Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bản đồ hàng hải
Hải đồ khu vực Puerto Rico của NOAA năm 1976.

Bản đồ hàng hải (hay Hải đồ hàng hải,tiếng Anh Maritime map, Nautical chart) là bản đồ chuyên đề thể hiện độ sâu đáy biển, địa vật, địa danh và các thông tin liên quan đến hoạt động hàng hải và các hoạt động khác trên biển (nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, khai thác bảo vệ tài nguyên biển, quân sự).

Nội dung chính của Bản đồ hàng hải gồm: cơ sở toán học (hệ tọa độ, độ cao, độ sâu và phép chiếu, lưới tọa độ chuyên dụng); địa hình đáy biển (điểm độ sâu, đường đẳng sâu...); yếu tố địa hình dải ven bờ (đặc tính của bờ biển, địa hình và thủy văn, khu dân cư, địa vật, hệ thống đường giao thông, thảm thực vật, ranh giới và địa giới hành chính...); các chướng ngại hàng hải (bãi cạn, đá ngầm, đá nổi, san hô, tàu đắm...) và chất đáy đáy biển (bùn, cát, đá...); các công trình trên biển và dưới đáy biển; các dấu hiệu và thiết bị hàng hải (hải đăng, phao tiêu báo hiệu, trạm ra đa, vô tuyến, vệ tinh hàng hải...); tuyến luồng hàng hng, giới hạn các vùng nước; độ lệch địa từ, các đặc trưng hải văn (hải lưu, thủy triều...).

Bản đồ hàng hải thường sử dụng phép chiếu Mercator (phép chiếu hình trụ đứng đồng góc), bảo đảm đường tà hành là đường thẳng. Độ cao tuyệt đối của đỉnh núi và địa vật trên lục địa tính từ độ cao “0” của quốc gia (Việt Nam là mực nước trung bình ở Hòn Dấu); còn độ cao của đảo, mũi đá luôn nổi trên mặt nước được tính từ mực nước biển trung bình. Mặt chuẩn độ sâu trên Bản đồ hàng hải được phân biệt theo 3 trường hợp: 1) lấy theo mực nước trung bình (ở vùng biển không có thủy triều hoặc biên độ thủy triều trung bình nhỏ hơn 0,5 m); 2) lấy theo mực nước lí thuyết thấp nhất (vùng có biên độ thủy triều lớn hơn 0,5 m); 3) lấy theo tài liệu gốc (vùng biển nước ngoài).

Theo tỷ lệ bản đồ và công dụng Bản đồ hàng hải có các loại: 1) Bản đồ hàng hải khái quát dùng để thực hiện các nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền và phục vụ nghiên cứu dẫn đường thủy văn. Được phân thành: a) Bản đồ hàng hải khái quát (tỉ lệ 1:1.000.000 - 1:5.000.000) dùng cho các hoạt động nghiên cứu ở các vùng biển, lựa chọn tuyến hành trình và dẫn tàu đi ở vùng biển rất xa bờ; b) Bản đồ hàng hải hành trình (tỉ lệ 1:100.000 đến 1:500.000) dùng để dẫn đường đi lại ở vùng thuộc biển mở gần bờ; c) Bản đồ hàng hải khu vực (1:25.000 đến 1:75.000) dùng để dẫn đường cho tàu thuyền ở khu vực gần bờ trong điều kiện phức tạp; d) Bản đồ hàng hải (tỉ lệ 1:500 đến 1:25.000) dùng để dẫn đường ra vào cảng, cửa biển, vũng, vịnh và đi lại trong vùng giới hạn của chúng. 2) Bản đồ hàng hải dẫn đường vô tuyến và dẫn đường thủy âm sử dụng để xây dựng kế hoạch và xác định vị trí của tàu thuyền từ dữ liệu đo được; dạng Bản đồ hàng hải khái quát được bổ sung thêm các đại lượng thu được từ các trạm dẫn đường vô tuyến và dẫn đường thủy âm; 3) Bản đồ hàng hải khai thác sử dụng làm các nhiệm vụ dẫn đường và khai thác tài nguyên; dạng Bản đồ hàng hải khái quát có bổ sung thêm hệ thống lưới ô vuông phục vụ khai thác hải sản, vị trí thả lưới và chỉ dẫn độ sâu thả lưới, độ sâu đáy biển, những chướng ngại khi thả lưới. Phân loại theo tiêu chí xuất bản có bản đồ giấy và bản đồ điện tử.

Trong quân sự, Bản đồ hàng hải được sử dụng cho việc lập kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, tác chiến, cứu hộ cứu nạn, giao thông vận tải... bằng tàu, thuyền; được biểu thị bằng hệ thống kí hiệu riêng, xây dựng trên cơ sở tham khảo hệ thống kí hiệu bản đồ biển, bản đồ địa hình quốc gia và hệ thống kí hiệu bản đồ biển quốc tế.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Nxb Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995.
  2. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Bộ Quốc phòng - Cục Bản Đồ, Từ điển Địa hình quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  4. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 2: Địa lí quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Đo đạc và Bản đồ, Hà Nội, 2018.
  6. Российская Военная Энциклопедия (Bách khoa toàn thư quân sự Nga), tập 3, Nxb quân sự, Moskva 1995.
  7. Bách khoa toàn thư quân sự Trung Quốc, tập Địa lí Trắc địa Bản đồ, khí tượng quân sự, Nxb Khoa học quân sự Trung Quốc, 1997.
  8. Российская военная энциклопедия словарь (Từ điển Bách khoa quân sự Nga), tập 1, Nxb quân sự, Moskva 2001.