Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bạch tật lê

Bạch tật lê là quả chín phơi khô của cây Bạch tật lê, còn gọi là cây gai ma vương, gai chống, gai sầu, tạt lê… Có tên khoa học là Tribulus terrestris L.. họ Tật lê (Zygophyllaceae).

Mô tả[sửa]

Cây thảo, sống hàng năm hoặc 2 năm, mọc bò lan, phân nhiều nhánh, thân cành mảnh. Lá kép lông chim, mọc đối hoặc gần đối có 5-7 đôi lá chét bằng nhau, phién dài 6-15mm, rộng 2,5mm hình bầu dục, gốc thuôn, mặt trên nhẵn, mặt dưới phủ lông trắng. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu vàng, cuống hoa dài, có lông cứng. Đài 5 răng rời hoặc dính nhau ở gốc, tràng 5 cánh mỏng, sớm rụng, nhị 10, có 5 cái dài, 5 cái ngắn, bầu 5 ô. Quả thường có 5 cạnh có gai và lông dày. Mùa hoa quả vào tháng 5-8.

Phân bố[sửa]

Dược liệu được tìm thấy ở nhiều nước trên thế giới tại các vùng ven biển, ven sông, đất cát hoặc đất phù sa. Đây là loại cây bản địa của các nước vùng ôn đới như Nam Âu, Châu Phi… Cây ưa nắng, khô hạn có thể phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ở Việt Nam chỉ có ở vùng ven biển từ Quảng Bình trở vào, nhiều nhất ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Cây con mọc từ hạt xuất hiện vào đầu mùa mưa ( khoảng tháng 5-6 ) sinh trưởng và phát triển nhanh, bò lan trên mặt đất. Sau khi mùa quả kết thúc, cây cũng tự tàn lụi vào mùa khô. Quả gai chồng khi chín, tự mở để hạt thoát ra ngoài.

Bộ phận dùng[sửa]

Bộ phận được sử dụng để làm dược liệu là phần quả già. Mùa quả chín thường vào tháng 8 hoặc tháng 9 hàng năm, người ta sẽ cắt cả dây về dùng lực đập để quả rơi ra khỏi thân. Rửa qua nước loại bỏ những quả lép sau đó phơi khô hoặc sấy khô, loại bỏ các tua gai và bảo quản.

Thông thường có thể sơ chế dược liệu theo 2 cách sau:

Đồ quả rồi phơi khô: Quả bạch tật lê sau khi thu hái, loại bỏ quả lép đem đồ trong khoảng 3 giờ phơi khô và giã với lực vừa phải để loại bỏ hết gai. Mang quả thu được ngâm rượu trắng > 40 độ, đồ tiếp 3 giờ nữa, phơi khô, cất đi dùng dần.

Nghiền dược liệu thành bột: Dược liệu thu được ngâm nước, loại bỏ hạt lép, sao vàng cho gai bám ngoài quả rụng hết, sau đó nghiền thành bột dùng dần.

Thành phần hoá học[sửa]

Quả chứa nhiều saponin steroid, trong đó genin là diosgenin, ruscogenin gitogemin, 25D-spirosta-3,5- dien, clorogenin, neotigogenin, hecogenin.

Ngoài ra còn có flavonoid, chất béo, ít tinh dầu và các alkaloid harmin, norharman.

Tác dụng[sửa]

Theo Y học cổ truyền, quả Bạch tật lê có vị cay, tính hơi ấm, có tác dụng bình can, giải uất, hoạt huyết, khu phong, sáng mắt, ngừng ngứa. Chủ trị: nhức đầu, chóng mặt, tắc sữa, đau mắt đỏ, kéo màng mắt, ngứa, ngực sườn đau trướng. Bạch tật lê có vị đắng, để sống có tính bình, sao có tình ấm vào kinh can và phế, có tác dụng bình can, tán phong, thông huyết, trừ thấp, tả phế, sáng mắt, cường dương, giải độc. Theo Tuệ Tĩnh sử dụng quả tán nhỏ, uống mỗi ngày 8g chia làm 2 lần sau bữa ăn để chữa đau mắt lâu ngày, nhức mắt. Kinh nghiệm nhân dân dung quả Bạch tật lê phối hợp với hoa Kim cúc và hạt thảo quyết minh, lượng bằng nhay, sắc uống chữa dau mắt đỏ có nhiều mủ.

Theo y học hiện đại, Bạch tật lê có chứa các chất hỗ trợ sinh lý nam, cải thiện chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, Các thành phần của dược liệu có tác dụng cải thiện chức năng của đường ruột, ức chế hoạt động của vi khuẩn E. coli tăng, tạo môi trường cho lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus. Bạch tật lê công dụng với những trường hợp bị mắc bệnh về thị giác như đau mắt đỏ, cay mắt, chảy nước mắt.

Tác dụng giảm đau: Cao chiết lạnh với cồn 50° của toàn cây bạch tật lê trong thử nghiệm với phương pháp gây đau do nhiệt đã biểu lộ tác dụng giảm đau rõ rệt. Giảm lipid máu: Một số chế phẩm từ bạch tật lê cho thấy hiệu quả giảm thành phần lipid trong máu có ý nghĩa. Giảm LDL-Cho và tăng HDL-Cho. Cơ chế là giảm sinh tổng hợp cholesterol ở gan và tăng thải trừ acid mật trong phân.

Hỗ trợ điều trị sỏi thận và sỏi bàng quang: Một số nghiên cứu chỉ ra hiệu quả khi kết hợp một số vị thuốc với bạch tật lê trọng điều trị sỏi thận và sỏi bàng quang. Giúp thải sợi ra ngoài và giảm triệu chứng khác kết hợp với sỏi.

Trị đái dầm ở trẻ em: Một số bài thuốc kết hợp cả vị bạch tật lê để điều trị đái dầm ở trẻ. Bởi vị thuốc này có tác dụng bổ thận, mà theo đông y một trong những nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ là do thận hư.

Những tác dụng khác: Bạch tật lê cũng là một vị thuốc thường được dùng để chữa nhức đầu, đau cổ họng, sưng vú hay tắc sữa ở phụ nữ...

Một số cách dùng dược liệu được chuyên gia gợi ý[sửa]

Trà bạch tật lê[sửa]

Đây là cách sử dụng dược liệu phổ biến và đơn giản nhất, phù hợp với nhiều đối tượng.

Nguyên liệu: 10g dược liệu, nước lọc.

Cách pha trà bạch tật lê: Sử dụng dược liệu khô, dập vỡ đôi sau đó đun cùng với 1 lít nước trong khoảng 20 phút. Dùng nước thu được uống trong ngày, mỗi ngày dùng 10g.

Ngoài ra, để tiện lợi cho mỗi lần sử dụng người dùng có thể mua trà thảo mộc bạch tật lê được bào chế sẵn pha với nước sôi uống mỗi ngày.

Bạch tật lê ngâm rượu[sửa]

Sử dụng dược liệu ngâm rượu là cách dùng được nhiều quý ông yêu thích. Trong dịch bạch tật lê ngâm rượu có các hoạt chất như terrestriamide, quercetin-3-O-β-D-glucoside, 3′-methoxy-quercetin-3-O-β-D-glucoside, và hecogenin- 3-O-β-D-glucopyranosyl. Ngoài ra, một lượng nhỏ hecogenin-3-O-β-D-galactopyranoside, β-D-glucopyranosyl, axit benzoic và uridine cũng được tìm thấy trong dược liệu. Các hoạt chất này đều có tác dụng với sinh lý nam giới, kích thích ham muốn, cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng, hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn... Nam giới gặp các vấn đề khi quan hệ hoàn toàn có thể sử dụng các loại thuốc được bào chế từ dược liệu để cải thiện tình trạng.

Chuẩn bị: Dược liệu, rượu trắng trên 40 độ, bình thủy tinh.

Cách ngâm rượu bạch tật lê: Dược liệu sao vàng đến khi có mùi thơm, để nguội cho vào bình thủy sau đó đổ rượu trắng vào đậy kín nắp. Có thể ngâm cùng một số vị thuốc khác như kỷ tử, dâm dương hoắc để gia tăng hiệu quả.

Kiêng kỵ và lưu ý[sửa]

Người huyết hư, khí yếu không được dùng. Không nên lạm dụng dùng quá nhiều vì có một số đánh giá cho rằng vị này gây ra gây rối loạn vận động và yếu liệt hai chi sau trên cừu, gây đau dạ dày, tiêu chảy ở người.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Y tế. Dược điển Việt Nam V. Tập II NXB Y học, 2017. Trang 1075
  2. Đỗ Huy Bích và nhiều tác giả. Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 7, 2004, trang 842, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
  3. Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB Y học, 2012, tập 7, trang 842.
  4. GS.TS. Phạm Thanh Kỳ. Từ điển Bách khoa dược học, NXB Từ điển Bách khoa, 1999, trang 263.
  5. Saurabh Chhatre, Tanuja Nesari, Gauresh Soman et al. Phytopharmacological overview of Tribulus terrestris doi: 10.4103/0973-7847.125530.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3931200/