Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bái vật giáo

Bái vật giáo là hình thức tôn giáo thờ cúng những vật được gắn cho những đặc tính huyền bí, có năng lực siêu nhiên. Đối tượng mà bái vật giáo sùng bái thường có bốn loại: nhân thể, vật thể, thần tượng và vật hộ thân, trong đó có vật tự nhiên như hòn đá, cành cây, xác người hoặc động vật, cung tên, công cụ...

Bái vật giáo là một trong những hình thức tôn giáo sớm nhất trong xã hội nguyên thủy. Ở thời kỳ đầu tiên của lịch sử, loài người chưa có tôn giáo. Chỉ khi loài người phát triển đến một giai đoạn nhất định, khi con người đã tích lũy được những kinh nghiệm trong đời sống và biết quan sát, hình thành một số khái niệm nguyên thủy về những điều bí ẩn của thế giới xung quanh mà chính họ không thể hiểu được. F.Enghen cho rằng, cái sai lầm chủ yếu của người nguyên thủy khi quan sát thế giới tự nhiên là họ không tách mình khỏi giới tự nhiên mà lại hòa mình với giới tự nhiên làm một. Do đó, khi nhìn thấy những hiện tượng và vật thể của giới tự nhiên, họ đã đem những năng lực và khả năng mà chỉ con người mới có quy kết một cách rộng rãi cho giới tự nhiên, trong đó có cả những vật thể vô tri, vô giác. Người nguyên thủy cho rằng chúng có sức mạnh siêu nhiên, thần bí nên thờ chúng để trừ tà, cầu phúc.

Tuy nhiên, lúc đầu, chưa có sự sùng bái cả thế giới tự nhiên một cách trừu tượng, mà chỉ là sự sùng bái một số nhân tố tự nhiên riêng biệt, gần gũi với con người mà họ cho là có thế lực nhất, đồng nhất với con người nhất. Trong sự sùng bái đó, việc thờ cúng những hòn đá lớn – thể hiện mọi sức mạnh tự nhiên là hình thức thờ cúng được phổ biến tương đối rộng rãi. Những vật để thờ cúng làm bằng những tảng đá hoặc phiến đá rất lớn thuộc thời đại đồ đá mới và thời đại đồ đồng thau, thậm chí đến nay vẫn còn thấy ở một số bộ lạc lạc hậu, đều là những ví dụ cụ thể về sự tồn tại của bái vật giáo. Những tảng đá hoặc phiến đá lớn đó sau này thường gọi là cự thạch. Người xưa dựng những tảng đá lớn, có khi chồng lên nhau như hình cái bàn, gọi là trác thạch, có khi dựng thẳng đứng một cột đá hay thành hàng gọi là trường thạch, có khi dựng thành vòng tròn gọi là hoàn thạch. Ngư thạch là những tảng đá hình cá rất lớn, có khi cao tới 5 mét là một dạng đặc biệt của cự thạch.

bái vật giáo lưu hành rộng rãi trong xã hội cổ đại và tiếp tục tồn tại trong xã hội phong kiến dưới nhiều dạng biến thể khác nhau. Đến nay, những tàn dư của bái vật giáo vẫn được thịnh hành trong các phong tục, tập quán của nhiều dân tộc. Có ý kiến cho rằng, trong ngôn ngữ một số nước châu Âu có sự phân chia giống đực và cái cho mọi vật thể hữu hình và vô hình cũng là một chứng cứ xuất xứ tục bái vật hiện tồn tại ở nhiều dân tộc. Ở Việt Nam cũng có nhiều tập tục thể hiện sự tồn tại của bái vật giáo. Trong xã hội cũ, người Việt ở một số nơi thường coi bình vôi là bà chúa trong nhà, tượng trưng cho uy quyền chúa nhà, nhà nào cũng có bình vôi. Khi làm vỡ bình vôi thì đem những mảnh bình còn lại cất ở chỗ uy nghiêm hoặc đưa lên đình, chùa, không vứt ở chỗ ô uế. Người Việt xưa cũng có tục thờ hòn đá ở chùa...

Trong các tôn giáo hiện đại, bái vật giáo tồn tại dưới dạng những biểu tượng thờ cúng tượng thần, thánh giá, bùa phép...

Trong thời kỳ cận đại, bái vật giáo còn được biểu hiện dưới dạng sùng bái hàng hóa. Bái vật giáo hàng hóa – một khái niệm được F.Markc sử dụng để chỉ tính chất thần bí của hàng hóa là quan hệ giữa người với người trong sản xuất hàng hóa mang tính chất ảo tưởng là quan hệ giữa vật với vật.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. M.O.Cô-sven, Sơ yếu lịch sử văn hóa nguyên thủy, Lại Cao Nguyện dịch, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958.
  2. Các Mác: Tư bản. Quyển 1, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1970
  3. Ph.Ăng-ghen: Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Nxb. Sự thật, HN, 1972
  4. X.A.Tôcarev, Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.
  5. Từ điển bách khoa Việt Nam. Tập 1, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1995.