Bạch truật là thân rễ phơi hay sấy khô của cây bạch truật, Atractylodes macrocephala koidz, họ Cúc- Asteraceae.
Cây bạch truật có nguồn gốc ôn đới, được trồng nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên nhập vào Việt Nam từ những năm 1960. Trồng phổ biến ở một số tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ và vùng núi cao các tỉnh phía Nam. Cây ưa khí hậu mát quanh năm, thích hợp ở độ cao 1000-1500 m. Sau khi trồng từ 8-10 tháng có thể thu hoạch. Thu hái khi lá ở gốc cây úa vàng, thân tàn lụi. Đào rễ củ về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi sấy khô.
Mô tả[sửa]
Bạch truật thuộc cây thảo, sống nhiều năm, cao 40-60cm. Rễ củ mập có vỏ ngoài màu vàng xám. Thân hình trụ, mọc đứng, phía trên phân nhánh, phía dưới hóa gỗ. Lá mọc so le, lá phía dưới có cuống dài, xẻ sâu hình 3 thùy như những lá chét riêng biệt, thùy giữa to hơn, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc lệch, đầu nhọn, mép có răng cưa như gai, lá gần ngọn có cuống ngắn, không chia thùy, mép khía răng, gân lá nổi rất rõ ở mặt dưới. Cụm hoa mọc thành đầu ở đầu cành, mỗi đầu gồm nhiều hoa hình ống, màu tím, tổng bao lá bắc hình chuông gồm những lá hẹp xẻ nhiều thùy rất sâu hình lông chim, nhị 5 hàn liền. Quả bé hình cầu hoặc bầu dục hơi dẹt có một chùm lông dài màu trắng đục.
Mùa hoa quả: tháng 8-11
Bộ phận dùng[sửa]
Thân rễ
Thành phần hóa học[sửa]
Thân rễ bạch truật có tinh dầu (1,5%). Thành phần tinh dầu chủ yếu gồm atractylon, acetoxy atractylon, hydroxy atractylon, atractylat kali, các sesquiterpene (alpha- eudesmol, beta- eudesmol), các dẫn chất lacton như atractynolid I, II, III.
Thận trọng: những người tỳ vị hư, yếu không nên dùng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Y Tế. Dược điển Việt Nam V, NXB Y học, tr.1077.
- Võ Văn Chí. Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, 2012, tr.110.
- Đỗ Huy Bích và cộng sự- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật tập I, 2004, tr.164.
- Từ điển bách khoa dược học. NXB Từ điển Bách khoa, 1999, tr.61.
- BoZhu, Quan-long Zhang, Jin-wei Hua,e t al. The traditional uses, phytochemistry, and pharmacology of Atractylodes macrocephala Koidz.: A review.Journal of Ethnopharmacology Vol 226 2018 Nov 15 Page 143-167