Mục từ này cần được bình duyệt
Bản chất nhà nước

, tổng thể các thuộc tính và các quan hệ quan trọng nhất thể hiện các quy luật sâu sắc nhất của nhà nước, xác định mục đích, sứ mệnh, vai trò, chức năng xã hội, nội dung hoạt động của nhà nước.

Bản chất nhà nước là vấn đề quan trọng, phức tạp, mang tính thời sự, là trung tâm của mọi vấn đề chính trị và tranh luận chính trị. Cái cốt lõi trong bản chất nhà nước thể hiện tập trung ở vấn đề, quyền lực nhà nước là quyền lực gì, quyền lực nhà nước thuộc về ai, nhà nước phục vụ lợi ích của ai.

Nhà nước là tổ chức quyền lực chính trị công cộng, có vai trò, sứ mệnh, chức năng tạo lập những điều kiện cần thiết để bảo đảm sự cân bằng các lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp xã hội khác nhau, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của con người, giải quyết những vấn đề xung đột trong xã hội vì sự phát triển xã hội, phát triển con người, quyền con người.

Trên bình diện tổng thể, bản chất nhà nước là một chỉnh thể thống nhất bao gồm các phương diện khác nhau: giai cấp, xã hội, dân tộc, nhân loại và các phương diện khác. Cách thức và mức độ thể hiện, thực hiện các phương diện khác nhau về bản chất nhà nước là không giống nhau trong quá trình phát triển của một nhà nước cụ thể. Bản chất nhà nước được quy định bởi quyền, lợi ích của con người, của các giai cấp, các tầng lớp xã hội khác nhau trong xã hội.

Có nhiều cách tiếp cận và giải thích về bản chất nhà nước.

Trong phạm vi của cách tiếp cận giai cấp, nhà nước được xác định là một tổ chức chính trị đặc biệt do giai cấp thống trị về kinh tế và chính trị thành lập nên, thể hiện và thực hiện ý chí của giai cấp thống trị. Bản chất giai cấp - xã hội của nhà nước được làm sáng tỏ thông qua việc nhận thức nó với tư cách là một lực lượng chính trị - xã hội hùng hậu, với tư cách là công cụ của sự thống trị giai cấp và sự thống trị chính trị.

Bản chất giai cấp của nhà nước thể hiện ở chỗ nhà nước là bộ máy cưỡng chế đặc biệt do giai cấp cầm quyền thành lập nên; quyền lực nhà nước thuộc về giai cấp cầm quyền và được sử dụng với mục đích trước hết là thể hiện, bảo vệ vị thế và lợi ích của giai cấp cầm quyền, để bảo đảm sự thống trị về kinh tế, để thực hiện quyền lực về chính trị và quyền lực về tư tưởng của giai cấp thống trị. Bản chất giai cấp của nhà nước quy định nội dung hoạt động của nhà nước.

Mức độ thể hiện, thực hiện bản chất giai cấp của nhà nước trong mỗi kiểu nhà nước và trong mỗi nhà nước cụ thể rất khác nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, tương quan lực lượng giai cấp, lực lượng xã hội, truyền thống dân tộc và các yếu tố khác.

Trong phạm vi của cách tiếp cận xã hội, nhà nước được coi là một thiết chế do xã hội (các giai cấp, các nhóm, các tầng lớp xã hội khác nhau trong xã hội)thiết lập nên. Bản chất của nhà nước thể hiện ở chỗ nó được sử dụng với tư cách là thiết chế đại diện cho xã hội để duy trì và bảo vệ các giá trị và lợi ích chung trong xã hội.

Nhà nước là người đại diện chính thức cho toàn xã hội, thực hiện quản lý, giải quyết những công việc chung, những chức năng chung của xã hội. Nhà nước, một mặt, là tổ chức quyền lực chính trị của giai cấp thống trị, mặt khác, còn là tổ chức quyền lực công đại diện lợi ích chung toàn xã hội. Nhà nước sẽ không có cơ sở xã hội để tồn tại nếu chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị mà không tính đến lợi ích, nguyện vọng và ý chí của các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Nền tảng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị và sự thống trị chính trị tất yếu phải dựa vào nền tảng xã hội.

Mức độ thể hiện, thực hiện bản chất xã hội của nhà nước trong mỗi kiểu nhà nước và trong mỗi nhà nước cụ thể khôing hoàn toàn giống nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, tương quan lực lượng giai cấp, lực lượng xã hội, truyền thống dân tộc và các yếu tố khác. Theo quy luật chung, bản chất xã hội của nhà nước ngày càng được quan tâm hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện con người, phát triển xã hội.

Người ta cũng tách ra cả các cách tiếp cận tôn giáo, dân tộc, chủng tộc và các cách tiếp cận khác đến bản chất của nhà nước.Bản chất của nhà nước là nhiều khía cạnh: nó không chỉ bị quy về các cơ sở giai cấp và các cơ sở xã hội chung. Tuỳ thuộc vào các điều kiện lịch sử mà cơ sở nào trong các cơ sở đã nói ở trên có thể được chiếm ưu thế trong bản chất của nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Trường Đại học Huế, Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, , Võ Khánh Vinh chủ biên, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2016.

2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, , Lê Minh Tâm, Nguyễn Minh Đoan chủ biên, NXB Côngan nhân dân, Hà Nội, 2014.

3. Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội,Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015.

4. Nguyễn Văn Động, Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật (dành cho đào tạo đại học, sau đại học và trên đại học ngành luật), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017.

5. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 3, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2003.