thể nói, bảng chữ cái Hy Lạp là nguồn gốc trực tiếp hoặc gián tiếp của hầu hết các bảng chữ cái châu Âu hiện đại, góp phần vào sự hình thành nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Tài liệu tham khảo 1. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb. Giáo dục, 2001. 2. Powell Barry B, Homer and the Origin of the Greek Alphabet (Homer và nguồn gốc của bảng chữ cái Hy Lạp), Cambridge University Press, Cambridge, 1991. 3. Woodard Roger D, Greek Writing from Homer to Knossos (Chữ viết Hy Lạp từ Homer đến Knossos), Oxford University Press, New York, 1997. 4. Whitley James, The Archaeology of Ancient Greece (Khảo cổ học của Hy Lạp cổ đại), Cambridge University Press, Cambridge 2001. 5. https://www.britannica.com/topic/Greek-alphabet 6. https://www.worldhistory.org/Greek_Alphabet/ 5. https://www.worldhistory.org/Greek_Alphabet/