Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Alfred Charles Kinsey
ALFRED CHARLES KINSEY (1894 - 1956)

Alfred Charles Kinsey (1894 - 1956) là một Nhà côn trùng học và nhà nghiên cứu tình dục người Mỹ - người đi tiên phong nghiên cứu về tình dục của con người.

Alfred Charles Kinsey là một nhà côn trùng học nổi tiếng, chuyên nghiên cứu về ong bắp cày, nhưng khi quan tâm đến tình dục của con người ông đã hoàn toàn chuyển sang hướng khoa học mới.

Kinsey đã đặt nền tảng cho lĩnh vực tình dục học - một vấn đề đã gây ra tranh cãi trong những năm 1940 và 1950 tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu của ông đã ảnh hưởng đến các giá trị xã hội và văn hóa ở Hoa Kỳ, cũng như quốc tế. Các nghiên cứu mang tính bước ngoặt của Kinsey đã nhấn mạnh đến sự đa dạng của các hoạt động tình dục con người và sự phổ biến những hành vi tình dục vốn bị xã hội lên án. Những nghiên cứu này dẫn đến thái độ cởi mở mới của xã hội đối với tình dục. Kết quả nghiên cứu của Kinsey là một phần của xu hướng làm cho pháp luật và giáo dục giới tính cho trẻ em trở thành phổ biến. Nghiên cứu của Kinsey làm hồi sinh sự quan tâm đến khoa học “Giới tính học”.

Gia đình và học tập[sửa]

Alfred Kinsey sinh ngày 23 tháng 6 năm 1894 tại Hoboken, New Jersey, là con trai của Sarah Ann (Charles) và Alfred Seguine Kinsey. Ông là con cả trong gia đình có ba người con. Mẹ anh ít được giáo dục chính quy, cha ông là giáo sư tại Học viện Công nghệ Stevens.

Cha mẹ của Kinsey là những tín đồ Cơ đốc sùng đạo. Cha của Kinsey được biết đến là một trong những thành viên sùng đạo nhất của nhà thờ Giám lý địa phương. Hầu hết các tương tác xã hội của Kinsey là với các thành viên của nhà thờ và Kinsey thường là một người quan sát im lặng, trong khi cha mẹ anh thảo luận về tôn giáo. Cha của Kinsey áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt đối với gia đình, bao gồm cả ngày chủ nhật là ngày cầu nguyện và một số điều khác.

Năm 1904, gia đình Kinsey bao gồm một người em trai và em gái, chuyển đến thị trấn ở phía Nam Orange, New Jersey. Bệnh tật thời thơ ấu và chẩn đoán sai bệnh tim khiến Kinsey không thể chơi thể thao, nhưng Kinsey có sở thích đối với âm nhạc cổ điển và sinh học (một lĩnh vực phát triển khi còn nhỏ). Kinsey trở thành một người đam mê hoạt động ngoài trời, anh đã hoạt động trong Đội hướng đạo sinh và dành mùa hè với tư cách là cố vấn trại, mặc dù anh mơ ước trở thành một nhà sinh vật học.

Ở trường trung học, Kinsey là một học sinh ít nói, nhưng chăm chỉ. Trong thời gian theo học tại trường trung học Columbia, Kinsey đã dành thời gian và công sức của mình cho công việc học tập và chơi piano. Có lúc, Kinsey đã hy vọng trở thành một nghệ sĩ piano hòa nhạc, nhưng thay vào đó anh quyết định tập trung vào việc theo đuổi khoa học. Kinsey dường như không hình thành được các mối quan hệ xã hội tốt trong thời trung học, nhưng nhận được sự tôn trọng của thầy cô và bạn bè về khả năng học tập của mình. Vào thời điểm này, Kinsey bắt đầu quan tâm đến sinh học, thực vật học và động vật học. Kinsey sau đó khẳng định rằng Natalie Roeth - giáo viên trung học của anh là người có ảnh hưởng quan trọng nhất đến quyết định trở thành nhà khoa học của mình. Với sự ham học và năng lực học tập của mình, Kinsey đã đạt được kết quả tốt khi học đại học.

Với việc Kinsey mơ ước trở thành một nhà sinh vật học, nên trong niên giám trung học của anh, người ta đã dự đoán rằng Kinsey sẽ trở thành “Darwin thứ hai”.

Trở thành nhà côn trùng học[sửa]

Gần như chỉ sau một đêm, Kinsey - một thủ khoa trường trung học đã tuyên bố với cha anh rằng anh chuyển đến Trường Đại học Bowdoin ở Brunswick, Maine. Kinsey trở thành sinh viên ngôi sao tại Bowdoin, trong khi duy trì sự tham gia của mình với nhà thờ địa phương và YMCA. Tốt nghiệp magna cum laude năm 1916, Kinsey nhận được học bổng tại Đại học Harvard. Ông bắt đầu nghiên cứu về ong mật tại Viện Bussey dưới sự lãnh đạo của William Morton Wheeler - một nhà khoa học có đóng góp xuất sắc cho côn trùng học. Những con côn trùng nhỏ bé này đậu trên các cây hoa hồng hoặc các cây sồi đã thu hút sự quan tâm lớn của Kinsey. Ông đã dành nhiều công sức và tình yêu thu thập một mẫu lớn về ong trong tự nhiên.

Kinsey đã làm luận án tiến sĩ về ong bắp cày, ông đã say mê thu thập các mẫu của loài này. Ông đã đi khắp nơi và thực hiện 26 phép đo chi tiết của hàng trăm nghìn con ong bắp cày. Bản thân phương pháp luận của ông đã là một đóng góp quan trọng cho côn trùng học như một khoa học. Năm 1919, Kinsey được cấp bằng Tiến sĩ khoa học của Đại học Harvard. Nhờ nhận được học bổng Sheldon Traveling, Kinsey đã đi nhiều vùng của Hoa Kỳ để thu thập về ong bắp cày. Năm 1920, ông xuất bản một số bài báo dưới sự bảo trợ của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở Thành phố New York, giới thiệu loài ong bắp cày với cộng đồng khoa học và mô tả sự phát sinh loài của loài ong này. Trong số hơn 18 triệu con côn trùng trong bộ sưu tập của bảo tàng, có khoảng 5 triệu con là ong bắp cày do Kinsey thu thập.

Năm 1921, Kinsey kết hôn với Clara Brachen McMillen - một sinh viên hóa học, người đã chia sẻ tình yêu của mình đối với âm nhạc và hoạt động ngoài trời của Kinsey.

Kinsey đã viết một cuốn sách giáo khoa phổ thông được sử dụng rộng rãi là cuốn sách Giới thiệu về sinh học, được xuất bản vào tháng 10 năm 1926. Cuốn sách ủng hộ sự tiến hóa và thống nhất các lĩnh vực động vật học và thực vật học vốn là riêng biệt trước đây. Cuốn Giới thiệu về sinh học không giống với bất kỳ sách giáo khoa nào khác trong xã hội vào thời điểm đó. Sách giáo khoa của Kinsey nhận được sự quan tâm lớn của xã hội vì vị trí vững chắc của nó đối với quá trình tiến hóa. Trong sách giáo khoa của mình, Kinsey đã trình bày các sự kiện cơ bản của quá trình tiến hóa theo phương thức thực tế. Năm 1927, ông xuất bản cuốn Sổ tay hướng dẫn hiện trường và phòng thí nghiệm trong sinh học. Sách về ong mật của Kinsey, xuất bản vào những năm 1930, đã giúp Kinsey trở thành chuyên gia hàng đầu về những loài côn trùng và là một nhà lý thuyết quan trọng trong di truyền học.

Các nghiên cứu về tình dục con người[sửa]

Các nghiên cứu về tình dục của con người mang lại sự nổi tiếng và tai tiếng cho Kinsey. Sở thích của Kinsey bắt đầu chuyển từ ong bắp cày sang tìm hiểu về tình dục con người. Do băn khoăn vì thiếu kiến thức khoa học liên quan đến tình dục của con người, cũng như sự thiếu hiểu biết sâu sắc học sinh của mình liên quan đến vấn đề tình dục, trong 1938 Kinsey bắt đầu dạy một khóa học về hôn nhân. Các sinh viên Indiana đổ xô đến khóa học và ông đã tiến hành khảo sát về vấn đề tình dục của sinh viên. Đầu tiên phỏng vấn với bảng câu hỏi và sau đó với phỏng vấn riêng, Kinsey có được lịch sử tình dục chi tiết của sinh viên của mình và tư vấn cho họ về những vấn đề thân mật. Kinsey đã phỏng vấn một số lượng lớn sinh viên ở Chicago, phân tích dữ liệu và đào tạo cộng tác viên.

Với sự tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia; Ủy ban Nghiên cứu các Vấn đề tình dục và Quỹ Rockefeller, ông đã thành lập Viện Nghiên cứu Tình dục tại Đại học Indiana. Năm 1984 nó được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Tình dục, Giới tính và Sinh sản Kinsey.

Với việc xuất bản cuốn sách bán chạy nhất của mình - Hành vi tình dục ở nam giới vào năm 1948, dựa trên nghiên cứu hơn 5.300 tiểu sử trường hợp, Kinsey đã trở thành một biểu tượng của nền văn hóa đại chúng. Bằng ngôn ngữ gợi nhớ trong cuốn kỷ yếu thời trung học của Kinsey, các báo chí nổi tiếng đã nói về Kinsey như là người kế vị Darwin. Tiếp theo cuốn Hành vi tình dục ở nữ giới được xuất bản năm 1953. Cả hai cuốn sách đều đứng đầu các sách bán chạy nhất và biến Kinsey thành một người nổi tiếng. Những ấn phẩm này sau đó được gọi là “Báo cáo Kinsey”. Báo cáo Kinsey được sử dụng đơn giản và ngôn ngữ chính xác về kết quả từ hàng nghìn các cuộc phỏng vấn, hầu hết là nam giới, đặc biệt là thanh thiếu niên thủ dâm thường xuyên mà không phát điên; tiền hôn nhân và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là phổ biến và một phần ba trong số tất cả đàn ông được báo cáo đã từng có ít nhất một người đồng tính. Các cuốn sách của Kinsey đã bị tấn công bởi các nhóm tôn giáo và bảo thủ. Nghiên cứu của Kinsey về tình dục của phụ nữ bao gồm các cuộc thảo luận thẳng thắn và chi tiết về đáp ứng tình dục của phụ nữ và cực khoái. Hơn thế nữa báo cáo còn bàn về hành vi thủ dâm thường xuyên tiền hôn nhân và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân ở nữ giới. Kinsey bị buộc tội phá hoại đạo đức của nước Mỹ.

Do không thể nhận được tài trợ cho một nghiên cứu mới có quy mô lớn về tội phạm tình dục, Kinsey đã đến châu Âu và Anh vào năm 1955. Tại đây, ông đã thuyết trình và nghiên cứu về thái độ tình dục. Mặc dù sức khỏe ngày càng kém, ông đã hoàn thành cuộc phỏng vấn lần thứ 7.935 tại Chicago vào mùa xuân năm 1956. Kinsey qua đời vào ngày 25 tháng 8 năm 1956, ở tuổi 62. Nguyên nhân cái chết của ông được cho là do bệnh tim và viêm phổi. Mặc dù cả Alfred Kinsey và “Báo cáo Kinsey” vẫn còn gây tranh cãi và các nhà nghiên cứu sau này đã đưa ra những câu hỏi nghiêm túc về các phương pháp luận của Kinsey. Nghiên cứu của ông đã có một tác động sâu sắc đến thái độ và niềm tin tình dục.

Khi ông qua đời, Thời báo New York đăng bài xã luận vào ngày 27 tháng 8 năm 1956: “Cái chết đột ngột của Tiến sĩ Alfred C. Kinsey khiến ông trở thành một nhân vật quan trọng và có giá trị, cũng như gây tranh cãi của nước Mỹ. Bất kể điều gì có thể là phản ứng đối với những phát hiện của ông và việc sử dụng một trong số chúng một cách vô đạo đức thì sự thật ông vẫn là người đầu tiên, cuối cùng và luôn là một nhà khoa học. Về lâu dài, có thể những giá trị đóng góp của ông đối với tư tưởng đương đại sẽ nằm ở những gì ông tìm ra được nhiều hơn so với phương pháp ông sử dụng và cách ông áp dụng nó”.

Vào tháng 6 năm 2019, Kinsey là một trong năm mươi người Mỹ đầu tiên - “người đi tiên phong, người đi trước và anh hùng” được vinh danh trên Bức tường Quốc gia vinh danh LGBTQ trong Đài tưởng niệm Quốc gia Stonewall (SNM) Stonewall Inn của Thành phố New York.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
  2. Christenson, Cornelia V. Kinsey, A Biography. Bloomington: Indiana University Press, 1971, pp. 29.
  3. Jones, James H., Alfred C. Kinsey: A Life, New York: W. W. Norton and Co., Dựa trên hơn 5.300 tiểu sử trường hợp, Pomeroy, Wardell Baxter, Dr. Kinsey and the Institute for Sex Research, New York: Harper & Row, 1972, pp. 188 - 189.
  4. Jones, James H., Alfred C. Kinsey: A Public/Private Life, New York: W. W. Norton & Co, 1997.
  5. Epstein, Joseph, The secret life of Alfred Kinsey, Commentary 195 (January 1998), 1998, pp. 35 - 39.
  6. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  7. Gathorne-Hardy, Jonathan, Alfred C. Kinsey: Sex the Measure of all Things, Bloomington: Indiana University Press, 2000.
  8. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  9. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.