Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Aung San
Aung_San

Aung San (1915 - 1947) là nhà quân sự, chính khách, lãnh tụ phong trào giải phóng dân tộc Miến Điện.

Aung San sinh ngày 13.2.1915 trong một gia đình trung lưu tại Natmauk (nay là thị trấn Natmauk, huyện Magway, Vùng Magway, Miến Điện). Năm 1932, ông học luật tại Đại học Rangoon, tham gia Hội sinh viên Đại học Rangoon (RUSU). Tháng 4.1937, ông tham gia thành lập và trở thành Thư ký của Hội sinh viên toàn Miến (ABSU). Năm 1938, ông trở thành Chủ tịch của cả RUSU và ABSU. Ông cũng trở thành ủy viên Ủy ban sửa đổi Luật đại học.

Tháng 10.1938, ông tham gia Hiệp hội chúng tôi những người Miến Điện (DAA), tổ chức được thành lập vào năm 1930 với mục tiêu thúc đẩy quyền bình đẳng cho người Miến. Năm 1939, Aung San trở thành Tổng Thư ký của DAA, đồng thời từ chức chủ tịch ABSU. Từ tháng 8.1938 đến tháng 7.1939, Aung San cùng các đồng chí của mình lãnh đạo các lực lượng công nhân, nông dân, sinh viên và sư sãi làm cuộc Cách mạng 1300 chống lại sự thống trị của thực dân Anh. Ngày 18.1.1939, DAA công khai ý định lật đổ chính quyền thực dân Anh bằng vũ trang. Trong quá trình tham gia lãnh đạo phong trào sinh viên và Cách mạng 1300, Aung San cùng những người theo đường lối cánh tả đã tiếp nhận và tuyên truyền chủ nghĩa Mác thông qua sách báo. Ngày 19.8.1939, Aung San được bầu làm Bí thư thứ nhất chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Miến Điện.

Khi Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, DAA và Đảng Nông dân do Tiến sĩ Ba Maw lãnh đạo đã thống nhất thành lập Khối Tự do (Freedom Bloc), bầu Ba Maw làm Chủ tịch và Aung San là Tổng Thư ký. Aung San cũng tham gia Đảng Cách mạng Miến Điện (BRP), còn gọi là Đảng Cách mạng Nhân dân (PRP) một cơ sở bí mật của DAA do Thakin Mya lãnh đạo.

Đầu năm 1940, Aung San tuyên bố đã đến lúc phải chống lại thực dân Anh, giành độc lập cho Miến Điện. Tháng 6.1940, Aung San rút vào hoạt động bí mật và bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài để chống lại chính quyền thực dân. Từ tháng 8.1940 đến tháng 12.1941, với sự giúp đỡ của người Nhật, Aung San xây dựng lực lượng, chủ trương phối hợp với quân Nhật đánh đuổi thực dân Anh. Sau nhiều lần Nhật Bản trì hoãn trao trả độc lập cho Miến Điện, tháng 9.1944, Aung San thành lập Tổ chức chống phát xít (AFO), tiền thân của Liên minh Tự do nhân dân chống phát xít (AFPFL) để giành độc lập từ tay quân phiệt Nhật.

Với việc nêu cao khẩu hiệu vũ trang chống quân phiệt Nhật và thành lập chính phủ nhân dân, AFO nhanh chóng thống nhất được hầu hết các lực lượng yêu nước ở Miến Điện. Aung San một mặt chỉ đạo các hoạt động vũ trang chống Nhật, mặt khác tìm cách đưa Quân đội quốc gia Miến Điện (BNA) tham gia vào lực lượng của Anh ở Miến Điện. Sau quá trình đàm phán giữa Aung San và đại diện của Anh ở Miến Điện, tháng 5.1945, Anh chính thức công nhận BNA là một phần của lực lượng Đồng minh.

Ngày 25.9.1945, ông chính thức rút khỏi vị trí lãnh đạo trong quân đội chính phủ, cùng Thang Tun và U Ba Pe thành Bộ ba anh cả lãnh đạo AFPFL đấu tranh giành độc lập hoàn toàn cho Miến Điện bằng con đường hòa bình nhưng không loại trừ giải pháp bạo lực. Tháng 12.1945, ông thành lập và chỉ huy Tổ chức tình nguyện nhân dân (PVO) chống quân phiệt Nhật. Tại Đại hội AFPFL toàn Miến diễn ra từ ngày 17 đến ngày 23.1.1946, Aung San được bầu làm Chủ tịch AFPFL.

Vai trò ngày càng lớn của Aung San trong các phong trào chống thực dân buộc chính quyền thực dân Anh đồng ý đàm phán trực tiếp với ông về tương lai của Miến Điện. Ngày 27.1.1947, tại thủ đô London của Anh, Aung San và Thủ tướng Anh Clement Attlee đã ký Hiệp ước Aung San-Attlee. Hiệp ước quy định Miến Điện có thể giành độc lập hoàn toàn nhưng không xác định rõ thời điểm cụ thể. Trong thời kỳ quá độ, Miến Điện vẫn nằm dưới sự cai quản của thực dân Anh. Việc bầu cử quốc hội lập hiến sẽ được tổ chức vào tháng 4.1947. Ngoài việc tự chủ về tài chính, vấn đề đối ngoại và quốc phòng đều do chính quyền Anh quyết định. Những điều khoản bất bình đẳng của Hiệp ước Aungsan - Attlee đã thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân và những người cộng sản Miến Điện. Trước phong trào đấu tranh của quần chúng, Aung San yêu cầu thực dân Anh trả độc lập cho Miến Điện trong vòng một năm. Ngày 12.2.1947, Aung San đại diện cho chính phủ chuyển tiếp Miến Điện cùng đại diện lãnh đạo của các sắc tộc Shan, Kachin và Chin đã ký Hiệp định Panglong, đặt nền tảng quan trọng cho sự ra đời của Liên bang Miến Điện.

Tháng 4.1947, Miến Điện tiến hành cuộc bầu cử quốc hội lập hiến và thành lập Chính phủ lâm thời do Aung San đứng đầu. Ngày 10.6.1947, quốc hội lập hiến khai mạc phiên họp đầu tiên, thông qua dự thảo Hiến pháp và tuyên bố Miến Điện phải trở thành một nước cộng hòa độc lập, tách khỏi khối Liên hiệp Anh. Sau Hội nghị lập hiến, Chính phủ lâm thời đã tiến hành đàm phán với chính quyền Anh về việc chuyển giao chính quyền nhưng không có kết quả. Ngày 19.7.1947, Aung San và sáu bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời đã bị các phần tử đối lập ám sát. Cái chết của Aung San và sáu bộ trưởng làm dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân Miến Điện. Từ Rangoon, phong trào lan rộng khắp cả nước. Trước sức ép đấu tranh của quần chúng nhân dân Miến Điện, thực dân Anh phải tiến hành đàm phán về việc chuyển giao chính quyền cho Chính phủ lâm thời, đứng đầu là U Nu, người sau này trở thành Thủ tướng đầu tiên của Miến Điện độc lập.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018.
  2. Angelene Naw, Aung San and the Struggle for Burmese Independence, Silworm Books, Chiang Mai, 2001.
  3. Britannica, Aung San, https://www.britannica.com/biography/Aung-San
  4. Michael Aung-Thwin and Maitrii Aung-Thwin, A History of Myanmar since Ancient Times: Traditions and Transformations, Reaktion Books, London, 2012.