Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bá bệnh

Bá bệnh (hay Vị Bách bệnh, Mật nhân) là là rễ đã phơi sấy khô của cây Bách bệnh – Eurycoma longifolia Jack – họ Thanh thất (Simaroubaceae).

Tập tin:Cây Bách bệnh – Eurycoma longifolia Jack.jpg
Cây Bách bệnh – Eurycoma longifolia Jack

Mô tả[sửa]

Cây nhỡ, cao 2-8m, có lông ở nhiều bộ phận. Lá kép, gồm 10-36 đôi lá chét không cuống, mọc đối hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn đầu nhọn, mặt trên xanh bóng, mặt dưới có lông màu trắng xám, cuống lá kép màu nâu đỏ. Cụm hoa hình chùm kép hoặc chùm tán mọc ở ngọn; cuống có lông màu gỉ sắt. Hoa màu đỏ nâu. Qủa hình trứng, hơi dẹt, có rãnh giữa, khi chín màu vàng đỏ, chứa một hạt, trên mặt hạt có lông ngắn.

Mùa hoa: tháng 1-2; mùa quả: tháng 3-4.

Ở Việt Nam, cây bách bệnh phân bố rải rác ở các tỉnh vùng núi thấp dưới 1000m và trung du. Các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung gặp nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc.

Bộ phận dùng:[sửa]

Toàn cây chủ yếu là rễ. Có thể thu hái rễ quanh năm, phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học:[sửa]

Trong vỏ và gỗ bách bệnh có các hợp chất quasinoid ( eurycomalacton, 6α-hydroxyeurycomalacton, longilacton…) các hợp chất tritecpen loại tirucalan (niloticin, dihydroniloticin, piscidinol A, bourjotinolon A, episapelin A, melianon và hyspidason) và các alcaloid loại canthin-6-on (9,10-dimethoxycanthin-6-on; 10 hydroxy-9 methexy-canthin-6-on…)

Từ rễ đã phân lập được 3 quasinoid: eurycomanol, eurycomanol-2-o-β-D-glucopyranosid và 13β, 18-dihydro eurycomanol

Từ vỏ cây Bách bệnh ở miền Đông Nam Bộ đã xác định được 2 chất đắng là eurycomalacton và 2,6-dimetoxybenzoquinon,

Ngoài ra, còn compesterol, β-sitosterol, hydroxy aceton.

Tác dụng và sử dụng[sửa]

Theo y học cổ truyền Bách bệnh có vị đắng, tính ôn, quy kinh thận, tỳ, vị. Dùng chữa khí huyết lương hư, cơ thể yếu mệt, thiếu máu, ăn uống kém, khó tiêu, các bệnh tả, lỵ, các trường hợp sinh dục yếu, dương suy, táo tiết. Ngoài ra, còn dùng chữa cảm mạo, phát sốt, sốt rét, giải độc rượu.

Ngày dùng 8g-16g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn hoặc ngâm rượu.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không được dùng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Y tế: Dược điển VN-V tập 2. NXB Y Học, 2017, tr.1067
  2. Đỗ Huy Bích và cộng sự: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I, NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 116.
  3. Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc VN, NXB Y học, 2012, trang 81.
  4. Từ điển Bách Khoa Dược học. NXB Từ Điển Bách Khoa, 1999, trang 55.
  5. Eurycoma Longifolia. Jul 22,2021, https://www.drugs.com/npp/eurycoma-longifolia.html.