Anna Freud (1895 - 1982) là một Nhà phân tâm học người Áo, nhà tâm lý học nổi tiếng và tiên phong trong lĩnh vực Phân tâm học trẻ em, con gái của nhà phân tâm học Sigmund Freud.
Anna Freud sinh ngày 3 tháng 12 năm 1895 và mất ngày 9 tháng 10 năm 1982 là một nhà phân tâm học người gốc Áo - Do Thái. Anna sinh ra ở Vienna, là con thứ sáu và là con út của Sigmund Freud và Martha Bernays. Cô đi theo con đường của cha mình và đóng góp vào lĩnh vực Phân tâm học. Cùng với Melanie Klein, Anna Freud có thể được coi là người sáng lập ra Phân tâm học trẻ em.
So với cha mình - Sigmund Freud, nghiên cứu của Anna Freud nhấn mạnh tầm quan trọng của cái tôi và “các con đường phát triển” bình thường của cái tôi. Anna Freud kết hợp và nhấn mạnh đặc biệt vào việc kết hợp giữa phân tích và quan sát nhiều bối cảnh.
Anna đã được giáo dục tại các trường tư thục ở Vienna và ở tuổi 19 bắt đầu đi học hai năm để trở thành một giáo viên. Anna trở thành người bạn đồng hành suốt đời của cha và của sinh viên. Khi 23 tuổi tuổi, Anna đã chuyển sang nghiên cứu Phân tâm học với cha với tư cách là nhà phân tích. Anna Freud quan tâm đến trẻ em và phát triển của trẻ. Bị ảnh hưởng bởi lý thuyết Phân tâm học của cha, Anna tin rằng trẻ em trải qua một loạt các các giai đoạn phát triển tâm lý bình thường. Anna có niềm tin mạnh mẽ rằng, để làm việc với trẻ em các nhà phân tích cần hiểu rõ về các giai đoạn này. Anna cho rằng những kiến thức tốt nhất mà nhà phân tích có được là thông qua sự quan sát trực tiếp trẻ em.
Cùng với Dorothy Burlingham, Anna Freud thành lập một trường mẫu giáo cho trẻ em nghèo ở Vienna và trở thành nhà lãnh đạo quốc tế trong việc điều trị cho trẻ em các bệnh tâm thần. Anna Freud chuyển sự chú ý sang nghiên cứu về bản ngã, đặc biệt là ở tuổi vị thành niên. Từ năm 1925 đến năm 1934, Anna Freud là Thư ký của Hiệp hội Phân tâm Quốc tế. Trong thời gian đó, Anna Freud tiếp tục phân tích trẻ em và đóng góp cho các cuộc hội thảo và hội nghị về chủ đề này. Năm 1935, Anna Freud trở thành giám đốc của Viện Đào tạo phân tích Tâm lý Vienna và năm sau đó, bà công bố nghiên cứu có ảnh hưởng lớn của mình về “Những cách thức và phương tiện giúp cái tôi xua đuổi trầm cảm, bất mãn và lo lắng”, bản ngã và cơ chế phòng vệ. Các nghiên cứu này đã trở thành một trong những công trình sáng lập Tâm lý học cái tôi và xác lập danh tiếng của Anna Freud như một nhà lý thuyết tiên phong. Anna đã xuất bản cuốn sách Bản ngã và cơ chế phòng vệ (The Ego and the Mechanisms of Defense, 1936) để vinh danh sinh nhật lần thứ 80 của cha cô. Cuốn sách đã trở thành một chuyên khảo kinh điển về tâm lý bản ngã và cơ chế phòng vệ.
Sau khi Đức Quốc xã nắm quyền kiểm soát ở Áo vào năm 1938, Anna và gia đình di cư đến London, Anh - nơi Sigmund Freud chết một năm sau đó. Năm 1947, Anna Freud và Burlingham thành lập Khóa học trị liệu trẻ em Hampstead và Phòng khám ở London, nơi cung cấp cơ hội đào tạo dành cho những người quan tâm đến tâm lý và sự phát triển tình cảm của trẻ em.
Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, Anna Freud thường xuyên đến Hoa Kỳ để thuyết trình, giảng dạy. Trong những năm 1970, bà quan tâm đến các vấn đề của trẻ em thiếu thốn tình cảm và thiệt thòi về mặt xã hội và bà đã nghiên cứu về sự lệch lạc và chậm phát triển. Tại Trường Luật Yale, bà tổ chức các cuộc hội thảo về tội phạm và gia đình. Điều này dẫn đến sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương với Joseph Goldstein và Albert J. Solnit về nhu cầu của trẻ em và luật pháp. Nghiên cứu này được xuất bản thành ba tập với tựa đề Beyond the Best Interests of the Child (1973), Before the Best Interests of the Child (1979) và In the Best Interests of the Child (1986).
Các nhà phân tâm học, nhà tâm lý học trẻ em và giáo viên trên toàn thế giới tìm kiếm cơ hội để nghe những bài giảng của Anna Freud và hưởng lợi từ những hiểu biết sâu sắc mà bà đã tích lũy được trong suốt cuộc đời làm việc với trẻ em. Trong thập kỷ 1970, bà quan tâm đến các vấn đề của trẻ em thiếu thốn tình cảm và thiệt thòi về mặt xã hội và bà đã nghiên cứu về sự lệch lạc và chậm phát triển của trẻ em. Anna Freud qua đời tại London vào ngày 9 tháng 10 năm 1982. Anna Freud được bầu làm thành viên nước ngoài danh dự của Học viện Mỹ thuật và Khoa học Hoa Kỳ (American Academy of Arts and Sciences) năm 1959 và năm 1973 Anna Freud trở thành Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Phân tâm học quốc tế (International Psychoanalytic Association).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
- Coles, Robert, Anna Freud: The Dream of Psychoanalysis, Reading, MA: Addison-Wesley Publishing Company, Inc., 1992.
- Shapiro, Michael, The Jewish 100: A Ranking of the Most Influential Jews of All Time, pp. 276. Young-Bruehl 2008, 2000, pp. 460 - 61.
- Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
- Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
- Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
- W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.
- Young-Bruehl, Elisabeth, Anna Freud: A Biography, London: Yale University Press, ISBN 978-0-300-14023-1, 2008, pp. 23 - 29. .