Alexander đại đế (356 - 323 TCN) là hoàng đế của vương quốc Macedonia, người đã đưa vương quốc Macedonia trở thành một đế chế rộng lớn nhất thời cổ đại, được coi là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, cg. Alexander III.
Alexander đại đế tên thật là Alexander Magnus, sinh năm 356 TCN ở kinh đô Pella, là con trai vua Phillip II của vương quốc Macedonia và công chúa Olympias xứ Epirote. Năm 13 tuổi, Alexander bắt đầu theo học nhà triết học Aristotle. Ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện là một học trò giỏi và luôn mơ ước trở thành chiến binh. Thầy dạy Aristotle đã huấn luyện Alexander về mọi mặt như thuật hùng biện, văn học và khơi gợi các sở thích của ông trong khoa học, y khoa và triết học.
Alexander đại đế lên ngôi năm 336 TCN sau khi vua cha Phillip II bị ám sát. Trong suốt thời kỳ cai trị của mình, Alexander chủ yếu dành thời gian cho hoạt động quân sự và đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà con người thời đó biết đến.
Sau cái chết của vua Philip II, các thành phố Hy Lạp vốn quy phục Macedonia như Athens và Thebes, thấy vị vua mới trẻ tuổi mới lên ngôi như là một cơ hội để giành lại hoàn toàn quyền độc lập nên đã nổi dậy chống lại. Kế thừa một vương quốc hùng mạnh nhưng đầy bất ổn như vậy, Alexander đã nhanh chóng tiêu diệt hết kẻ thù trong nước, từ Thebes tới Athens, Sparta và nhiều thành phố khác, xác lập lại quyền lực thống trị của người Macedonia tại Hy Lạp. Sau đó, ông lên đường chinh phạt đế chế Ba Tư khổng lồ.
Với đội quân bao gồm 32.000 bộ binh và 5.100 kỵ binh, Alexander đã lãnh đạo quân đội của mình giành được những chiến thắng vang dội trên khắp lãnh thổ của người Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế của ông đến xa tận Punjab thuộc Ấn Độ ngày nay. Một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của ông là trận chiến Gaugamela (năm 331 TCN, hiện nay ở miền Bắc Iraq). Đây là chiến thắng quyết định thứ ba của ông trước đội quân hùng mạnh của vua Ba Tư Darius III và cũng được đánh giá là chiến công hiển hách nhất thời cổ đại. Alexander chiếm Babylon, thủ đô Persepolis của Ba Tư, tuyên bố trở thành vua của châu Á. Không những thế ông còn đánh tan tác quân đội Scythia - một dân tộc bách chiến bách thắng thời bấy giờ. Từ vị vua của Macedonia, người cai trị Hy Lạp, chúa tể của bán đảo Tiểu Á và Pharaoh của Ai Cập, ông đã trở thành “Hoàng đế vĩ đại” của Ba Tư ở tuổi 25, thường được gọi là “Alexander Đại đế”.
Trong 8 năm tiếp theo, Alexander đại đế đã đưa đội quân của mình đi xa thêm 11.000 dặm (khoảng 18.000 km), lập nên 70 thành phố, tất cả đều gọi là Alexandria, bao gồm cả Kandahar ngày nay ở Afghanistan, và Alexandria Eschate ("Xa nhất") ở vùng đất nay là Tajikistan. Ông đã tạo dựng một đế chế trải khắp ba lục địa và bao phủ khoảng 2 triệu dặm vuông (tương đương 5 triệu km2), bắt đầu từ Hy Lạp ở phía tây, cho tới sống Danube ở phía bắc, Ai Cập ở phía nam, trải dài theo phía đông cho tới vùng Punjab của Ấn Độ, toàn bộ khu vực này được kết nối trong một mạng lưới thương mại và buôn bán quốc tế rộng lớn. Mạng lưới này thống nhất bởi ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp, trong khi bản thân vị hoàng đế lại tiếp nhận và áp dụng những phong tục ngoại lai để cai trị hàng triệu thần dân đa sắc tộc.
Tại các vùng đất chinh phục được, Alexander thực hiện một chính sách hòa hợp dân tộc. Ông đưa cả những người không phải người Hy Lạp hay người Macedonia vào chính quyền và quân đội Macedonia, khuyến khích hôn nhân giữa các tướng sĩ của mình với người nước ngoài và chính ông cũng lấy vợ ngoại quốc. Alexander đã thiết lập chế độ dân chủ tại những quốc gia thuộc vùng Tiểu Á theo mô hình Hy Lạp. Ông cũng sử dụng người bản địa trong bộ máy cai trị, tiêu biểu như Babylon đặt dưới sự cai quản của một người Ba Tư là Mazaeus, các thanh niên Ba Tư được đào tạo theo quy tắc của Macedonia và thậm chí được tham gia quân đội Macedonia.
Ông qua đời sau một cơn sốt cao tại Babylon vào năm 323 TCN ở tuổi 33. Sau khi ông chết, một người anh khác mẹ của ông là Philip III Arrhidaeus (khoảng 359 TCN-317 TCN) đã lên kế vị. Lần lượt sau đó, vua Philip III và vua kế vị Alexander IV đều bị ám sát. Vương quốc Macedonia thời kỳ sau Alexander đại đế rơi vào khủng hoảng, suy yếu và tan rã do các tướng lĩnh cũ của Alexander xưng đế/xưng vương ở nhiều nơi họ chiếm giữ.
Những cuộc chinh phạt của ông mở đầu cho nhiều thế kỷ định cư và thống trị của người Hy Lạp trên các vùng đất xa xôi, một giai đoạn được lịch sử gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa. Bản thân ông cũng sống trong lịch sử và trong các truyền thuyết của các nền văn hóa Hy Lạp và cả không phải Hy Lạp. Ngay khi Alexander còn sống, và đặc biệt sau khi qua đời, những cuộc chinh phạt của ông đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho các tác phẩm văn học như truyến thuyết về Achilles, hay hình tượng anh hùng Iskandar trong văn học Hồi giáo của người Ả Rập.
Alexander đại đế được lịch sử ghi nhận là một trong những nhà lãnh đạo quân sự tài giỏi nhất và nhà cai trị quyền lực nhất thế giới cổ đại. Trong suốt thời kỳ cai trị của mình, Alexander đại đế đã chinh phục được nhiều vùng đất trải dài trên 3 châu lục: châu Âu, châu Phi, châu Á, lập ra 70 thành phố. Ông thường được so sánh với Julius Caesar (La Mã), Hannibal (Carthage), Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ), hay Napoléon I (Pháp) cùng nhiều nhân vật lịch sử khác như là một trong những thiên tài quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Mortimer Chambers – Barbara Hanawalt – David Herlihy – Theodore K.Rabb – Isser Woloch – Raymond Grew, Lịch sử văn minh phương Tây, Nxb.Văn hóa Thông tin, 2004.
- Arrian, Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế, An Khánh dịch, Nxb.Thế giới, 2015.
- Peter Green, Alexander the Great and the Hellenistic Age – A short story (Alexander Đại đế và thời kỳ Hy Lạp hóa – một lược sử), Weidenfeld and Nicolson, London, 2007.
- http://nghiencuuquocte.org/2015/04/07/alexander-dai-de/