Mục từ này cần được bình duyệt
Ashoka

(?- 232 TCN)

Hoàng đế vĩ đại nhất của Ấn Độ thời cổ đại, trị vì vương triều Maurya từ năm 273 đến năm 232 TCN.

Ashoka là cháu của vua Chandra Gupta – người sáng lập vương triều Maurya và là con trai vua Bindusara. Dưới thời vua Ashoka, lãnh thổ miền Bắc và Trung Ấn Độ lần đầu tiên được thống nhất lại thành một quốc gia rộng lớn, nền kinh tế phát triển mạnh, tình hình chính trị - xã hội ổn định, văn hóa đạt được nhiều thành tựu.

Để củng cố và mở rộng lãnh thổ của vương quốc, vua Ashoka đã cho quân đánh chiếm Kalinga. Trong cuộc chiến này, hàng vạn người đã bị giết hoặc bị bắt. Cảnh tang thương của chiến tranh đã khiến ông rất hối hận. Từ đó, ông tuyên bố từ bỏ các cuộc chinh phạt bằng vũ trang, tự nguyện trở thành một Phật tử, một vị hoàng đế của hòa bình.

Đi theo giáo lý Phật giáo, Ashoka tuyên bố trong nhiều chiếu chỉ rằng ông hiểu Dharma của Phật giáo là việc thực hành tôn giáo với sự trung thực, từ bi, bất bạo động với tất cả mọi người và cả động vật. Vì thế, từ đó về sau, các chính sách cai trị đất nước của Ashoka chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng và triết lý tốt đẹp đó của Phật giáo.

Về đối nội, Ashoka thi hành nhiều chính sách tiến bộ như giảm bớt nhà ngục, bỏ cực hình, mở nhiều bệnh xá, nhà an dưỡng phục vụ người già và phụ nữ, làm đường có trồng cây bóng mát, đào giếng, giúp nâng cao đời sống của nhân dân. Ông chủ trương thuyết phục và khuyến khích dân chúng hơn là ép buộc và sử dụng luật pháp. Luật lệ và lệnh cấm chỉ đem ra thực thi trong một số trường hợp không thể giải quyết được bằng sự tự nguyện.

Về đối ngoại, nhà vua đã thực hiện chính sách giao hảo với các nước láng giềng, cử các sứ thần đặt quan hệ ngoại giao với nhiều nước như Syri, Ai Cập, Macedonia và tiếp tục duy trì quan hệ thân hữu với vương triều Seleukos ở Iran, quan tâm khuyến khích việc giao thương giữa Ấn Độ với các nước ngoài, mở mang đường sá, bến cảng.

Ashoka đã thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do cho mọi tôn giáo, cho phép tín đồ các tôn giáo được hoàn toàn sống theo các nguyên tắc và đức tin của riêng họ, đồng thời đề cao Phật giáo, tôn làm quốc giáo và khuyến khích văn hóa Phật giáo phát triển.

Để đưa Phật giáo trở thành tôn giáo lớn và phổ biến, vua Ashoka đã cho dịch và chú giải rất nhiều kinh Phật, xây dựng nhiều chùa và tu viện. Các tháp Phật (Stupa) cũng được xây dựng nhiều nhất trong thời kỳ này. Trong thời kỳ cai trị của mình, vua Ashoka đã ban hành nhiều chiếu chỉ và những chiếu chỉ này đã được khắc trên các văn bia, sau được gọi là các văn khắc Ashoka. Trong đó, nổi tiếng nhất là văn khắc trên cột đá ở Sarnat và cụm tháp Phật ở Sanchi. Ashoka cũng là người đứng ra bảo trợ cho Cuộc kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 vào khoảng giữa thế kỷ IV TCN tại thành phố Pataliputra và chính thức đưa Phật giáo trở thành quốc giáo. Phật giáo đã lấn lướt đạo Bàlamôn và được truyền bá ra bên ngoài biên giới Ấn Độ. Biên niên sử Mahavamsa của Sri Lanka có ghi chép về việc Ashoka đã gửi con trai và con gái mình đến Sri Lanka để truyền giáo và trợ giúp cho sự phát triển của Phật giáo tại đây. Có thể nói rằng, Phật giáo từ một giáo phái nhỏ ở các địa phương đã lan rộng khắp Ấn Độ và sau đó vượt ra ngoài biên giới của đất nước này dưới sự bảo trợ của hoàng đế Ashoka.

Sau khi vua Ashoka qua đời, vương triều Maurya đã nhanh chóng suy vong và sụp đổ, Ấn Độ rơi vào tình trạng chia cắt kéo dài. Với những cống hiến của Ashoka đối với lịch sử Ấn Độ nói chung, Phật giáo Ấn Độ nói riêng, ông được đánh giá là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất thời cổ đại, được người Ấn Độ tôn vinh là “Ashoka Đại đế”.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thừa Hỷ, Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, Nxb.Văn hóa, Hà Nội, 1986.

2. Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.

3. Romila Thapar, A History of India, volume one, Penguin Books, 1984.

4. Romila Thapar, The Penguin history of early India from origins to AD 1300, Penguin Books. 2002.