Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bản đồ hàng không

Bản đồ hàng không (tiếng Anh Aeronautical maps) là bản đồ thể hiện địa hình, địa vật, địa danh và thông tin liên quan đến hoạt động bay dân dụng.

Theo tính năng, Bản đồ hàng không được phân thành: Bản đồ cho phi công, bản đồ điều hành bay và bản đồ chuyên dụng. Bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000 hay 2.000.000 được phi công sử dụng trong thực hiện chuyến bay. Khi thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt ở các khu vực ít điểm định hướng không được thể hiện trên bản đồ nền, phải sử dụng bản đồ có tỉ lệ lớn hơn (1:500.000 hoặc lớn hơn). Hiện nay, nhiều loại máy bay được lắp đặt Bản đồ hàng không điện tử thay cho bản đồ giấy. Bản đồ điều hành bay được sử dụng cho việc dẫn đường bay thông qua hệ thống thông tin vô tuyến và các thiết bị thiên văn, thường sử dụng loại bản đồ có tỷ lệ 1:2.000.000 hay 1:4.000.000. Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện chuyến bay, có thể sử dụng thông tin từ nhiều loại bản đồ, sơ đồ, sổ tay chuyên ngành khác nhau (bản đồ thời tiết, bản đồ độ lệch từ thiên, bản đồ múi giờ...).

Bản đồ hàng không là một trong những công cụ quan trọng nhất để huấn luyện, điều hành và dẫn đường bay. Bản đồ hàng không của Việt Nam được thành lập theo quy định chung của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và Thông tư số 51/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, Bản đồ hàng không được thành lập phổ biến các tỉ lệ 1:500.000, 1:1.000.000; được thiết lập theo qui định phân vùng bản đồ của ICAO; đối với các loại sơ đồ có thể sử dụng tỷ lệ lớn tới 1:10.000. Bản đồ hàng không thế giới tỷ lệ 1:1.000.000 cung cấp thông tin dẫn đường hàng không bằng mắt. Bản đồ hàng không tỷ lệ 1:500.000 cung cấp thông tin dẫn đường hàng không bằng mắt cho hoạt động của tàu bay có tốc độ chậm, hoạt động ở tầm ngắn, tầm trung và độ cao thấp hoặc trung bình.

Bản đồ hàng không tỉ lệ 1:1.000.000 được thành lập phủ kín toàn bộ bề mặt Trái đất; chia thành hai loại: giữa Xích đạo và vĩ tuyến 80°, sử dụng phép chiếu Lambert (phép chiếu hình nón đồng góc); giữa vĩ tuyến 80° và 90°, sử dụng phép chiếu lập thể tại cực của Trái đất với tỷ lệ phù hợp với phép chiếu Lambert tại vĩ tuyến 80°. Bản đồ 1:500.000 sử dụng phép chiếu Lambert.

Nội dung của Bản đồ hàng không được thể hiện thống nhất với bản đồ địa hình hoặc bản đồ hàng hải và bản đồ địa lý chung. Để nâng cao độ chính xác, tiện lợi cho công tác định hướng và quan sát mặt đất, trên Bản đồ hàng không thường thể hiện đầy đủ, chính xác các địa vật nhìn thấy, các địa vật có tính định hướng (bờ biển, sông lớn, hồ lớn, khu dân cư, đường biên giới, đường sắt, đường cao tốc và đường nhựa, khu rừng, hệ thống các sân bay, đài dẫn đường...), các vật chuẩn định hướng (địa vật có độ cao trên 50 m: nhà cao tầng, tháp truyền hình...), khu vực dị thường từ tính. Đường bình độ, thang tầng độ cao, điểm mốc xác định độ cao, khu vực thực vật cần được biểu thị, địa vật… được thể hiện theo quy ước và có ghi chú tên riêng, số lượng, đặc tính và những ghi chú cần thiết. Thông tin hàng không phải được chọn lọc biểu thị ở mức độ tối thiểu phù hợp sử dụng bản đồ cho việc dẫn đường bằng mắt. Các đối tượng hàng không quan trọng như: sân bay, chướng ngại vật, khu vực cấm bay, hệ thống ATS (gồm vùng kiểm soát, khu vực kiểm soát, vùng thông báo bay…), thiết bị dẫn đường… phải được biểu thị đầy đủ, chính xác theo qui định.

Tùy thuộc vào bán kính hoạt động và tính chất nhiệm vụ, có thể sử dụng các loại bản Bản đồ hàng không có tỉ lệ khác nhau. Trong các đơn vị không quân, Bản đồ hàng không cùng một tỉ lệ được sử dụng cho các mục đích khác nhau, ví dụ: bản đồ bay tỉ lệ 1:500.000 có thể dùng cho việc dẫn đường khi chuẩn bị và thực hiện chuyến bay; ở cự ly xa, dùng làm bản đồ chỉ thị các khu vực mục tiêu... Trong từng trường hợp cụ thể, Bản đồ hàng không được sử dụng cho các mục đích khác nhau và nội dung thể hiện phải phù hợp với mục đích sử dụng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, Nxb Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995.
  2. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Thông tư số 51/2012/TT-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải, Hà Nội, 2012.
  4. Quân chủng Phòng Không - Không quân, Từ điển bách khoa Phòng không - Không quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017.
  5. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 2: Địa lý quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Đo đạc và Bản đồ, Hà Nội, 2018.
  7. Военная Энциклопедия (Bách khoa toàn thư quân sự Nga), tập 3, Nxb quân sự, Moskva 1995.
  8. Từ điển bách khoa quân sự Nga, tập 1, Nxb Quân sự, Moskva 2001