Bưu điện Bắc Bộ cơ quan trực thuộc Nha Tổng Giám đốc Bưu điện, (giai đoạn1945-1948),thuộcBộ Giao thông Công chính; trải qua 2 giai đoạn chuyển đổi căn bản về tổ chức, phương thức hoạt động, địa phận phụ trách.
Từ 8 năm 1945 đến 6n ăm 1947:ngay sau khi thu nhận, Chính phủ quyết định giữ nguyên tổ chức bộ máy, chức danh viên chức và phương thức hoạt động của Ngành Bưu điện, Vô tuyến điện Đông Dương. Ở Trung ương có Nha Tổng Giám đốc (do Nguyễn Tường Thụy phụ trách), trụ sở tại Hà Nội; dưới Nha Tổng Giám đốc có Nha Giám đốc Bưu điện Bắc Bộ (do Ngô Huy Văn phụ trách), trụ sở tại Hà Nội. Nha Giám đốc Bưu điện Miền Nam (do Trần Đình Thọ phụ trách), trụ sở tại Sài Gòn (Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Ở tỉnh thành, có Ty Bưu điện (kể cả các bưu cục trực thuộc), do Trưởng ty phụ trách. Địa phận phụ trách của NBĐBB: từ vĩ tuyến 16 trở ra. Đến 6.1947, thực hiện Nghị định số 335/NĐ, ngày 28 tháng 6 năm 1947 của Bộ Giao thông Công chính đặt ba Nha Bưu điện ở ba miền: Nha Giám đốc Bưu điện Bắc Bộ, Nha Giám đốc Bưu điện Trung bộ và Nha Giám đốc Bưu điện Miền Nam;địa phận phụ trách của NBĐBB được thu hẹp lại: từ Ninh Bình trở ra; từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, thuộc Nha Bưu điện Trung Bộ.
Hoạt động thông tin Bưu điện, sau 8.1945: Các địa phương đã động viên viên chức bưu điện cũ ở lại phục vụ cách mạng; lựa chọn những công nhân viên chức tích cực, giao cho họ phụ trách các nghiệp vụ bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền, vận chuyển thư-báo, điện báo,... Bưu điện thành phố, thị xã mở cửa tiếp nhân dân và phục vụ các cơ quan công sở kịp thời. Bưu điện Hà Nội là trung tâm khai thác các nghiệp vụ tỏa đi các tỉnh, thành phố; trung bình mỗi tuần có từ 2-3 chuyến vận chuyển bưu phẩm đi, bằng phương tiện công cộng (ô tô, tầu thủy, xe lửa). Hoạt động bưu chính đã phục vụ đắc lực cho việc tổ chức Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, bầu Hội đồng Nhân dân các cấp và phục vụ nhân dân. Sáng ngày 17.01.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trung tâm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ, động viên công nhân viên khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ thông tin liên lạc. Hoạt động điện chính được tăng cường, đã tiến hành tu sửa các đường dây trục từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố, thị xã; đặc biệt là chú trọng các tuyến xung yếu: Hà Nội -Hải Dương-Hải Phòng; Hà Nội -Thanh Hóa -Huế -Đà Nẵng; Hà Nội-Hòa Bình; Hà Nội-Phúc Yên,... Bưu điện các tỉnh, thành phố đã khôi phục được mạng điện thoại nội hạt và đường dài. Thời gian này, đã thành lập thêm tổ chức thông tin liên lạc của Đảng, của quân sự và của một số ngành đoàn thể; tháng 2.1946, thành lập Ban Giao thông Trung ương để tổ chức các đường thư vận chuyển công văn, tài liệu cơ mật của Trung ương Đảng, Chính phủ đến các Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trung tâm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ ngày 17.01.1946 (Ảnh tư liệu)
Tổ chức thông tin liên lạc phục vụ kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp: Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19.12.1946), ngành Bưu điện tập trung phục vụ việc chỉ huy và lãnh đạo của mặt trận các địa phương và liên khu. Thành phố Hà Nội có ba Liên khu trong nội thành và năm Liên khu ngoại thành. Sau gần hai tháng bám trụ giam chân địch, lực lượng thông tin liên lạc Hà Nội đã khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo phục vụ kịp thời việc chỉ huy và lãnh đạo của mặt trận Hà Nội. Ban Giao thông liên lạc Liên Khu I,gồm có một tiểu đội nam, một tiểu đội nữ, gần 40 thiếu niên làm liên lạc; phương tiện thông tin liên lạc là giao thông chạy bộ và một điện đài 15W đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 1) đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong khu với các phòng tuyến chiến đấu; 2) tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ đang chiến đấu; 3) đưa đón cán bộ, đồng bào đi tản cư và các lực lượng chiến đấu ở Liên khu I, tập kết ở địa điểm an toàn. Tại mặt trận Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên,... hoạt động thông tin liên lạc luôn được giữ vững; đã phối hợp với lực lượng thông tin liên lạc của quân khu III, phục vụ chỉ huy chiến đấu trên đường chiến lược số 5 Hà Nội-Hải Phòng, gây cho địch nhiều thiệt hại, làm cản trở vận chuyển, hành quân tiếp viện của địch về Hà Nội. Ở Nam Định, Trưởng Ty Bưu điện Phạm Văn Phi và bốn nhân viên khác đã nêu gương sáng về tinh thần phục vụ chỉ huy chiến đấu, đảm bảo thông tin liên lạc trong những giờ phút khó khăn, bảo vệ Sở Bưu điện; lập tiểu đội đem dây máy của kho Bưu điện trong thành phố ra ngoài căn cứ, lập mạng điện thoại phục vụ Tỉnh và Ban Chỉ huy mặt trận. Ở các địa phương địch chưa đánh chiếm, thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo di chuyển các cơ quan, kho tàng của Trung ương và địa phương đến nơi sơ tán, khu căn cứ an toàn.
Từ tháng 6.1947 đến tháng 5.1948, trước tình hình chiến sự lan rộng, yêu cầu về công tác thông tin liên lạc phải được tăng cường về tổ chức, chuyển hướng hoạt động thích hợp. Các đường thư, đường điện từ Việt Bắc đến các khu, tỉnh, vùng kháng chiến và các trạm dọc đường trục đã được củng cố, giao thông viên, điện tuyến viên được trang bị thêm phương tiện. Ban Giao thông Trung ương đã chỉ đạo Ban Giao thông hành chính khu, tham mưu cho Khu ủy chỉ đạo các Tỉnh ủy tăng cường cán bộ có năng lực cho công tác giao thông liên lạc và giúp các Ban Giao thông kháng chiến tỉnh về tổ chức chuyên môn. Ở các tỉnh, thành phố bị chiếm đóng một phần, như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Nam Định, Sơn La,... đã tổ chức được đường thư nối liền từ trạm đầu mối tỉnh ở vùng tự do, đến các huyện, thị xã trong vùng địch tạm chiếm để phục vụ cấp ủy và Chính quyền lãnh đạo kháng chiến trong vùng địch. Với sự chủ động sáng tạo, Bưu điện các địa phương đã mở rộng mạng lưới đường thư, đảm bảo giao thông liên lạc thông suốt. Ở khu căn cứ địa Việt Bắc, phòng Bưu điện Sơn Dương (Bưu điện Tuyên Quang), được biên chế 70 người, có các bộ phận: Bưu vụ, vận chuyển, điện vụ và đời sống, đã phối hợp với trạm giao thông BC38, BC90,… tổ chức vận chuyển công văn tài liệu (hệ mật và hệ phổ thông, theo quy định) luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bưu điện các tỉnh Hà Đông, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, bộ phận rút về căn cứ lần lượt được chấn chỉnh lại và tiếp tục hoạt động, phục vụ các cơ quan công sở và nhu cầu gửi thư từ của nhân dân trong vùng kháng chiến. Sau chiến dịch Thu-Đông năm 1947,ngành Bưu điệntổ chức hệ thống dọc, theo phân chia khu kháng chiến của Chính phủ. Đầu năm 1948, bãi bỏ Nha Bưu điện Bắc Bộ, Trung Bộ và Miền Nam, thành lập các Liên khu Bưu điện. Ty Bưu điện Tỉnh trực thuộc Khu Bưu điện. Tổ chức Bưu điện cũ đã hoàn toàn thay đổi; phương pháp chỉ đạo chuyên môn và phương pháp làm việc từ Nha Bưu điện đến các liên khu, tỉnh được chặt chẽ hơn, thích hợp hơn trong hoàn cảnh kháng chiến. Tuy nhiên, việc cùng tồn tại hai tổ chức, hai mạng lưới thông tin liên lạc: Bưu điện và Ban Giao thông Trung ương, đã làm cho tổ chức thông tin liên lạc bị phân tán, không đủ mạnh để đáp ứng đòi hỏi của cuộc kháng chiến ngày càng cao. Tháng 5.1948, Bộ Giao thông Công chính ra Quyết định hợp nhất tổ chức Bưu điện với Ban Giao thông Trung ương, lấy tên là Nha Bưu điện Việt Nam, để ngành Bưu điện trở thành một cơ quan đủ tư cách đại diện Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành ngành thông tin liên lạc trong cả nước. Nha Tổng Giám đốc Bưu điện và các đơn vị trực thuộcđã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 1,Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.159-160.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.503.
- Lịch sử Bưu điện Việt Nam, tập II (thời kỳ 1954-1976) (Sơ thảo),Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 12.1998.
- Hội đồng chỉ đạo biên soạn công trình Lịch sử kháng chiến chống Pháp Khu Tả ngạn Sông Hồng, Lịch sử kháng chiến chống Pháp Khu Tả ngạn Sông Hồng 1945-1955, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.99.
- Lịch sử Bưu điện Việt Nam, tập I (thời kỳ 1945-1954), (tái bản có bổ sung, chỉnh sửa), Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 8.2002.