Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bản sắc dân tộc

Bản sắc dân tộc là một hiện tượng tâm lý liên quan tới sự cảm nhận của cá nhân thuộc về một nhóm dựa trên một số đặc điểm chung như tổ tiên, ngôn ngữ, tôn giáo, địa bàn sinh sống…

Từ sắc tộc trong tâm lý học được dịch từ tiếng Hy Lạp ethnos có nghĩa là sắc tộc, nhân dân, dân tộc và giai tầng xã hội. Bản sắc dân tộc không cố định ở con người nó có thể thay đổi theo tuổi, thời gian và ngữ cảnh. Bản sắc dân tộc được hình thành và phát triển khi con người bắt đầu nhận thức về người khác, nhóm khác cùng sự khác biệt sắc tộc giữa họ và người khác. Bản sắc dân tộc là đặc điểm trung tâm của nhân cách đặc biệt đối với những người là thành viên của các nhóm thiểu số hoặc nhóm có địa vị thấp trong xã hội.

Mặc dù đến khi nào đó bản sắc dân tộc có thể trở nên ít quan trọng hơn thông qua truyền thông đại chúng và quá trình toàn cầu hóa. Trong thế kỷ XX nó trở nên nổi bật hơn do hậu quả tác động của các yếu tố xã hội, lịch sử trong đó có định kiến xã hội và tăng tốc của sự nhập cư và tị nạn. Bản sắc dân tộc được rất nhiều ngành khoa học quan tâm nghiên cứu như xã hội học, nhân học, triết học, tâm lý học… Trong tâm lý học, bản sắc dân tộc được quan tâm nhiều nhất trong tâm lý học xã hội, tâm lý học xuyên văn hóa và tâm lý học phát triển. Nói chung các nhà xã hội học và nhân học tập trung nghiên cứu các quá trình ở mức độ nhóm, trong khi đó các nhà tâm lý học tập trung vào các quá trình cá nhân và các quá trình liên nhân cách.

Các thành tố của bản sắc dân tộc[sửa]

Hiện nay các nhà tâm lý học đều thống nhất rằng, bản sắc dân tộc có cấu trúc đa chiều cạnh nhưng họ vẫn chưa thống nhất vậy nó bao gồm các thành tố nào. Tuy vậy, phần lớn các cách tiếp cận đều thừa nhận các thành tố sau:

  1. Tự xác định bản sắc dân tộc, thực chất là quá trình cá nhân tự cho mình là thành viên của một nhóm sắc tộc nào đó. Tự xác định bản sắc dân tộc thường được đánh giá bằng cách hỏi các khách thể trả lời về bản sắc dân tộc của họ và yêu cầu lựa chọn một trong các sắc tộc được liệt kê trong danh sách theo họ là phù hợp nhất.
  2. Các thành tố cảm xúc bao gồm cảm xúc mình thuộc về nhóm sắc tộc nào đó với thái độ và đánh giá liên quan tới nhóm đó. Các bảng hỏi đánh giá các thành tố cảm xúc gồm: sự tự hào, sự khẳng định và các cảm xúc tích cực về nhóm hoặc về các mệnh đề liên quan tới sắc tộc như thức ăn, ngôn ngữ sử dụng.
  3. Các thành tố nhận thức bao gồm các kiến thức về nhóm như lịch sử và truyền thống của nhóm cùng với sự hiểu biết về sắc tộc. Các kiến thức liên quan tới nhóm được đánh giá thông qua các câu hỏi về quần áo, lịch sử hoặc những người nổi tiếng của nhóm đó. Sự hiểu biết về sắc tộc thông thường được nghiên cứu thông qua phỏng vấn, bao gồm các câu hỏi đánh giá khuynh hướng suy nghĩ về sắc tộc nhóm.
  4. Định hướng giá trị liên quan của nhóm và quan hệ giữa cá nhân và người khác trong nhóm. Trong nghiên cứu các giá trị văn hóa, người ta tập trung vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể và các giá trị gia đình. Ngoài ra, các giá trị khác như vai trò giới và thái độ đối với quyền lực…
  5. Sự thay đổi các thành tố bản sắc dân tộc theo thời gian, theo lứa tuổi cũng được nghiên cứu thông qua phỏng vấn sâu.

Hướng tiếp cận[sửa]

Các bảng hỏi về nhận thức dành cho một nhóm sắc tộc được các nhóm nghiên cứu phát triển (Felix-Otiz, 1994; Suinn, Ahuna & Khoo, 1992) hoặc bảng hỏi chung được sử dụng cho tất cả các nhóm sắc tộc (Phinney, 1992). Các khía cạnh này của bản sắc dân tộc được nhấn mạnh theo nhiều hướng với sự kết hợp giữa các ngành khoa học như xã hội học, tâm lý học xuyên văn hóa và tâm lý học phát triển. Sau đây chúng ta đi sâu vào một số cách tiếp cận nghiên cứu bản sắc dân tộc:

Cách tiếp cận tâm lý xã hội[sửa]

Phần lớn các nghiên cứu tâm lý học xã hội về bản sắc dân tộc đều dựa trên lý thuyết bản sắc xã hội (SIT) của nhà tâm lý học xã hội Anh Henri Tajfel (Tajfel & Turner, 1986). Lý thuyết bản sắc xã hội nhấn mạnh các nhóm xã hội mà cá nhân là thành viên như nhóm tôn giáo, nghề nghiệp, chính trị… là cơ sở rất quan trọng đối với sự nhận dạng của họ. Cũng theo lý thuyết này nhu cầu cơ bản của con người là mong muốn lưu giữ được những cảm giác tích cực về nhóm mà họ là thành viên. Tajfel còn làm rõ các vấn đề đặc thù mà các nhóm sắc tộc phải đối mặt như là những định khuôn tiêu cực về nhóm trong xã hội. Ông đã giả định rằng sự khẳng định bản sắc của một nhóm là cách thức chia sẻ với sự phân biệt của nhóm này đối với nhóm khác và cũng như là lòng tự tôn của họ. Hơn nữa sự khẳng định bản sắc của nhóm này mạnh hơn so với các nhóm khác sẽ dẫn tới sự kỳ thị dân tộc trong xã hội. Trên thực tế bản sắc dân tộc rất khác nhau giữa các nhóm sắc tộc ở Mỹ. Người Mỹ gốc Phi cho thấy họ có cảm giác mạnh nhất về sự khẳng định thuộc nhóm người Mỹ gốc Phi so với các nhóm thiểu số khác. Người Mỹ gốc châu Âu luôn có khẳng định bản sắc dân tộc thấp hơn nhưng ổn định. Nếu so sánh giữa các nhóm sắc tộc ở Mỹ thì bản sắc dân tộc dường như là vấn đề nổi trội cũng như vấn đề kỳ thị giữa các nhóm và người Mỹ gốc châu Âu vẫn giữ vị thế nổi trội trong xã hội.

Sự khẳng định bản sắc dân tộc của nhóm còn liên quan tới vấn đề tự đánh giá và cảm nhận hạnh phúc của họ. Phần lớn các nghiên cứu bản sắc dân tộc cho thấy có sự ổn định, nhưng có tương quan yếu với lòng tự tôn, một số thành tố khác nếu được một nhóm đánh giá tích cực thì sẽ có tương quan mạnh hơn so với các nhóm khác. Khi nghiên cứu quan hệ giữa bản sắc dân tộc, thái độ của các nhóm và các cá nhân cho thấy quan hệ giữa các cá nhân sẽ mạnh hơn đối với những người có bản sắc dân tộc nổi trội bao gồm cả các thành viên của các nhóm thiểu số hơn là các thành viên trong nhóm đa số.

Nghiên cứu tâm lý học xã hội đã xác định bản sắc dân tộc ở mức độ cá nhân thay đổi như thế nào khi ngữ cảnh xã hội và cá nhân có sự thay đổi. Nhiều ảnh hưởng của cá nhân được thể hiện cùng với lịch sử của nhóm và ngữ cảnh hiện tại. Sự tương tác giữa các cách thức này giúp xác định sự thể hiện của dân tộc và hình thành thái độ ưu tiên, sự hiểu biết và kinh nghiệm cho việc xây dựng bản sắc trong mỗi tình huống.

Tiếp biến văn hóa và tiếp cận xuyên văn hóa về bản sắc dân tộc[sửa]

Tiếp biến văn hóa được mô tả như là những thay đổi khi mà một nhóm văn hóa đi vào và tiếp xúc với nền văn hóa khác. Các nhà tâm lý học xuyên văn hóa đã nghiên cứu quá trình tiếp biến văn hóa của các nhóm như người nhập cư, người tỵ nạn, người bản địa và các nhóm thiểu số khác trong xã hội. Trước đây các nhà nghiên cứu cho rằng các thành viên của các nhóm trên được tiếp biến và nhận dạng được sự hiện diện của họ khi họ là thành viên của xã hội mới, bản sắc dân tộc và thành viên của nhóm sắc tộc cũ sẽ chấm dứt. Tiếp biến văn hóa được xem xét như là tiến trình liên kết, trong đó các đặc điểm văn hóa truyền thống sẽ kết hợp chặt chẽ với văn hóa mới và hậu quả là làm mất đi đặc điểm văn hóa chính thống. Nhưng theo nhà tâm lý học xuyên văn hóa John Berry và một số người khác thì tiếp biến văn hóa có hai chiều cạnh liên quan tới văn hóa sắc tộc và văn hóa xã hội. Sự tách đôi và sử dụng hai chiều cạnh đó có thể xác định 4 kiểu tiếp biến văn hóa: lưỡng văn hóa (liên quan tới cả hai nền văn hóa); tương đồng văn hóa (với xã hội); phân tán (chỉ liên quan tới văn hóa nhóm) và văn hóa tương xứng (liên quan tới văn hóa khác).

Cách tiếp cận phát triển[sửa]

Trong nghiên cứu bản sắc dân tộc các nhà tâm lý học phát triển sử dụng lý thuyết phát triển nhận thức, lý thuyết bản sắc xã hội và lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson (1968). Lý thuyết tâm lý học phát triển nhấn mạnh thành tố nhận thức của trẻ có tầm quan trọng như là cơ sở cho sự thay đổi bản sắc dân tộc theo tuổi. Frances Aboud (1987) đã chỉ ra rằng trẻ em thường học tự nhận thức dân tộc trong độ tuổi từ bốn đến bảy tuổi, nhưng nhận thức dân tộc ở độ tuổi này có thể khác nhau phụ thuộc vào đặc điểm và tiếp xúc giữa nhóm này với các nhóm khác. Khoảng từ 8 đến 10 tuổi và tiếp theo, việc học bản sắc dân tộc của trẻ phát triển dựa trên sự hiểu biết về sự ổn định của sắc tộc (quần áo, trang phục). Trẻ đòi hỏi các kiến thức về văn hóa sắc tộc thông qua quá trình đi vào văn hóa như mô tả của Martha Bernal và George Knight (1993).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Erikson, E., Identity, Youth and cricis, New York Norton, 1968.
  2. Aboud, F., The development of ethnic self-identification and attitudes, In J. Phinney & M. Rotherm (Ed), Children’s ethnic socialization: Pluralism and development, 1987.
  3. Berry, J., Psychology of acculturation, In J. Berman (Ed), Nebraska Symposium on motivation, Lincoln: University of Nebraska Press, 1990, Vol. 37, pp. 201 - 234