Mục từ này cần được bình duyệt
Aspirin

Aspirin (tên khoa học là acid acetylsalicylic) là thuốc chống viêm, giảm đau và hạ sốt kinh điển. Aspirin là tên thương mại dùng khi thuốc này được giới thiệu lần đầu tiên ở Châu Âu vào năm 1899.

Tác dụng[sửa]

Aspirin thuộc nhóm thuốc hạ sốt – giảm đau – chống viêm (viết tắt theo tiếng Anh là NSAID). Tác dụng của thuốc là do ức chế việc tạo ra các chất trung gian hóa học prostaglandin, chất gây sốt - viêm và đau. Đây là cơ chế chung cho cả nhóm thuốc. Tuy nhiên tác dụng chống viêm cần ở liều cao, gây nhiều tác dụng không mong muốn nên ngày nay được thay thế bằng các thuốc chống viêm khác cùng nhóm an toàn hiệu quả hơn. Aspirin hiện nay được chỉ định để chống kết tập tiểu cầu, tránh đông máu nhằm giảm nguy cơ đột quỵ. Tác dụng này chỉ cần mức liều thấp hơn nhiều so với mức liều để chống viêm nên ít tác dụng phụ hơn.

Thuốc thường dùng ở dạng uống.

Liều lượng[sửa]

  • Đối với người lớn:
    • Giảm đau, hạ sốt: Liều thông thường để giảm đau hoặc giảm sốt là 1-2 viên x 325 mg/viên mỗi 3-4 giờ, có thể lên đến 6 lần mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
    • Phòng nguy cơ đột quỵ: 1 viên từ 81- 325 mg/1 ngày/1lần, hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
    • Đau thắt ngực: Aspirin có thể được sử dụng như là thuốc hàng đầu cho cơn đau thắt ngực. Bệnh nhân nên nhai một viên thuốc aspirin (loại viên không bao), vì nhai làm cho cơ thể hấp thụ thuốc nhanh hơn, đồng thời phải phối hợp với chăm sóc cấp cứu thích hợp.
Bệnh nhân nên hỏi bác sĩ của mình về liều lượng thích hợp và số lần nên dùng aspirin để giảm nguy cơ bị đau thắt ngực. Liều thông thường nhất là một viên thuốc aspirin duy nhất dùng hàng ngày. Aspirin viên bao tan ở ruột thường được sử dụng vì nó làm giảm nguy cơ kích ứng dạ dày.
  • Đối với trẻ em: chỉ định rất hạn chế vì nguy cơ gây hội chứng Reye

Thận trọng[sửa]

Không nên sử dụng aspirin để điều trị cho trẻ em khi có các triệu chứng giống cúm hoặc thủy đậu. Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gan. Tỉ lệ trẻ em mắc hội chứng Reye có thể tử vong là 30%. Những người sống sót có thể bị tổn thương não vĩnh viễn.

Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi đối với bệnh viêm khớp, thấp khớp hoặc bất kỳ tình trạng bệnh nào đòi hỏi phải sử dụng thuốc lâu dài.

Không nên uống aspirin trong hơn 10 ngày liên tiếp trừ khi bác sĩ yêu cầu. Không nên dùng aspirin trong hơn ba ngày nếu không có lời khuyên của bác sĩ. Ngoài ra, không nên uống nhiều hơn liều lượng được đề nghị hàng ngày.

Những đối tượng sau nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng aspirin:

  • Phụ nữ mang thai - aspirin có thể gây ra những vấn đề về chảy máu ở cả mẹ và thai nhi đang phát triển. Aspirin cũng có thể làm giảm trọng lượng trẻ sơ sinh khi sinh.
  • Phụ nữ đang cho con bú- aspirin có thể tiết vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến em bé.
  • Không dùng aspirin cho người có tiền sử chảy máu hoặc các rối loạn về đông máu.
  • Người đang sử dụng thuốc chống đông máu như warfarin.
  • Người mới phẫu thuật vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu từ vết thương.
  • Những người có tiền sử loét dạ dày.
  • Người có tiền sử bệnh hen, polyp mũi, hoặc cả hai; bệnh nhân có những rối loạn này có nhiều khả năng bị dị ứng với aspirin.
  • Những người bị dị ứng với fenoprofen, ibuprofen, indomethacin, ketoprofen, meclofenamat natri, naproxen, sulindac, tolmetin, hoặc màu thực phẩm màu cam được gọi là tartrazine; họ cũng có thể bị dị ứng với aspirin.
  • Những người bị AIDS hoặc phức hợp liên quan đến HIV / AIDS đang dùng zidovudine (AZT) -aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở những bệnh nhân này.
  • Người dùng bất kỳ thuốc nào được biết là tương tác với aspirin.
  • Những người bị tổn thương gan hoặc suy thận nặng.

Aspirin không nên dùng trước khi phẫu thuật hoặc một số thủ thuật nha khoa, vì nó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Những người dự kiến phẫu thuật nên kiểm tra với bác sĩ phẫu thuật của họ để biết khi nào họ nên ngưng dùng aspirin. Aspirin có thể gây kích ứng dạ dày. Uống aspirin với thức ăn hoặc sữa, hoặc uống một ly nước to (~200ml) có thể giảm kích ứng niêm mạc dạ dày. Một số bệnh nhân thấy rằng sử dụng aspirin viên bao hoặc pH8 sẽ làm giảm nguy cơ kích ứng dạ dày. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng bất kỳ loại aspirin nào nếu dùng cùng với đồ uống có cồn đều có thể làm cho kích thích dạ dày tồi tệ hơn.

Bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: cảm giác ù tai, mất thính lực, chóng mặt, đau dạ dày kéo dài, nên ngừng dùng aspirin ngay và gặp bác sỹ để được tư vấn.

Không sử dụng thuốc khi quá hạn sử dụng.

Tác dụng không mong muốn[sửa]

Tác dụng phụ thường gặp nhất của aspirin bao gồm đau bụng, ợ nóng, ăn không ngon, và có thể gặp một lượng máu nhỏ trong phân. Các phản ứng phụ ít gặp hơn là phát ban, sốt, các vấn đề về mắt, tổn thương gan, khát, loét dạ dày và chảy máu. Những người bị hen, viêm mũi, polyps trong mũi, hoặc dị ứng với aspirin có thể gặp khó thở sau khi dùng thuốc.

Tương tác thuốc[sửa]

Aspirin có thể làm tăng, giảm, hoặc thay đổi tác dụng của nhiều loại thuốc.

Aspirin có thể làm tăng độc tính của các thuốc như methotrexate (Rheumatrex) và valproic acid (Depakote, Depakene). Khi dung đồng thời cùng với thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin) và dicumarol, aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Aspirin làm giảm các tác dụng của một số thuốc khác, bao gồm thuốc ức chế chuyển hóa angiotensin (ACE) và thuốc chẹn beta, làm giảm huyết áp và các loại thuốc dùng để điều trị bệnh gút (probenecid và sulfinpyrazone). Huyết áp có thể giảm bất ngờ và có thể gây ngất hoặc chóng mặt nếu dùng aspirin cùng với nitroglycerin. Aspirin cũng có thể tương tác với thuốc lợi tiểu, thuốc tiểu đường, các thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID), và các corticoid. Bệnh nhân đang dùng các loại thuốc này cũng nên hỏi ý kiến bác sỹ về các tương tác thuốc có thể gặp.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Jeffreys, Diarmuid. Aspirin: The Remarkable Story of a Wonder Drug. New York: Bloomsbury, 2004.
  2. Petricevic, Mate, et al. ‘‘Preoperative Aspirin Use and Outcomes in Cardiac Surgery Patients: A Role of Platelet Function Assessment.’’ Annals of Surgery 258, no. 1 (May 7, 2013): e4–5. http://dx.doi.org/10.1097/ SLA.0b013e318295022a (accessed August 13, 2013).
  3. American Society of Health-System Pharmacists. ‘‘Aspirin.’’ AHFS Consumer Medication Information. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682878.html (accessed August 13, 2013).
  4. ‘‘Aspirin.’’ Drugs.com. http://www.drugs.com/aspirin.html (accessed August 13, 2013).
  5. Harvard Medical School. ‘‘Aspirin for Heart Attack: Chew or Swallow?’’ Family Health Guide. http://www.health.harvard.edu/fhg/updates/update0505a.shtml (accessed August 13, 2013).
  6. Hoffman, Lucas. ‘‘Aspirin 101.’’ Discovery Fit & Health.http://health.howstuffworks.com/medicine/medication/aspirin.htm (accessed August 13, 2013).