Mục từ này cần được bình duyệt
Bưu điện Việt Nam

Bưu điện Việt Nam (E. The Vietnam Post) báo, cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Năm 1959, Tổng cục Bưu điện xuất bản báo Bưu điện, lưu hành nội bộ, khổ 29×38 cm, bốn trang, in và trình bày khá sáng sủa, nhưng không rõ xuất bản bao lâu mỗi kỳ, khoảng năm 1962 dừng xuất bản. Năm 1968, Tổng cục Bưu điện lại ra bản tin Bưu điện, phát hành hằng tháng.

Ngày 18 tháng 01 năm 1990, Bộ Thông tin có Quyết định số 37/BTT cho phép Tổng cục Bưu điện ra báo Bưu chính Viễn thông khuôn khổ 39×56,4 cm, bốn trang, nhưng đến 30 tháng 6 năm 1990, báo Bưu chính Viễn thông mới chính thức xuất bản số đầu tiên, bốn trang, khổ báo 29×43 cm, hai kỳ/tháng, phát hành trong ngành Bưu điện. Đầu trang nhất, ngay dưới măng séc là bức ảnh hai cột rưỡi (báo có năm cột) “Hồ Chủ tịch nói chuyện điện thoại”.

Trong thời gian chuẩn bị ra báo, tháng 4 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, thuộc Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, nên khi báo Bưu chính Viễn thông ra số đầu tiên với vai trò là cơ quan của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Tháng 12 năm 1996, báo Bưu chính Viễn thông được chuyển giao về mặt tổ chức từ Trung tâm Thông tin Bưu điện (Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) sang Trung tâm Thông tin, xuất bản (Tổng cục Bưu điện).

Tháng 6 năm 1997, Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện ra chỉ thị số 61/CT/BCS về việc mua, đọc báo, viết bài cho báo Bưu chính Viễn thông, trong đó yêu cầu các cấp ủy Đảng, các tổ chức, đoàn thể trong toàn ngành tổ chức tốt việc mua, đọc báo Bưu chính Viễn thông và vận động cán bộ, công nhân viên viết tin, bài cho báo.

Tháng 10 năm 1997, Báo tăng kỳ xuất bản từ hai kỳ lên ba kỳ/tháng. Ngày 01 tháng 01 năm 1999, báo Bưu chính Viễn thông được đổi tên thành báo Bưu điện Việt Nam (BĐVN), đồng thời tăng kỳ xuất bản thành tuần báo, mười hai trang. Tháng 6 năm 2001, Báo ra bộ mới với nhiều thay đổi về công nghệ và ma-két. Tháng 6 năm 2002, Báo xuất bản chuyên đề BĐVN cuối tháng.

Tháng 8 năm 2002, Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ nhất đã phê chuẩn việc thành lập Bộ Bưu chính Viễn thông, báo BĐVN được tách ra khỏi Trung tâm Thông tin, trở thành cơ quan ngôn luận của Bộ Bưu chính Viễn thông. Thời gian này, Báo phát hành đạt hai mươi lăm nghìn tờ/kỳ.

Tháng 01 năm 2005, Báo tăng từ mười hai trang lên mười sáu trang/kỳ. Tháng 01 năm 2006, Báo tăng kỳ xuất bản lên hai kỳ/tuần.

Ngày 16 tháng 5 năm 2007, báo BĐVN chính thức phát hành báo điện tử ICTnews lên mạng internet tại địa chỉ ictnews.vn với phương châm: Tin nhanh nhất về công nghệ thông tin.

Tháng 8 năm 2007, Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ nhất phê chuẩn việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại và bổ sung chức năng cho Bộ Bưu chính Viễn thông, báo BĐVN trở thành cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông với tên giao dịch quốc tế: The Vietnam Post. Theo Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ cấu tổ chức của Báo gồm các ban chuyên môn: Thư ký toà soạn, Công nghệ thông tin và truyền thông, Thời sự chính trị, Kinh tế - xã hội, Báo điện tử ICT News, Kinh doanh - Quảng cáo, Bạn đọc và Công tác xã hội; Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Tháng 5 năm 2008, Báo đề xuất sáng kiến và được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận xây dựng Đề án tổ chức giải thưởng Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Award), giải thưởng quốc gia thường niên về công nghệ thông tin - truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trao tặng. Từ tháng 7 năm 2008, Báo tăng kỳ xuất bản lên ba kỳ/tuần. Từ năm 2009, Báo liên tục tổ chức thành công Lễ trao Giải thưởng Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam hằng năm.

Ghi nhận những đóng góp của Báo, Đảng và Nhà nước ta đã tặng Báo Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2010) và nhiều phần thưởng khác.

Đã có bảy người từng làm Tổng biên tập Báo BĐVN qua các thời kỳ, trước khi tờ báo này sáp nhập với Vietnamnet: Lê Đức Niệm (từ tháng 01.1990 đến 8.1991), Trương Văn Thoan (8.1991 - 10.1993), Mai Liên Trực (10.1993 - 10.1996), Nguyễn Huy Luận (10.1996 - 3.2002), Nguyễn Đoàn (3.2002 - 3.2003), Lê Việt Cường (5.2003 - 5.2009), Võ Đăng Thiên (5.2009 - 8.2018).

Ngày 30 tháng 5 năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định hợp nhất báo điện tử Vietnamnet và báo BĐVN. Quyết định nêu rõ, báo Vietnamnet là đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, được tổ chức trên cơ sở hợp nhất báo điện tử Vietnamnet và báo BĐVN. Báo Vietnamnet là cơ quan báo chí đa phương tiện có nhiều ấn phẩm. Tổ chức bộ máy cụ thể gồm: Ấn phẩm Vietnamnet, ấn phẩm BĐVN; duy trì infonet hiện nay là phiên bản điện tử của BĐVN thuộc báo Vietnamnet (mới). Báo Vietnamnet (mới) kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ hợp pháp của báo BĐVN và báo điện tử Vietnamnet.

Ngày 29 tháng 8 năm 2018, Bộ đã có quyết định số 1.416 giao ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Biên tập của báo điện tử Vietnamnet làm Tổng Biên tập Báo Vietnamnet (mới). Từ tháng 7 năm 2020, báo BĐVN vẫn ra bản in mười trang, khổ 29×41 cm nhưng rút từ ba kỳ xuống một kỳ/tuần, in hai nghìn bản/kỳ; Trụ sở tại tầng 7, tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện, 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hội Nhà báo TP. Hà Nội, Sơ khảo lịch sử báo chí Hà Nội (1905-2000), Nxb Chính trị Quốc gia, 2004.
  2. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hoà, Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (tập 2) sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019.
  3. Bưu điện Việt Nam 20 năm xây dựng và phát triển (30/6/1990 - 30/6/2010) - kỷ yếu do Báo Bưu điện Việt Nam xuất bản tháng 6/2010.
  4. Liên chi Hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông, Đại hội lần thứ II, Liên chi Hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông (kỷ yếu Đại hội), Nxb Thông tin và Truyền thông, 2009.
  5. Lịch sử Bưu điện Việt Nam, tập 2 (1945 - 1976).
  6. Lịch sử Bưu điện Việt Nam, tập 3 (1976 - 2000).