Bách bộ là rễ củ cây bách bộ, còn có tên là rễ củ cây Ba mươi, có tên khoa học là Stemona tuberosa Lour. Thuộc họ Bách Bộ Stemonaceae.
Tên thường gọi: Vị thuốc Bách bồ còn gọi Đẹt ác, Dây ba mươi, Bà Phụ Thảo (Nhật Hoa Tử Bản Thảo), Bách Nãi, Dã Thiên Môn Đông (Bản Thảo Cương Mục), Vương Phú, Thấu Dược, Bà Tế, Bách Điều Căn, Bà Luật Hương (Hòa Hán Dược Khảo), Man Mách Bộ, Bách Bộ Thảo, Cửu Trùng Căn, Cửu Thập Cửu Điều Căn (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển),Dây Ba Mươi, Đẹt Ác, Bẳn Sam, Síp (Thái), (Pê) Chầu Chàng (H’mông), Robat Tơhai, Hiungui (Giarai), Sam Sip lạc [Tày] (Dược Liệu Việt Nam).
Mô tả[sửa]
Bách Bộ thuộc loại dây leo có thân mảnh dài 6-8m, ở gốc có nhiều rễ củ mọc thành chùm 10, 20, 30 củ hoặc nhiều hơn. Củ có chiều dài 15- 20cm, rộng 1,5-2 cm. Là mọc đối hay mọc cách, lá có hệ gân ngang dày song song và các gân chính hình cung, dài 10 -15cm, rộng 4-6 cm có chóp lá nhọn. Cụm hoa ở nách lá có cuống dài 2-4 cm, mang 1 - 2 hoa to. Bao hoa có 4 phiến màu vàng lục ở mặt ngoài, mặt trong có màu đỏ tươi , 4 nhị dài 4-5 cm. Qủa nang, chứa nhiều hạt nhỏ. Mùa hoa vào tháng 3-5 và mùa quả vào tháng 6-8.
Dùng củ nhiều năm để dùng thuốc, củ càng lâu năm càng to càng dài, thu hoặc vào đầu đông hàng năm, hoặc vào lúc đầu xuân, chồi cây chưa hoạt động, trước khi thu hoạch, cắt bỏ dây thân, nhổ bỏ cây choai, đào toàn bộ củ lên, rửa sạch phơi khô. Cây Bách Bộ mọc hoang ở trong rừng núi các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang… Cây còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippin. Bộ phận dùng: rễ củ
Có thể thu hoạch củ vào mùa xuân hoặc cuối mùa thu. Cắt bỏ rễ con, rửa sạch. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ đôi theo chiều dọc củ, phơi nắng hoặc sấy đến khô.
Thành phần hóa học[sửa]
Trong rễ có nhiều alcaloid, trong đó có tuberostermorin LG, stemonin, isotuberosternorin, isostemonin, hypotubesostemonin, oxotuberostemonin, Ngoài ra, trong rễ củ còn có glucid, lipid, protid, acid hữu cơ (acid citric, a. malic, axalic ...)
Công dụng và cách dùng[sửa]
Theo Y học cổ truyền: Bách bộ có vị đắng, có tính hơi ấm, có tác dụng nhuận phế, chỉ ho, sát trùng.
Chủ trị ho mới hoặc ho lâu ngày, ho gà chữa viêm phế quản mãn tính.
Theo y học hiện đại: Thực nghiệm đã chứng minh alkaloid trong Bách bộ có khả năng giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp động vật, ức chế phản xạ ho, trong đó có tác dụng trị ho.
Dung dịch tuberosternonin LG -0.15% làm liệt hoàn toàn và chết giun đũa sau 3 giờ.
Dịch chiết rễ bách bộ, alkaloid toàn phần và tuberosternonin LG đều có tác dụng giảm ho, long đờm rõ rệt.
Sử dụng: Bách bộ được dùng làm thuốc trị ho. Ngày dùng 6-20 g trong dạng thuốc sắc hay nấu thành cao, thường phối hợp với một số vị thuốc khác.
Có thể dùng để trị giun đũa: Ngày uống 7-10g dạng thuốc sắc, uống 5 ngày liên tục vào buổi sáng lúc đói, sau đó uống thuốc tẩy. Trị giun kim bằng thụt vào hậu môn nước sắc Bách bộ (2/3), giữ 20 phút, làm 10-12 ngày liền.
Ngoài ra Bách bộ còn dùng trừ chấy , rận, bọ chó.
Cách bào chế[sửa]
Một số cách sử dụng và bào chế Bách Bộ
- Sấy khô: Củ Đẹt Ác cắt bỏ 2 đầu rễ giữ nguyên phần thịt giữa mang đồ chín hoặc trần qua nước sôi. Những củ to thì nên bổ đôi rồi phơi nắng hoặc tẩm rượu sấy khô (Theo cách bào chế Bản Thảo Mục Cương).
- Bách Bộ dùng tươi: Củ Đẹt Ác sau khi thu hoạch ủ mềm rồi rút bỏ chỉ giữa, thái lát mỏng, phơi khô dùng sống hoặc tẩm mật ong qua đêm rồi sao vàng lên (theo phương pháp bào chế của Đông Dược).
- Ngâm rượu: Phần rễ củ Đẹt Ác rửa sạch, có thể thái lát hoặc để cả củ sao vàng sau đó cho vào ngâm với rượu trắng có nồng độ từ 40 độ trở lên.
- Nấu cao: Lấy củ Đẹt Ác tươi rửa sạch rồi xay nhuyễn vắt lấy nước cho lên đun với lửa to và hớt bọt bẩn. Sau đó lọc lại nước đã nấu và tiếp tục sên đến khi đặc quánh lại dưới dạng nước. Không nên nấu thành bánh khiến bách bộ bị cháy đắng và mất đi dược tính.
Tác dụng phụ và Thận trọng[sửa]
Tỳ hư, tiêu chảy: không dùng (Trung Dược Học).
Vị này dễ làm thương tổn tới Vị, có tính hoạt trường,vì vậy người Tỳ hư, tiêu chảy: cấm dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ y tế. Dược điển Việt Nam V. NXB Y học, 2017, trang 1068
- Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB Y học, 2017, trang 82
- Đỗ Huy Bích và cs. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2004, ( tập I, trang 118)
- Từ điển Bách Khoa Dược học. NXB từ điển Bách Khoa, 1999, trang 56
- Phạm Thanh Kỳ. Dược liệu học, 2007, tập II, trang 170.