Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bám trụ

Bám trụ là tổng thể các hoạt động của lực lượng tác chiến, lực lượng dân chính đảng kiên trì đứng vững ở địa bàn đánh địch đến cùng hoặc trong một thời gian nhất định theo yêu cầu của cấp trên.

Bám trụ được hình thành rất sớm trong lịch sử quân sự Việt Nam, với “thế trận làng nước”, khi có giặc xâm lược tới, biết dựa vào các làng xã, bản làng quê hương để bám trụ đánh địch, “một tấc không đi, một ly không rời”. Trong trận quyết chiến chiến lược Như Nguyệt năm 1077, khi quân Tống mang 100.000 quân chủ lực và 200.000 dân phu vượt biên giới vào nước ta, Lý Thường Kiệt đã chặn đứng quân Tống ở phòng tuyến sông Như Nguyệt; đồng thời, sử dụng các thủ lĩnh người dân tộc thiểu số, lợi dụng địa hình rừng núi, dựa vào nhân dân các dân tộc thiểu số, tổ chức đánh du kích liên tục vào đội hình phía sau của quân Tống… buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó cả trước mặt và phía sau, phối hợp chặt chẽ với quân Triều đình phản công đánh tan quân xâm lược, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ II (1075 - 1077). Tới cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, Bám trụ được quân và dân ta thực hành phố biến, góp phần đánh bại các biện pháp chiến lược của địch.

Yêu cầu chung của Bám trụ: chủ động, tích cực, kiên cường, vững chắc; dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo; dựa vào dân để bám trụ, vận dụng cách đánh, hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu và các phương pháp hoạt động đấu tranh linh hoạt, sáng tạo; lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng các lực lượng chặt chẽ, công tác bảo đảm đầy đủ, đồng bộ.

Bám trụ trong chiến đấu của lực lượng vũ trang, chủ yếu vận dụng trong tác chiến phòng ngự, phòng thủ của các lực lượng phòng ngự, phòng thủ bao gồm bộ binh, lực lượng vũ trang địa phương, pháo binh, xe tăng, phòng không, công binh, chỉ huy và các lực lượng bảo đảm… kiên trì đứng vững ở các vị trí chiến đấu, đánh địch đến cùng, dựa vào công sự trận địa, vật cản, hỏa lực và cơ động đánh địch, giữ vững các khu vực phòng ngự, phòng thủ đặc biệt các khu vực phòng ngự, phòng thủ chủ yếu, then chốt; kết hợp với lực lượng cơ động đánh địch đột nhập, lực lượng đánh địch ở khu vực tác chiến vòng ngoài, đánh địch rộng khắp, đánh địch vu hồi, đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm; dựa vào dân và các làng xã chiến đấu, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu như: đánh cắt giao thông, vận chuyển, tiếp tế, tập kích bằng hỏa lực, lực lượng tinh nhuệ, lực lượng vũ trang địa phương vào các sở chỉ huy, trung tâm thông tin, sân bay, bến cảng, khu vực hậu cần kỹ thuật, khu tập trung lực lượng bộ binh xe tăng (lực lượng dự bị hoặc thê đội hai)… đánh phục kích, đánh rộng khắp… làm rối loạn đội hình phía sau và hậu phương địch, tạo điều kiện để các lực lượng phòng ngự, phòng thủ trụ bám đánh địch giữ vững thế trận của ta.

Bám trụ của lực lượng cán bộ dân chính đảng, lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nhân dân trong các khu vực địch tạm chiếm là nét đặc thù của chiến tranh nhân dân để thực hiện đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang ngay trong hậu phương địch, thực hiện phương châm ba bám: Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch (chủ yếu là dân quân tự vệ), tạo thế trận cài xen kẽ, giữ các bàn đạp cho chủ lực tiếp cận tiến công vào hậu phương địch và phát triển lực lượng cách mạng trong hậu phương địch. Phương pháp hoạt động phải dựa vào dân là cơ sở để bám trụ, có thể bám trụ bí mật (là chủ yếu) hoặc công khai, hợp pháp hoặc nửa hợp pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, ta có nhiều tấm gương điển hình bám trụ đánh giặc suốt mấy chục năm, làm cho những đội quân hùng mạnh của Mỹ và tay sai cũng phải kinh hoàng, khiếp sợ như: địa đạo Củ Chi sát nách Sài Gòn; quân dân Hòa Vang trụ bám ngay sát căn cứ quân sự Đà Nẵng; quân dân đảo Cồn Cỏ anh hùng…

Để nâng cao hiệu quả chiến đấu bám trụ, người chỉ huy và lực lượng chiến đấu bám trụ phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, nắm chắc các thủ đoạn hoạt động của địch, địa hình, thời tiết, dự kiến trước các tình huống, chuẩn bị hệ thống công sự, vật cản vững chắc, chuẩn bị đầy đủ công tác bảo đảm chiến đấu, giữ bí mật bất ngờ, kiên quyết, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt trong thực hành chiến đấu để thực hiện được mục đích chiến đấu và bảo toàn lực lượng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam; Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Bộ Quốc phòng, Điều lệ công tác tham mưu tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
  3. Bộ Quốc phòng Tập lịch sử quân sự Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam; Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.
  4. Bộ Quốc phòng, Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến tranh chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ (1945- 1975) tập 1,2;
  5. Bộ Quốc phòng Các tài liệu về sư đoàn bộ binh phòng ngự ở địa hình rừng núi, trung du, đồng bằng, đô thị; Nxb Quân Đội nhân dân, 2000 .
  6. Bộ Quốc phòng Sư đoàn bộ binh trong chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân Đội nhân dân, 2000;
  7. Bộ Quốc phòng Tổng kết chiến thuật trung đoàn bộ binh trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ (1945- 1975);
  8. Bộ Quốc phòng Tổng kết một số chiến thuật trong Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ của Quân đoàn 2 (1945- 1975)
  9. Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo; Nxb Quân đội nhân dân,
  10. Bàn về Nghệ thuật quân sự VN của Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo; Nxb Quân đội nhân dân....