Bạo dâm là một dạng hoạt động tình dục ở những người chỉ tìm thấy khoái lạc, cực khoái tình dục khi hành hạ hoặc làm cho đối tượng phải đau đớn, khổ sở trong khi quan hệ tình dục.
Nguồn gốc, khái niệm “bạo dâm” do Kraft-Ebbing (1840 - 1902, Đức) lần đầu tiên nêu ra trong cuốn “Psychopathia Sexualis” xuất bản năm 1886, dựa trên họ của nhà văn Pháp Marquis de Sade (1740 - 1814), người đã mô tả sinh động hiện tượng này trong tiểu thuyết của mình vào thế kỷ XVIII.
Đặc điểm tâm lý của người bạo dâm[sửa]
Người bạo dâm luôn cảm thấy cần phải gây ra và thích quan sát sự đau khổ của đối tác tình dục, thích can dự vào sự đau khổ này. Người bạo dâm coi phụ nữ là đối tượng bản năng tình dục biến thái của mình. Họ là những người rất ham muốn tình dục và khi không đủ tình dục thì thủ dâm. Trong cuộc sống hàng ngày họ là người có tính cách tàn bạo, thường được gọi là bạo chúa. Thông thường người bạo dâm có tâm lý cứng nhắc và có xu hướng tạo ra các mối quan hệ đồng phụ thuộc. Họ có nhiều nỗi sợ hãi, đặc biệt là nỗi sợ bắt đầu một mối quan hệ tình dục mới sau lại bị bỏ mặc một mình. Người bạo dâm không thích được người khác công nhận, bởi vì chính anh ta cũng thường không chấp nhận ngay bản thân mình. Họ rất hay giận dữ do có nguồn gốc bị ai đó bạo hành từ nhỏ. Hành vi bạo lực này nhiều khi là không có ý thức, liên quan đến sự tận hưởng vô thức về sự đau khổ của người khác. Đối với họ, trả thù là một hành động mà họ bù đắp cho cảm giác oán giận và khôi phục lại sự công bằng và tạo ra niềm vui cho mình.
Biểu hiện của bạo dâm[sửa]
Về phương diện hành động thì thô bạo, ngắt véo, đánh đập, phun nước bọt, cắn xé, cào cấu hoặc dùng dụng cụ để tra tấn như trói bằng dây da, quất bằng roi, đấm đá, chích bằng vật sắc nhọn, buộc bằng dây đai hoặc dây thừng, đốt, điều chỉnh, nghiền nát ngực, tống vật cứng vào âm đạo, dìm đầu đối tượng vào nước, bóp cổ hoặc gây tổn thương thân thể bằng dao găm, búa thậm chí hung bạo hơn là phải đổ máu, ỉa đái mới gây ra hưng phấn tình dục cho người bị bệnh bạo dâm. Về phương diện lời nói, người mắc chứng bạo dâm hay dùng những lời cục cằn, thô tục, chửi rủa, mạt sát, la hét, rít, gào thét cuồng loạn với mục đích là mô tả bản năng thú vật qua ngôn ngữ trong khi giao cấu.
Bạo dâm được xem như một biểu hiện bệnh hoạn, đồi trụy, một sự lệch lạc tình dục, một dạng bệnh tâm thần. Nó được xếp vào nhóm rối loạn hoạt động bản năng kiểu say mê xung động trong tâm thần học. Nó xuất hiện có tính chất từng cơn, thường là khát vọng xâm chiếm lý trí, chế ngự toàn bộ hành vi người bệnh. Sau khi thỏa mãn cơn ác dâm, người bệnh nhớ lại thời gian lên cơn một cách không hoàn toàn. Các rối loạn bản năng này gặp trong các bệnh nhân tâm thần phân liệt, bệnh nhân cách. Hình thức ác dâm có thể được thể hiện không chỉ đơn thuần bằng các hành động tình dục mà nó có thể xảy ra ở một số dạng bệnh lý khác. Có những báo cáo bệnh lý cho thấy có sự cực khoái dẫn đến xuất tinh khi bệnh nhân đang tra tấn hành hạ nạn nhân và họ chỉ đạt được thỏa mãn tối đa khi họ càng tạo ra cho đối tượng một hình ảnh đau đớn, dã man, tàn bạo, man rợ càng nhiều càng tốt.
Về nguyên nhân bệnh bạo dâm[sửa]
Giống như hầu hết các chứng rối loạn tâm lý, bạo dâm có nguồn gốc nảy sinh từ thời thơ ấu. Trẻ em sống trong bầu không khí của các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất xâm khích và được coi đó là mô hình hành vi đúng, sau đó mô hình hành vi này được chuyển sang tuổi trưởng thành và trở thành hành vi bạo dâm. Cùng với nguyên nhân tâm lý xã hội, bạo dâm có thể phát sinh do các lý do bị bệnh tâm thần hay chấn thương thực thể, do các loại ám ảnh và ám sợ, do đặc điểm của nhân cách, do đặc điểm của tình dục và tưởng tượng. Ngoài ra, không loại trừ sự ảnh hưởng từ môi trường giáo dục, gia đình, bạn bè trong quá trình hình thành nhân cách, sự thiếu hiểu biết về văn hóa phòng the và các nguyên nhân bẩm sinh.
Cách phòng chống bạo dâm[sửa]
Để phòng chống hành vi bạo dâm cần xây dựng một nếp sống lành mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất. Nhờ đến sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý khi có những biểu hiện bệnh lý như trên. Tạo nên mái ấm gia đình hạnh phúc để trẻ không bị lệch lạc về nhân cách. Tại nhiều quốc gia, bạo dâm được coi là tội phạm tình dục và bị xét xử theo luật pháp, nhất là khi không có sự đồng ý của bạn tình, hoặc gây chấn thương, hành hạ bạn tình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cũng như nạn bạo hành trong gia đình, nạn nhân (phần nhiều là nữ) không dám hoặc không muốn tố cáo, vì thiếu sự hiểu biết, thông tin hoặc không được sự hỗ trợ về luật pháp.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Freund K., & Blanchard, R., The concept of courtship disorder, Journal of Sex & Marital Therapy, 12, 1986.
- Coen S.J., Sadomasochistic Excitement: Character Disorder and Perversion, 1998.
- Chabrol, Henri; Van Leeuwen, Nikki; Rodgers, Rachel; Séjourné, Natalène, “Contributions of psychopathic, narcissistic, Machiavellian, and sadistic personality traits to juvenile delinquency”, Personality and Individual Differences, 47 (7), 2009.
- O'Meara, A; Davies, J; Hammond, S., The psychometric properties and utility of the Short Sadistic Impulse Scale (SSIS), Psychological Assessment, 23 (2), 2011.
- American Psychiatric Association, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (5th ed.), Arlington, VA: American Psychiatric Publishing, 2013.
- Buckels, E.E.; Jones, D.N.; Paulhus, D.L., “Behavioral confirmation of everyday sadism”, Psychological Science, 24 (11), 2013.