(TBN. Cordillera de los Andes)
dãy núi đồ sộ, dài nhất trên thế giới (9 nghìn km - Ronald Young, 2005), với đỉnh Aconcagua (Achentina) cao nhất ở Tây Bán cầu (6960m). Dãy núi này chạy dài từ bờ biển Caribê, bờ phía tây của lục địa Nam Mỹ đến tận mỏm lục địa phía nam, tạo nên “xương sống” của Nam Mỹ. Tên gọi Andes có khả năng bắt nguồn từ tiếng Kêtsoa (Quechua) hay tiếng Aymara, hai ngôn ngữ bản địa chính của Nam Mỹ, có nghĩa là “núi đồng”. Người Quechua và Aymara sinh sống chủ yếu ở các nước Peru, Bolivia và Chile.
Theo thuyết kiến tạo mảng, mảng lục địa Nam Mỹ và mảng đại dương Nazca xô vào nhau trong Kỷ Đệ tứ đã làm cho núi Andes trẻ lại, tạo nên các đỉnh núi cao và các sườn dốc đứng. Các hoạt động kiến tạo vẫn tiếp tục và vì thế, động đất rất phổ biến và thường có các đợt phun trào núi lửa. Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, tính ra ở đây có 50 núi lửa lớn đang hoạt động, 30 núi lửa đã tắt và hàng trăm cấu trúc núi lửa nhỏ.
Dãy Andes bao gồm nhiều mạch núi chạy theo chiều kinh tuyến, như Coocđie Tây, Coocđie Trung tâm, Coocđie Đông và Coocđie Duyên hải, xen giữa là các cao nguyên và bồn địa. Nếu căn cứ vào tổng thể đặc điểm tự nhiên, người ta lại chia ra Andes Bắc, Andes Peru, Andes Trung tâm và Andes Nam. Mạch núi Andes Caribê thuộc về Andes Bắc, và chạy theo chiều vĩ tuyến.
Dãy Andes chạy qua 6 đới khí hậu (xích đạo, cận xích đạo bắc bán cầu và nam bán cầu, nhiệt đới nam bán cầu, cận nhiệt đới nam bán cầu và ôn đới). Phần lớn Andes nằm trong vùng nội chí tuyến. Ở đây, thiên nhiên phân hóa rất rõ dưới ảnh hưởng của độ cao địa hình, hướng sườn đón gió (sườn tây) và khuất gió (sườn đông). Thủ đô Kitô (Quito) của Ecuađo nằm ở độ cao 2.850m, nhiệt độ trung bình năm là 12,5oC, trong khi Guayakin (Guayaquil), thành phố lớn thứ hai của Ecuađo, nằm gần như trên cùng vĩ độ, nhưng ở ven biển, nhiệt độ trung bình năm là 25,6oC. Cùng ở vùng nhiệt đới, nhưng tùy theo độ cao mà người ta chia ra các xứ: dưới 300 ft (914m) là xứ nóng (tierra caliente), từ 3.000 đến 6.000ft (914m đến 1.829m) là xứ ôn hòa (tierra templada); từ 6.000 đến 12.000ft (1.829m đến 3.657m) là xứ lạnh (tierra fria), còn trên 12.000ft (3.657m) gọi là xứ băng giá (tierra helada).
Andes có nhiều vùng khô hạn, trong đó hoang mạc Atacama khô hạn bậc nhất thế giới, do ảnh hưởng của hải lưu lạnh chạy sát bờ tây Nam Mỹ. Sườn phía tây chỉ có sông suối ngắn, còn sườn phía đông là thượng nguồn của nhiều hệ thống sông lớn như Amazon và Orinoco, Paraguay, Parana và các sông Patagonia. Trên vùng núi Trung tâm có các hồ lớn như hồ Titicaca, có các sông đổ vào hồ. Ở Andes Nam, đặc biệt ở vùng Patagonia, có nhiều hồ nguồn gốc băng hà.
Lớp phủ thổ nhưỡng-thực vật rất đa dạng và có tính đai cao rất rõ. Trên Andes Caribê có rừng lá rụng mọc trên đất đỏ trên núi. Ở sườn đông của các mạch Andes nội chí tuyến phát triển rừng nhiệt đới ẩm trên núi, trên các loại đất feralit. Còn ở sườn tây là hoang mạc Tamarugal và Atacama. Ở vùng núi Andes cận nhiệt thuộc Chile, phổ biến là rừng khô và cây bụi thường xanh trên đất nâu đỏ, còn ở phía nam vĩ tuyến 38oN là rừng ẩm thường xanh và rừng hỗn giao trên đất nâu, còn xa hơn về phía nam là đất potzon hóa. Trên các cao nguyên cao đặc trưng là các loại thực bì núi cao: ở phía bắc là đồng cỏ xích đạo (páramos), ở Andes Peru và ở Đông Bắc Puna (tên gọi khu vực Andes trải rộng nhất bao quát Bolivia, Peru, phần bắc Chilê và Achentina) là thảo nguyên khô của cây hòa thảo. Andes là quê hương của khoai tây, ký ninh, coca và nhiều loài thực vật quý khác.
Khu hệ động vật Andes tương tự như của các đồng bằng liền kề, trong đó có một số loài bản địa như gấu Andes, lama (lạc đà không bướu Nam Mỹ), chó Magellanic, cáo azar, hươu pudu, thú có túi Chilê,... Có rất nhiều loài chim. Có thể việc đưa vào hệ sinh thái Andes nhiều ngựa, cừu và dê đã góp phần thúc đẩy hoang mạc hóa các cảnh quan Andes.
Vùng núi Andes là một trong những vùng công nghiệp khai khoáng quan trọng của thế giới với các mỏ vàng, bạc, đồng, thiếc, platin, đá quý emerald (ngọc lục bảo). Ở sườn đông Andes có các mỏ dầu quan trọng.
Do điều kiện địa hình hiểm trở, vùng núi Andes khá thưa dân và việc định cư khá khó khăn, nhưng những người chăn cừu ở Peru lập làng ở độ cao đến gần 5.200m, còn những người thợ mỏ làm việc ở độ cao hơn 5.700m. Trên vùng núi Andes có một số thành phố lớn của Nam Mỹ như Santiago (Chile), Lima (Peru), Quito (Ecuador), and Bogotá (Colombia).
Vùng Andes đã từng có các nền văn minh cổ: nhà nước Tiahunaco (Tiwanaku) bên hồ Titicaca (Bolivia), nhà nước Huari nằm gần thành phố Ayacucho (Peru) ngày nay.
Tài liệu tham khảo
1. Ronald Young, Andes, in Encyclopedia of World Geography, R.W. Mccoll (general editor), Facts On File, Inc., New York, 2005, pp.34-36.
2. А́нды, в Географический Энциклопедический Словарь: Географические Названия, изд-во второе дополненное, М., «Советская Энциклопедия», 1989.
3. М. П. Жидков; А. А. Зарщиков, А́нды, Большая российская Энциклопедия online, https://bigenc.ru/geography/text/1823353
4. Южная Америка, в Физическая География Материков И Океанов, Том 1., Книга 2, Под редакцией профессора Э. П. Романовой, Москва, Издательский центр «Академия» 2014, стр. 116-228.