Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
An toàn khu Chiêm Hoá

An toàn khu Chiêm Hoá là an toàn khu Trung ương của cách mạng Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp, xây dựng năm 1947 tại huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), trong Chiến khu Việt Bắc.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ ở lại Việt Bắc xây dựng hậu phương, căn cứ địa cách mạng. Tháng 10.1946, trước nguy cơ chiến tranh lan rộng ra cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc chọn một số địa bàn để xây dựng khu an toàn của Trung ương, trong đó có huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang).

Chiêm Hóa là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, có diện tích 127.822,3 ha; phía đông, đông bắc giáp huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) và huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang); phía tây bắc giáp huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang); phía tây nam giáp huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang); phía nam giáp huyện Yên Sơn, phía bắc giáp huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông ngòi và nhiều dãy núi lớn. Phía đông có đỉnh cao nhất là núi Khau Bươn (thuộc địa phận xã Kiên Đài, độ cao 957m), phía Tây có đỉnh cao nhất là núi Cham Chu (thuộc địa phận xã Tân An, Hà Lang, Trung Hà, độ cao 1.587 m) là ranh giới giữa huyện Chiêm Hóa, huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) và huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang). Sông, suối có độ dốc cao, đều đổ dồn về sông Gâm và sông Lô. Trong đó, sông Gâm chảy qua Chiêm Hoá với độ dài 40 km, là đường thuỷ duy nhất nối huyện với tỉnh lỵ Tuyên Quang và các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chiêm Hóa là một trong những địa phương sớm được giải phóng, các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng sớm ra đời và ngày càng được củng cố; nhân dân tin tưởng, gắn bó mật thiết với Đảng và cách mạng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, được Trung ương chọn làm nơi xây dựng an toàn khu của cuộc kháng chiến.

Từ năm 1947, An toàn khu Chiêm Hoá được xây dựng trên địa bàn các xã Phúc Thịnh, Hòa Phú, Yên Nguyên, Phú Bình, Xuân Quang, Kiên Đài, Vinh Quang, Kim Bình, Bình Nhân và Linh Phú thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Sau khi được xây dựng, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội gấp rút di chuyển lên Chiêm Hóa để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Tại An toàn khu Chiêm Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đề ra đường lối, Chỉ thị “kháng chiến, kiến quốc”; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền dân chủ cộng hòa, xây dựng chế độ mới trên mọi lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, tuyên truyền...

Từ 11-19.2.1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ 2, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang), đề ra đường lối xác định nhiệm vụ hoàn thành giải phóng dân tộc, mở rộng dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội; quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, do Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng; hoàn thiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc” đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi đến thắng lợi.

Trải qua các thời kỳ của cuộc kháng chiến chống Pháp, An toàn khu Chiêm Hoá giữ vai trò quan trọng, là trung tâm lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh...; nơi làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Quốc gia Giáo dục...; nơi đóng quân của Kho Lưu trữ thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng..., cùng nhiều cơ sở sản xuất, xưởng quân giới, các trường đại học khác. Từ An toàn khu Chiêm Hoá, nhiều sắc lệnh, chỉ thị quan trọng được ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc; chỉ đạo kịp thời về mọi mặt cho hoạt động của các khu, các tỉnh, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc đến ngày thắng lợi. Nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến như: Đại hội Toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (03.3.1951), Đại hội Liên minh Việt - Miên - Lào (11.3.1951) ...

Với những đóng góp quan trọng, An toàn khu Chiêm Hoá nói riêng và căn cứ địa Việt Bắc nói chung được coi là “Thủ đô kháng chiến”. Trong suốt 9 năm của cuộc kháng chiến chống Pháp, An toàn khu Chiêm Hoá đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội..., tích cực chi viện sức người, sức của cho mặt trận, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Ngày 10.05.2012 An toàn khu Chiêm Hoá được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (QĐ số 548/QĐ-TTg). Ngày 31.12.2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2287/QĐ-TTg công nhận 10 xã thuộc huyện Chiêm Hóa là các xã an toàn khu; công nhận huyện Chiêm Hóa là vùng an toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. (1.011 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tuyên Quang – Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954 (Sơ thảo), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang xuất bản, 1994.
  2. Báo cáo số 300/BC-SNV, ngày 21.8.2019, của Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang “Về kết quả lập, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu thuộc tỉnh Tuyên Quang”.
  3. Quyết định số 2287/QĐ-TTg, ngày 31.12.2019, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu thuộc tỉnh Tuyên Quang”.
  4. Công thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang:https://tuyenquang.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=16565&l=Tintuc&lv=103
  5. Cổng thông tin điện tử huyện Chiêm Hoá:

http://chiemhoa.gov.vn/gioi-thieu/gioi-thieu-chung.html http://chiemhoa.gov.vn/xa-hoi/ve-kien-dai-noi-chuan-bi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ii-cua-dang-802.html

  1. Báo Nhân dân điện tử:https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tu-hao-la-noi-sinh-thanh-bao-nhan-dan-638000/