Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bạo lực bạn đời

Bạo lực bạn đời Hành vi bạo hành cố ý của bạn đời (vợ/chồng) gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại về thể xác, tâm lý và tình dục cho một trong những bên của mối quan hệ này. Bạo lực bạn đời có nhiều hình thức, bao gồm:

Bạo lực bạn đời về mặt thể xác[sửa]

Các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng bạn đời. Những hành vi sử dụng vũ lực, như đánh đập, đá, đấm, tát, thiêu sống... gây ra thương tích cho đối tượng và có thể dẫn đến tử vong.

Bạo lực bạn đời về tình dục[sửa]

Bạo lực tình dục được phân chia thành nhiều nhóm. Nếu bạn đời chỉ đơn thuần cưỡng ép, đòi đối tác quan hệ tình dục thì được xếp tạm vào nhóm “người bình thường”, chủ yếu do nhu cầu sinh lý. Tuy vậy, cũng có những người bạo hành tình dục do mắc một số bệnh như: rối loạn nhân cách, lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn khí sắc, tâm thần phân liệt… Trong trường hợp này, một bên thường hoang tưởng, ghen tuông, nghi ngờ lòng chung thủy của người kia nên bắt bạn đời phải quan hệ thường xuyên để thể hiện bản lĩnh. Nhóm cuối cùng là những người thật sự mắc bệnh BD. Để cảm thấy thỏa mãn, trong lúc quan hệ họ thường đánh đập, làm tổn thương, chửi mắng, la lối, nhục mạ bạn đời mới cảm thấy thỏa mãn.

Bạo lực bạn đời về tinh thần[sửa]

Nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển nặng nề, xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Không những thế, bạo lực tinh thần nhiều khi còn tồn tại dưới nhiều dạng như đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý gây nên sự phẫn uất, khủng hoảng ý thức và tâm, sinh lý bạn đời hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, hoặc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài...

Bạo lực bạn đời về kinh tế, xã hội[sửa]

Ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng. Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác như cố ý làm hư hỏng tài sản riêng hoặc tài sản chung của vợ, chồng, cưỡng ép một bên lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ hoặc là kiểm soát thu nhập của một bên nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.

Nguyên nhân của bạo lực bạn đời[sửa]

Có hai nhóm nguyên nhân chính của bạo lực bạn đời: Nhóm nguyên nhân chủ quan do nhận thức về giới và sự bình đẳng giới còn hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực gia đình; do nhận thức của chính bản thân của người bị bạo lực. Nhóm nguyên nhân khách quan do trình độ học vấn, năng lực nghề nghiệp, năng lực tự chủ tài chính của người đàn ông trong gia đình bị hạn chế, tác động của các chất kích thích, sự thờ ơ của cộng đồng xã hội…

Một số giải pháp để ngăn chặn hiện tượng bạo lực bạn đời[sửa]

Hạ nhiệt hành vi bạo lực, giúp đỡ thay đổi tâm tính, nhu cầu trợ giúp, trừng phạt bạo hành bạn đời (tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điến bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Dobash R.E., Dobash R., Women, violence and social change, London: Rout ledge, 1992.
  3. Connie Mitchell, Intimate Partner Violence: A Health-Based Perspective, Oxford University Press, 2009, pp. 319 - 320.
  4. Devries K.M., “The Global Prevalence of Intimate Partner Violence Against Women”, Science, 2013.
  5. Mandi M. Larsen, Health Inequities Related to Intimate Partner Violence Against Women: The Role of Social Policy in the United States, Germany, and Norway, Springer, 2016, pp. 110 - 111.