Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
An toàn khu Định Hoá
Sơ đồ danh sách các di tích quốc gia đặc biệt ở Việt Nam
Một phần Khu di tích An toàn khu Định Hóa
Tháp chuông tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở ATK Định Hoá

An toàn khu Định Hoá là an toàn khu Trung ương của cách mạng Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được xây dựng đầu năm 1947 trên địa bàn các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Sơn Phú, Bình Thành, Trung Hội, Bảo Cường, Bình Yên, Phượng Tiến và thị trấn Chợ Chu thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, trong căn cứ địa Việt Bắc.

Tháng 10.1946, trước nguy cơ chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng trên phạm vi cả nước, đồng thời với các biện pháp đấu tranh về chính trị, quân sự và ngoại giao… nhằm có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chỉ đạo việc xây dựng, củng cố hậu phương và căn cứ địa cách mạng ở các địa phương cũng như cả nước. Đầu tháng 11.1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập đội công tác đặc biệt do Trần Đăng Ninh phụ trách, với nhiệm vụ nghiên cứu việc di chuyển và lựa chọn địa điểm để xây dựng an toàn khu ở Việt Bắc. Sau thời gian khảo sát, Đội công tác đã quyết định lựa chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng an toàn khu của cuộc kháng chiến, trong đó huyện Định Hóa được xây dựng thành an toàn khu Trung ương.

Định Hóa là vùng rừng núi hiểm trở ở phía tây bắc tỉnh Thái Nguyên, trung tâm của khu căn cứ địa Việt Bắc, nơi có vị trí chiến lược quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Diện tích tự nhiên khoảng 500 km2, phía bắc giáp huyện Chợ Đồn và Bạch Thông (Bắc Kạn), phía nam giáp huyện Đại Từ, phía đông giáp huyện Phú Lương và huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), phía tây giáp huyện Sơn Dương và Yên Sơn (Tuyên Quang). Phía bắc huyện là vùng núi cao, các dãy núi chạy theo hướng tây bắc - đông nam, độ dốc khá lớn. Đây là những dãy núi đá vôi - phần nối tiếp của cánh cung sông Gâm, chạy từ phía bắc qua trung tâm huyện và dừng lại ở phía tây nam xã Trung Hội. Phía nam huyện là vùng núi thấp, đồi cao. Đồi núi không chạy theo hướng nhất định và có độ dốc không lớn. Sông, suối nhiều, nhưng đều nhỏ, không thuận lợi về giao thông, việc đi lại chủ yếu bằng các đường mòn. Các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định và Định Biên - trung tâm của an toàn khu, có địa thế lợi hại: núi non hiểm trở, rừng cây rậm rạp; phía tây có dãy núi Hồng án ngữ, tạo thành bức tường thành kiên cố. Bắt nguồn từ dãy núi Hồng có hai dãy núi Khau Nhị và Khau Dạ chạy dài theo hình loa kèn, bọc lấy xã Phú Đình ở hai mặt bắc và nam, rồi tỏa ra ba xã Điềm Mặc, Thanh Định và Định Biên. Cả ba xã đều cách xa trục đường giao thông chính, việc đi lại giữa các xã đều bằng những đường mòn nhỏ hẹp, kín đáo. Địa bàn tập trung nhiều khe, suối chảy qua, thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất. Xen kẽ giữa các làng, các xã là những đồi cây thấp lúp xúp. Nhìn từ bên ngoài vào, toàn khu vực bốn xã như một rừng cây rậm rạp, khó có thể phát hiện được đường đi lối lại, nhà ở và các hoạt động bên trong, có điều kiện giữ bí mật, che giấu lực lượng và bảo đảm an toàn cho hoạt động của cơ quan đầu não kháng chiến, đồng thời dễ dàng liên lạc với các tỉnh trung du Bắc Bộ và thuận lợi khi tiếp xúc với quốc tế. Với địa thế đó, khu vực bốn xã được coi là mật khu, là nơi đặt đại bản doanh của các cơ quan đầu não kháng chiến.

Nhân dân các dân tộc Định Hóa có trình độ giác ngộ chính trị và cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Các cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng ra đời trong thời kì tiền khởi nghĩa được củng cố, phát triển. Địa thế rừng núi hiểm trở, cơ sở cách mạng ra đời sớm và phát triển vững chắc, là những yếu tố cơ bản để Trung ương Đảng lựa chọn Định Hóa làm địa điểm xây dựng an toàn khu của kháng chiến.

Đầu năm 1947, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội đã gấp rút di chuyển lên Định Hóa và các huyện trong vùng an toàn khu để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức cuộc kháng chiến của quân và dân cả nước. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, An toàn khu Định Hoá luôn giữ vai trò quan trọng, là một trong những trung tâm lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc; nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đây, nhiều quyết sách quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh được ra đời, trực tiếp chỉ đạo mọi mặt công cuộc kháng chiến, kiến quốc ở từng địa phương cũng như trên cả nước. Từ An toàn khu Định Hoá, Bộ Tổng chỉ huy nghiên cứu, xác định phương châm hoạt động tác chiến thích hợp cho từng chiến trường, trong đó lán Tỉn Keo (xã Phú Đình) là nơi Bộ chính trị Trung ương Đảng họp thông qua chủ trương Chiến cục Đông Xuân (1953-54) và hạ quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc Kháng chiến chống Pháp. An toàn khu Định Hoá cũng là nơi diễn ra các cuộc đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu các đoàn thể, tổ chức dân chủ, cách mạng quốc tế; đồng thời cũng là một trong những nơi thực hiện chế độ dân chủ mới, tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về kháng chiến, kiến quốc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn an toàn khu trong những năm kháng chiến. An toàn khu Định Hoá và một số huyện giáp ranh đã thực sự trở thành khu an toàn lớn nhất và quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. An toàn khu Định Hoá nói riêng và căn cứ địa Việt Bắc nói chung được coi là “Thủ đô kháng chiến” trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Ngày 27.1.1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 70/TTg công nhận An toàn khu Định Hoá là di tích lịch sử. Ngày 10.5.2012, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử An toàn khu Định Hoá là di tích quốc gia đặc biệt. (1.239 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Xuân Minh, Hoàng Ngọc La, Đỗ Hồng Thái, Sự hình thành An toàn khu (ATK) Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tạp chí Lịch sử quân sự, Hà nội, 1995.
  2. Huyện ủy Định Hóa, Lịch sử ATK Định Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 - 1954, Thái Nguyên, 1997.
  3. Trần Văn Thức, Lê Thanh Bài, Địa và Nhân - Điều kiện căn bản cấu thành ATK Định Hóa, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 4, 2001.
  4. Trần Văn Ích, Huyện Định Hóa, Thái Nguyên trong chiến dịch Việt Bắc và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến thắng Việt Bắc thu - đông 1947, vai trò căn cứ địa và bước ngoặc của cuộc kháng chiến, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008.
  5. Lê Quang Dực, An toàn khu ở Thái Nguyên trong chiến dịch Việt Bắc Thu- Đông 1947, Chiến thắng Việt Bắc thu - đông 1947, vai trò căn cứ địa và bước ngoặt của cuộc kháng chiến, Nxb quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008.
  6. Đồng Khắc Thọ, Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử ATK tại trung tâm thủ đô kháng chiến, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3 (24), 2008.
  7. http://dsvh.gov.vn/di-tich-lich-su-an-toan-khu-atk-dinh-hoa-2948